GS.TS Phan Thanh Sơn Nam và PGS.TS Nguyễn Sum vừa được tạp chí khoa học Asian Scientist (Singapore) bình chọn là hai trong 100 nhà khoa học hàng đầu châu Á năm 2018.
Trung Quốc muốn thay Mỹ thống trị thế giới về công nghệ
- Cập nhật : 09/11/2017
Trí tuệ nhân tạo, xe điện, chip máy tính là ba lĩnh vực Trung Quốc tập trung mạnh với mục tiêu thay Mỹ thống trị công nghệ trong tương lai.
Từ trước đến nay, Mỹ vẫn là quốc gia mạnh về công nghệ và cũng đang sở hữu những tập đoàn công nghệ lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, Trung Quốc đang vươn lên mạnh mẽ với lộ trình được vạch sẵn, cùng các mục tiêu then chốt với tham vọng thống trị thế giới về công nghệ. Thậm chí, theo CNN, điều này có thể sớm thành hiện thực và đang khiến phương Tây lo ngại.
Trí tuệ nhân tạo (AI) là lĩnh vực được tập trung đầu tiên. Tổng thống Nga Vladimir Putin mới đây đã dự đoán rằng, bất cứ ai kiểm soát trí tuệ nhân tạo "sẽ trở thành người cai trị của thế giới" và có vẻ Trung Quốc đã nhận thấy tiềm năng từ lĩnh vực này.
Trong danh sách kế hoạch phát triển đất nước mà chính phủ Trung Quốc công bố hồi giữa năm nay, mục tiêu trở thành "siêu cường trí tuệ nhân tạo" được ưu tiên hàng đầu. Đến năm 2030, Trung Quốc cơ bản sẽ có một nền công nghiệp ứng dụng trí tuệ nhân tạo cực mạnh với giá trị ước tính lên tới 150 tỷ USD.
"Nếu như các nước khác chưa thực sự đầu tư mạnh vào trí tuệ nhân tạo, thì Trung Quốc đã bắt đầu thúc đẩy điều đó. Mức kinh phí mà quốc gia này đầu tư thậm chí lớn hơn bất cứ quốc gia nào khác", John Choi, nhà phân tích của Daiwa Capital Markets, cho biết.
Trung Quốc đang tập trung cho ứng dụng video thông minh, cụ thể là camera an ninh phục vụ cho chính phủ. Trên các tuyến đường, camera tích hợp trí tuệ nhân tạo sẽ giúp chính quyền kiểm soát mọi hoạt động của người dân và gửi về máy chủ. "Camera sẽ có mặt khắp mọi nơi, từ hang cùng ngõ hẻm. Chúng sẽ làm nhiệm vụ theo dõi chuyển động, xe cộ và con người, từ đó xây dựng nên một cơ sở dữ liệu khổng lồ để phục vụ trở lại cho chính trí tuệ nhân tạo", Chwee Kan Chua, nhà phân tích chuyên về trí tuệ nhân tạo của IDC, nhận định.
Không chỉ chính phủ, các công ty công nghệ Trung Quốc cũng đang tích cực áp dụng trí tuệ nhân tạo cho các sản phẩm của mình. Alibaba, Baidu và Tencent là ba hãng có trung tâm nghiên cứu trí tuệ nhân tạo không chỉ tại Trung Quốc mà còn ở Mỹ.
Xe điện cũng là mục tiêu được Trung Quốc hướng tới. Trên thực tế, đây là thị trường xe điện lớn nhất thế giới nhờ những ưu đãi từ phía chính phủ. Các doanh nghiệp xe điện trong nước luôn được khuyến khích với mức đánh thuế thấp và được trợ cấp về giá. Cộng thêm sự đa dạng về mẫu mã, giá cả phải chăng... người dân Trung Quốc bắt đầu quan tâm nhiều đến xe điện.
Người Trung Quốc đang quan tâm đến xe điện.
Bắc Kinh là một trong những thành phố ô nhiễm khói bụi lớn nhất thế giới, do đó xe điện là giải pháp giúp tình trạng này giảm thiểu. Đến năm 2025, thành phố này đặt mục tiêu xe điện chiếm ít nhất 75% phương tiện đi lại. Các hãng như Volkswagen, Ford hay mới nhất là Tesla đều đã công bố kế hoạch phát triển xe điện tại Trung Quốc nói chung và Bắc Kinh nói riêng, cho thấy tiềm năng của nó lớn đến mức nào.
Tất nhiên, việc phát triển xe điện phải đi kèm với mạng lưới các trạm sạc công cộng. Theo công bố trên website chính phủ, cả nước đang có 150.000 trạm sạc tính đến cuối 2016 và dự kiến xây dựng thêm 100.000 trạm trong năm nay.
Mỹ đang là quốc gia có ngành công nghiệp bán dẫn lớn nhất thế giới, với hơn một nửa thị phần (theo thống kê của Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn - SIA). Tuy nhiên, Trung Quốc mới là nước đang có mức phát triển về lĩnh vực này mạnh mẽ nhất nhờ được đầu tư lớn và hướng đi táo bạo.
Theo thống kê của PricewaterhouseCoopers, Trung Quốc đang có nhu cầu về bán dẫn rất lớn với 60%, tương đương mức 354 tỷ USD trong năm 2015. Những năm sau, nhu cầu ngày càng cao buộc các công ty điện tử phải hướng đến mục tiêu tự sản xuất thay vì phụ thuộc các nước khác, trong đó có Mỹ.
Chính phủ Trung Quốc đang đặt mục tiêu đầy tham vọng, trong đó sẽ chi ra hàng tỷ USD để phát triển "ngành công nghiệp bán dẫn có tính cạnh tranh trên toàn cầu". Ban đầu, nước này đầu tư vào một số công ty bán dẫn Mỹ nhưng không thành công. Sau đó, những người đứng đầu đã chuyển hướng sang Tsinghua UniGroup với hơn 22 tỷ USD. Đây cũng là nhà máy sản xuất chip nhớ đầu tiên có công nghệ hiện đại nhất thế giới của Trung Quốc.
Sự phát triển của thiết bị số nhờ vào ngành công nghiệp bán dẫn.
"Chip nhớ đang được sử dụng cho hầu hết các thiết bị số, từ iPhone đến ô tô. Nếu phát triển được nó, khả năng chi phối nền công nghệ thế giới trong tương lai là rất lớn", một chuyên gia nhận định.
Những động thái trên hiện cũng khiến phía Mỹ lo ngại. Theo phát ngôn viên Bộ Thương mại Mỹ, tham vọng của Trung Quốc "là mối đe dọa thực sự, không chỉ riêng công ty Mỹ mà còn đến toàn bộ hệ sinh thái bán dẫn toàn cầu".
Theo VnExpress