Bộ Tài chính cho biết, lũy kế đến 25/8/2016 tổng giá trị chi trả nợ là 162.992 tỷ đồng; trong đó trả nợ trong nước là 132.433 tỷ đồng, trả nợ nước ngoài là 30.559 tỷ đồng.
Nhiều dự án FDI ở Đồng Nai: Chủ ra đi, nợ ở lại
- Cập nhật : 05/09/2016
(Kinh te)
Tính đến thời điểm tháng 8/2016, vẫn còn 26 dự án đầu tư có vốn nước ngoài (FDI) ở Đồng Nai ngưng hoạt động, trong đó đứng đầu là các DN đến từ Hàn Quốc với 9 dự án, sau là Đài Loan 6 dự án, còn lại là các DN từ các nước châu Á khác.
Về số vốn, tính đến thời điểm hiện nay, vốn đầu tư đăng ký của các dự án FDI đã ngưng hoạt động tại Đồng Nai lên tới hơn 133 triệu USD, con số này tương đương số vốn FDI thu hút được của không ít các địa phương trong cả một năm.
Trong danh sách này chỉ có 2 dự án chưa giải ngân vốn, còn lại 24 dự án đã giải ngân được hơn 79 triệu USD, trong đó, có 6 dự án đã hoàn thành giải ngân hoặc đã giải ngân gần xong số vốn đầu tư đăng ký.
Đáng chú ý, cuối năm 2015, tỉnh này cũng tiến hành thu hồi hơn 37 dự án FDI, trong đó có 22 dự án vắng chủ, phần lớn các dự án đã ngưng hoạt động trên 5 năm, theo Luật Đầu tư 2014, nếu dự án ngưng hoạt động trên 12 tháng và cơ quan chức năng không liên lạc được với người đại diện pháp luật của DN, thì sẽ đưa DN đó vào diện ngừng hoạt động, chờ thu hồi.
Hiện, Ban Quản lý các Khu công nghiệp Đồng Nai đang tổng hợp danh sách các dự án FDI ngưng hoạt động, công bố công khai trên Cổng Thông tin Đăng ký Doanh nghiệp Quốc gia và xử lý theo quy định của pháp luật.
Việc nhiều DN nước ngoài ngừng hoạt động không những khiến phá vỡ quy hoạch phát triển địa phương, vùng và ngành kinh tế mà còn để lại nhiều khoản nợ lớn về thuế (trong đó có tiền thuế thuê đất, thuế nhập khẩu hàng hóa, bảo hiểm xã hội và lương cho người lao động). Hiện các cơ quan như Cục Hải quan, Thuế, Sở KH&ĐT tỉnh này đang đánh giá những thiệt hại và khoản nợ thuế, nợ bảo hiểm và nợ lương của người lao động đối với các dự án đã giải ngân, còn các dự án chưa giải ngân. Sở TNMT sẽ xem xét thiệt hại về chi phí giải phóng mặt bằng, được bố trí từ ngân sách của tỉnh.
Trong thời gian qua, nhiều DN nước ngoài thực hiện vay vốn tại một ngân hàng thông qua đại diện Việt Nam, do đó tình trạng dự án của DN FDI vừa đi vào hoạt động nhưng phải giải thể, ngưng hoạt động ngay tức thì vì không cạnh tranh khiến nợ xấu ngân hàng gia tăng.
Trên thực tế, có rất nhiều dự án đã và đang bị thu hồi do chủ đầu tư không thực hiện triển khai hoặc chỉ giữ đất. Mới đây, dự án "siêu khủng" xây dựng nhà máy lọc dầu hơn 20 tỷ USD tại Nhơn Hội, Bình Định của chủ đầu tư Thái Lan cũng chính thức bị rút giấy phép do chỉ là "bánh vẽ". Rồi hàng loạt các dự án án Phoenix của Công ty TNHH Dewan International (Hồng Kông), vốn đầu tư 1,25 tỷ USD, tại Khánh Hòa. Bình Định cũng có một thời đình đám với dự án 1 tỷ USD của Bus Center; Dự án Thép Quảng Liên (Đài Loan), vốn đầu tư 3 tỷ USD tại Quảng Ngãi.
Trên thực tế, nhiều năm qua con số FDI cam kết đầu tư và giải ngân vẫn chênh nhau lớn, số cam kết thường cao hơn rất nhiều so với giải ngân. Trong khi đó, hiện các thống kê và đánh giá về thành tích thu hút FDI của Việt Nam vẫn dựa chủ yếu vào con số các nhà đầu tư cam kết.
Theo ông Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT): Hiện cả nước có trên 100 tỷ USD vốn FDI chưa thực hiện qua các năm. Đây là số chênh lệch giữa vốn cam kết đầu tư cao nhưng số vốn giải ngân thấp.
Ông Thắng khẳng định: Nếu hỏi hơn 100 tỷ USD vốn FDI chưa giải ngân ở đâu, thì chính là nằm ở những dự án đang “đắp chiếu” như vậy. Câu chuyện nằm ở chỗ, dự án chưa, thậm chí là khó có khả năng triển khai, song chưa bị thu hồi giấy chứng nhận đầu tư, nên vẫn đang nằm trong số liệu tổng hợp về thu hút FDI của cả nước.
Theo GS Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài (VAFIE): Việc nhiều dự án "bánh vẽ", "đắp chiếu" ở các địa phương thời gian qua do nhiều dự án được phê duyệt và cấp quá vội vàng, không chú ý đến chất lượng. Điều này dẫn đến tình trạng "cát cứ" các khu đất vàng, biến Việt Nam trở thành "thiên đường của các dự án treo", sai quy hoạch phát triển và để lại hệ quả xấu đối với thu hút FDI giai đoạn tiếp theo.
Từ năm 2013 đến nay khi Việt Nam càng ngày càng thắt chặt thu hút FDI và đặc biệt khi Luật Đầu tư 2014 có hiệu lực việc "gạn đục, khơi trong" các dự án FDI đã tốt hơn, song lại xuất hiện nhiều vấn đề như môi trường, quy hoạch khu công nghiệp và đặc biệt là các dự án tỷ đô tồn tại cả năm nhưng chủ đầu tư chỉ để cỏ mọc hoang.