tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Thấy gì từ làn sóng bán tháo trái phiếu Chính phủ Mỹ?

  • Cập nhật : 19/02/2016

(Chung khoan)

Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu giảm tốc, ngân hàng trung ương nhiều nước buộc phải bán trái phiểu chính phủ Mỹ để chặn đà phá giá của đồng nội tệ.

Chủ nợ lớn nhất của Mỹ, Trung Quốc, đã bán 18 tỷ USD trái phiếu chính phủ Mỹ trong tháng 12 năm ngoái.

Và không chỉ có mình nước này. Nhật Bản thậm chí còn bán nhiều hơn: 22 tỷ USD. Mexico, Thổ Nhĩ Kỳ và Bỉ cũng đã gia nhập cuộc đua trong năm ngoái, đẩy số trái phiếu chính phủ Mỹ được bán ra lên mức kỷ lục.

Nhiều nước đang gặp khó khăn do kinh tế toàn cầu giảm tốc, buộc cácngân hàng trung ương phải dùng mọi biện pháp có thể nhằm hỗ trợ nền kinh tế.

Ngân hàng trung ương Nhật Bản và Thụy Điển đã phải dùng đến lãi suất âm để khuyến khích các ngân hàng trong nước cho vay nhiều hơn. Ngân hàng Trung ương Châu Âu đang mua vào trái phiếu do các nước thành viên phát hành. Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc thì đang bơm tiền mặt vào hệ thống tài chính.

Với nhiều ngân hàng trung ương, bán trái phiếu chính phủ Mỹ sẽ giúp họ có được lượng tiền mặt cần để chặn đà phá giá của đồng nội tệ.

“Những biện pháp can thiệp này giống như quăng phao cho người sắp chết đuối vậy,” Win Thin, trưởng bộ phân chiến lược tiền tệ ở thị trường mới nổi của Brown Brothers Harriman cho biết.

Tổng cộng, các ngân hàng trung ương đã bán 225 tỷ USD trái phiếu chính phủ Mỹ trong năm ngoái, nhiều nhất kể từ năm 1978. Trái ngược với năm 2014 khi các nước mua thêm 45 tỷ USD trái phiếu chính phủ Mỹ. Chính phủ các nước đã bán trái phiếu chính phủ Mỹ nhiều hơn mua vào trong 11 tháng của năm ngoái.

Việc bán trái phiếu chính phủ Mỹ là dấu hiệu cho hai điều. Thứ nhất, các ngân hàng trung ương đang phải vật lộn để củng cố nền kinh tế trong nước trong bối cảnh suy thoái toàn cầu. Thứ hai, sau nhiều năm tích lũy, các nước đang bắt đầu bán nguồn dự trữ ngoại tệ.

Đồng nội tệ sụp đổ: ngân hàng trung ương phải giải cứu?

Đồng nội tệ yếu thường là tấm gương phản chiếu nền kinh tế đang giảm tốc hoặc suy thoái. Chẳng hạn như Nga và Brazil đều đang suy thoái và đồng tiền của hai nước này đã mất giá trầm trọng.

Cùng với nhiều nước đang phát triển khác, hai nước trên đều phụ thuộc vào các mặt hàng như dầu mỏ, kim loại và thực phẩm để thúc đẩy tăng trưởng. Giá hàng hóa, đặc biệt là giá dầu, đã sụt giảm trong năm ngoái và tiếp tục lao dốc trong năm 2016.

Khi giá hàng hóa giảm, đồng nội tệ thường có xu hướng giảm theo. Và khi đồng nội tệ mất giá, dòng tiền mặt sẽ tháo chạy ra khỏi nước đó và chảy vào các nước an toàn hơn. Vì thế, các ngân hàng trung ương đã cố ngăn chặn nguồn vốn khổng lồ tháo chạy bằng cách chặn lại đà sụp đổ của đồng nội tệ.

Trung Quốc đã chi 500 tỷ USD trong năm ngoái để vực dậy giá đồng nhân dân tệ. Mặc dù đã bỏ ra số tiền lớn như vậy, tổng số trái phiếu chính phủ Mỹ của Trung Quốc, do các cơ quan nhà nước và nhà đầu tư cá nhân nắm giữ vẫn tăng nhẹ so với năm ngoái.

Điều này cũng đúng với đa số các nước: tổng dự trữ ngoại tệ đã tăng trong tháng 12/2015 so với cùng kỳ năm ngoái. Vì thế, ngay cả khi các ngân hàng trung ương đang bán trái phiếu chính phủ Mỹ, nhu cầu mua vào của các nhà đầu tư cá nhân vẫn còn rất lớn.

“Cơn sốt tiết kiệm toàn cầu” đã chấm dứt

Giá hàng hóa đã trải qua giai đoạn bùng nổ từ năm 2003 đến 2013 do nhu cầu hầu như vô tận của Trung Quốc khi nước này xây dựng các thành phố và nền kinh tế của mình. Nhiều quốc gia giàu tài nguyên như Brazil cũng đã tăng trưởng theo nhờ nhu cầu trên.

Những nước này đã nắm bắt cơ hội trên để tăng dự trữ ngoại tệ của mình bằng cách mua hàng trăm tỷ USD trái phiếu chính phủ Mỹ. Cựu chủ tịch Fed Ben Bernanke vào năm 2005 đã gọi hiện tượng này là “cơn sốt tiết kiệm toàn cầu”.

Sau khi tích lũy dự trữ ngoại tệ trong một thập kỷ, các ngân hàng trung ương cuối cùng đã bắt đầu bán ra vào năm ngoái. Theo số liệu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế, tổng dự trữ ngoại tệ trên thế giới đạt 12 nghìn tỷ USD vào năm 2014 và đã tụt xuống 11,5 nghìn tỷ USD vào năm 2015

Năm ngoái, Trung Quốc đã chứng kiến tốc độ tăng trưởng chậm nhất trong 25 năm. Cơn khát tài nguyên của nước này đã nguôi bớt, làm cho giá hàng hóa lao dốc và dẫn đến hiệu ứng dây chuyền tác động lên nhiều nền kinh tế và đồng tiền trên toàn cầu.

Ngân hàng trung ương các nước đang vật lộn để ngăn chặn đồng nội tệ lao dốc hơn nữa. Các chuyên gia nhận định việc bán trái phiếu chính phủ Mỹ vẫn là xu hướng chủ đạo trong thời gian tới.

“Tôi dự đoán xu hướng này sẽ còn tiếp diễn trong năm nay và có lẽ sang cả năm 2017,” Gus Faucher, kinh tế gia trưởng của PNC Financial nói.

(Theo CafeF)

 

Trở về

Bài cùng chuyên mục