Xe máy từ chỗ phải nhập khẩu 100% từ nước ngoài, tới nay ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT) trong lĩnh vực sản xuất và lắp ráp xe máy của Việt Nam đã phát triển và có thể tự sản xuất được khoảng 75% các loại linh kiện, phụ tùng.
Tương lai, ai sẽ quản lý cảng biển?
- Cập nhật : 08/09/2015
(Tin kinh te)
Một mô hình quản lý và khai thác cảng biển kiểu “chính quyền cảng” (port authority) sẽ được áp dụng, nếu Quốc hội thông qua dự thảo Bộ luật Hàng hải (sửa đổi) tại kỳ họp tới.
Mô hình “chính quyền cảng”
Báo cáo tổng kết chín năm thực hiện Bộ luật Hàng hải của Bộ Giao thông Vận tải cho thấy: hiệu quả kinh tế của khu vực cảng biển thấp do không có sự kết hợp khai thác sử dụng vùng nước cảng và vùng đất hậu cần; xuất hiện hiện tượng dư thừa công suất, cạnh tranh không lành mạnh do nhiều nhà đầu tư khai thác bến cảng tại một khu vực (Cái Mép - Thị Vải)...
Cho nên, khi xây dựng dự thảo Bộ luật Hàng hải (sửa đổi), Bộ Giao thông Vận tải đã bổ sung thêm quy định về “chính quyền cảng” - tổ chức quản lý và khai thác cảng - với chức năng điều phối, quản lý chung khu vực cảng biển nhằm khắc phục những bất cập nói trên, thúc đẩy ngành hàng hải phát triển, tăng khả năng hội nhập quốc tế.
Dù tên gọi đã được đổi thành Ban Quản lý và khai thác cảng nhưng chức năng của chính quyền cảng được quy định khá chi tiết trong dự luật (điều 142). Theo đó, Ban Quản lý và khai thác cảng có chức năng đầu tư xây dựng và quản lý khai thác, kinh doanh kết cấu hạ tầng cảng biển, khu hậu cần sau cảng; được thực hiện một số chức năng quản lý nhà nước trong phạm vi vùng đất, vùng nước được giao (như quy định về “chính quyền cảng” của một số nước).
Theo dự luật, Ban Quản lý và khai thác cảng là một doanh nghiệp đặc thù (do Chính phủ thành lập), được Nhà nước đầu tư 100%vốn điều lệ và được giao một vùng đất, vùng nước cảng biển để xây dựng quy hoạch, quản lý hoạt động đầu tư, xây dựng, cho thuê khai thác kết cấu hạ tầng cảng biển, khu hậu cần và khu công nghiệp phụ trợ sau cảng (tất nhiên phải theo quy hoạch được duyệt).
Cụ thể, Ban Quản lý và khai thác cảng có quyền lập quy hoạch chung đối với vùng đất, vùng nước cảng biển được giao; lập phương án tăng vốn điều lệ, phương án phát hành trái phiếu, phương án huy động các nguồn vốn [khác] để đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng cảng biển; phê duyệt và cấp phép đầu tư cầu, bến cảng biển, khu vực hậu cần sau cảng, khu công nghiệp phụ trợ của các nhà đầu tư, đồng thời đưa ra khung các loại phí, lệ phí hàng hải, giá dịch vụ tại cảng biển.
Về công tác quản lý, khai thác thì được ban hành các quy định liên quan đến các hoạt động khai thác trong khu vực cảng; tổ chức đấu thầu cho thuê khai thác kết cấu hạ tầng cầu cảng và bến cảng biển, quản lý và giám sát việc thực hiện hợp đồng đã ký; điều phối, kiểm tra, giám sát hoạt động khai thác của các nhà khai thác tại cảng biển cũng như khu đất hậu cần sau cảng...
Nói chung, mọi hoạt động liên quan trong khu vực cảng, sau cảng đều chịu sự quản lý của Ban Quản lý và khai thác cảng (như chính quyền).
Cũng theo dự luật, để hoạt động của Ban Quản lý và khai thác cảng được thuận lợi, Hội đồng thành viên của ban phải có đại diện Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường, ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi có cảng biển.
Tiếp tục hoàn thiện mô hình?
Giải trình với Quốc hội, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Đinh La Thăng, nói: “Ban Quản lý và khai thác cảng là mô hình quản lý tiên tiến, nhiều nước áp dụng hiệu quả”. Cho nên, theo ông, với mô hình như dự luật đề xuất sẽ giúp khắc phục được những bất cập trong hoạt động quản lý, khai thác cảng biển hiện nay (đầu tư dàn trải, cung vượt cầu...).
Trong phiên họp thứ 40 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới đây các ủy viên thường vụ cũng đã cho ý kiến về quy định đối với Ban Quản lý và khai thác cảng trong dự thảo Bộ luật Hàng hải. Theo đó, nhiều ý kiến ủng hộ quy định mới mẻ này nhưng yêu cầu phải làm rõ mối quan hệ giữa Ban Quản lý và khai thác cảng với các cơ quan hữu quan khác để tránh sự chồng chéo, nhất là chồng chéo với chức năng của cảng vụ.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho rằng Ban Quản lý và khai thác cảng hoàn toàn độc lập với các cảng vụ. Ban quản lý là tổ chức có chức năng đầu tư xây dựng và quản lý khai thác, kinh doanh kết cấu hạ tầng cảng biển, khu hậu cần sau cảng (được thực hiện một số chức năng quản lý nhà nước trong phạm vi vùng đất, vùng nước được giao); còn cảng vụ là cơ quan quản lý, cấp phép cho tàu ra tàu vào.
Tại phiên họp này, ông Phan Trung Lý, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho sử dụng khái niệm chính quyền cảng thay vì khái niệm Ban Quản lý và khai thác cảng vừa dài vừa không bao quát hết vấn đề.
Theo Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, hiện nay việc khai thác cảng biển chưa được như mong muốn nên Chính phủ muốn có một cơ chế mới để tạo ra sự đột phá. Do đó, việc thành lập chính quyền cảng hay Ban Quản lý và khai thác cảng là vấn đề lớn nên cần phải tiếp tục cân nhắc hoàn thiện các quy định pháp luật.
Cũng có ý kiến cho rằng, trong giai đoạn trước mắt chính quyền cảng chỉ áp dụng tại các khu vực cảng biển trọng điểm quốc gia, cảng bắt đầu được đầu tư xây dựng như Lạch Huyện - Hải Phòng, Vân Phong - Khánh Hòa, rồi từng bước hoàn thiện các quy định và áp dụng đối với các cảng biển trọng điểm khác trong tương lai.
Theo Quang Chung
Kinh tế Sài Gòn