Chuyện không mới nhưng nhiều năm qua, ngành mía đường vẫn không giải quyết được
Giá than cao, ngành than vẫn xin cơ chế ưu đãi thuế
- Cập nhật : 04/09/2015
(Tin kinh te)
Giai đoạn 2015-2020, giá bán than bình quân là 1,69 triệu đồng/tấn (78 USD). Giai đoạn 2021-2025 giá bán bình quân 1,7 triệu đồng/tấn (82 USD), giai đoan 2026-2030 giá bán bình quân 1,98 triệu đồng/tấn (91 USD). Tuy nhiên, tỉ lệ các khoản thuế chiếm 12,5% doanh thu bình quân than trong nước.
Đây là thông tin được đưa ra trong cuộc hội thảo khoa học Điều chỉnh quy hoạch phát triển ngành than Việt Nam đến năm 2020, có xét triển vọng đến năm 2030 do Bộ Công Thương tổ chức ngày 1-9.
Theo báo cáo Điều chỉnh quy hoạch ngành than do Công ty Cổ phần tư vấn đầu tư mỏ và công nghiệp, thuộc Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam (Vinacomini) công bố, lượng than thương phẩm năm 2015 đạt 39,5 triệu tấn, giá thành bình quân 1,53 triệu đồng/tấn. Tương tự các năm 2016 – 2030 giá thành sẽ từ 1,58 triệu đồng – 2,05 triệu đồng/tấn. Giá bán than bình quân trong nước giai đoạn 2020-2030 được xác định trên cơ sở giá thành sản xuất + lợi nhuận định mức hợp lý.
Theo đó, giai đoạn 2015-2020 giá bán than bình quân là 1,69 triệu đồng/tấn (78 USD), trong đó giá thành là 1,59 triệu đồng/tấn, lãi định mức 104.000 đồng/tấn (6,5%). Giai đoạn 2021-2025 giá bán bình quân 1,7 triệu đồng/tấn (82 USD), giai đoan 2026-2030 giá bán bình quân 1,98 triệu đồng/tấn (91 USD).
Ông Lê Văn Duẩn, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần tư vấn đầu tư mỏ và công nghiệp cho rằng, hiện nay ngành than đang phải gánh khá nhiều chi phí liên quan đến thuế phí trong cơ cấu giá thành. Các loại thuế phí hiện ay đang áp dụng đối với ngành than là quá cao. Cụ thể thuế tài nguyên 7-9%; tiền cấp quyền khai thác 2% (nộp trước đối với dự án mới là 4%); phí môi trường 10.000 đồng/tấn than nguyên khai, 11.600 đồng/tấn than thương phẩm, thuế môi trường 20.000 đồng/tấn (tổng cộng thuế phí môi trường là 31.600 đồng/tấn); các loại thuế phí khác 0,5% (8.000 đồng/tấn).
Theo ông Duẩn, tỉ lệ các khoản thuế chiếm 12,5% doanh thu bình quân than trong nước; riêng đối với xuất khẩu, giá thành thêm 10% thuế GTGT đầu vào, thuế xuất khẩu 10%,…Trong khi đó, so với một số nước như Australia, thuế tài nguyên than chỉ từ 5-7% (giá tính thuế được trừ chi phí sang tuyển, vận chuyển, tiêu thụ và không có thuế xuất khẩu). Tương tự, thuế tài nguyên ở Nga chỉ 3-6%, Trung Quốc 2-10%,…
Do vậy, để có thể trang trải được chi phí và có mức lợi nhuận, ngành than đề nghị Thủ tướng xem xét điều chỉnh giảm thuế môi trường tài nguyên chung cho cả khai thác lộ thiện và hầm lò. Đề nghị miễn nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản (vì thuế tài nguyên và chi phí cấp quyền khai thác khoáng sản có cùng bản chất, nên chỉ giữ thuế tài nguyên).
Về cơ chế chính sách, theo ông Duẩn, ngành than cần được xem xét cho vay vốn từ nguồn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước, phần vốn ODA, trái phiếu Chính phủ để đầu tư phát triển. Nhà nước cần cho phép ngành than thực hiện ngay giá bán than nội địa theo cơ chế thị trường, tương tự như ngành dầu khí. Cho phép ngành than xuất khẩu các chủng loại than có chất lượng cao mà trong nước chưa dùng hết hoặc chưa có nhu cầu sử dụng để duy trì quan hệ với bạn hàng truyền thống và duy trì nguồn ngoại tệ để nhập khẩu thiết bị, nhập than có chất lượng phù hợp nhu cầu trong nước.
Tuy nhiên, đáp lại những phân tích trên từ đại diện Vinacomin, TS Nguyễn Thành Sơn, Chuyên gia khoáng sản không đồng tình với cách tính toán của Vinacomin. Ông cho rằng, mức tính toán giá bán than theo quy hoạch như trên là quá cao. Vinacomin tính toán cấp than cho các hộ tiêu thụ trong nước 70-80 USD/tấn, trong khi than nhập khẩu chỉ 60 USD/tấn. Do đó ngành than phải tính toán lại chi phí cấp than trong nước để phù hợp, đặc biệt là giá bán than cho điện.
Đặc biệt, ông Sơn cho rằng, việc đưa lợi nhuận định mức vào cơ cấu giá thành là không hợp lý. “Trong cơ chế thị trường không thể áp dụng chi phí định mức, lợi nhuận định mức. Nếu áp các chi phí này vào giá sẽ khiến cho giá bán ra bị đội lên rất nhiều. Vì vậy, giá bán than trong nước phải chịu mức lên đến hơn 80 USD/tấn, trong khi giá nhập than chỉ 60 USD/tấn. Với giá như thế, ai dại gì mua than của Việt Nam”- Ông Sơn nêu dẫn chứng.
Từ đó, vị này đề xuất Nhà nước nên hình thành thị trường cạnh tranh hoàn hảo cho ngành than.
Đồng quan điểm, ông Phạm Ngọc Tuyển, Tổng giám đốc Tổng công ty Đông Bắc (Bộ Quốc phòng), một đơn vị khai thác than cho rằng, giá than như quy hoạch nêu trên là quá cao. Hiện nay, Tổng công ty Đông Bắc đã nhập khẩu 350.000 tấn than, với giá 60 USD/tấn và vẫn lãi trung bình 5-10 USD/tấn. “Năm nay chúng tôi đều hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch đề ra và có lãi trong bất cứ hoàn cảnh nào, kể cả mưa bão và duy trì các khoản thuế, phí như hiện hành"- Ông Tuyển nói.