Các quỹ của Chính phủ Trung Quốc mua vào cổ phiếu, Ngân hàng Trung ương nước này bơm gần 20 tỷ USD vào hệ thống tài chính...
“Cần theo dõi xu hướng rút vốn của khối ngoại”
- Cập nhật : 26/11/2015
(Chung khoan)
"Có một phần tương đối nhỏ bán ròng liên quan đến xu hướng rút vốn của nhà đầu tư ngoại và đây là yếu tố cần theo dõi trong thời gian tới", ông Nguyễn Đức Hùng Linh nhận định.
Nhà đầu tư nước ngoài nhiều khả năng sẽ quay trở lại xu hướng bán ròng trên thị trường chứng khoán Việt trong tháng 11/2015.
Theo đó, trong khoảng hai tuần từ 6/11 đến 20/11, khối ngoại đã bán ròng với giá trị 500 tỷ đồng. Trong đó, họ đã duy trì chuỗi bán ròng 7 phiên liên tiếp trên HOSE.
Bước sang tuần này, khối ngoại chỉ chuyển hướng mua ròng hơn 100 tỷ trong phiên đầu tuần (23/11) rồi ngay sau đó đã trở lại bán ròng chừng đó giá trị trong phiên 24/11.
Những yếu tố nào tác động tới động thái giao dịch trên của khối ngoại? Và liệu xu hướng bán ròng có “đeo bám” thị trường?
Chia sẻ với PV, ông Nguyễn Đức Hùng Linh, Giám đốc Phân tích & Tư vấn Đầu tư Khách hàng cá nhân, Khối Dịch vụ Chứng khoán, CTCP Chứng khoán Sài Gòn (SSI) cho rằng, đằng sau giá trị bán ròng 500 tỷ đồng của nhà đầu tư nước ngoài trong 2 tuần qua có 3 vấn đề cần chú ý.
Thứ nhất, khối ngoại tập trung bán ròng ở một vài cổ phiếu lớn và lý do bán liên quan nhiều đến câu chuyện của từng cổ phiếu, không liên quan đến xu hướng dòng vốn nói chung.
Có 2 ngành bị bán ròng mạnh nhất là dịch vụ tài chính (-350 tỷ) và sản xuất thực phẩm (-114 tỷ). MSN là cổ phiếu đứng đầu bán ròng trong ngành dịch vụ tài chính (-342 tỷ). Trong 13 tuần vừa qua MSN đã bị bán ròng liên tục với tổng giá trị lên đến -1,08 nghìn tỷ đồng. Tăng trưởng thấp hơn kỳ vọng ở nhiều mảng kinh doanh có thể là lý do khiến khối ngoại giảm bớt ưa thích ở cổ phiếu này.
KDC (-51 tỷ), VNM (-51 tỷ) là 2 cổ phiếu bị bán ròng chính trong ngành sản xuất thực phẩm. Giống MSN, KDC đã bị bán ròng 19/20 tuần. Nhà đầu tư nước ngoài quyết định bán KDC chủ yếu là do KDC không còn giữ mảng kinh doanh cốt lõi là bánh kẹo. Khác với MSN và KDC, VNM là cổ phiếu hết room và giá trị bán ròng trước đó không đáng kể. Khối ngoại chỉ tăng mạnh chốt lời trong tuần 16-20/11 khi VNM đã tăng giá 30% trong vòng 1 tháng.
Tài chính và sản xuất thực phẩm là hai ngành bị khối ngoại bán ròng mạnh trong mấy tuần qua - Nguồn: SSI.
Thứ 2, có một phần tương đối nhỏ bán ròng liên quan đến xu hướng rút vốn của nhà đầu tư nước ngoài và đây là yếu tố cần theo dõi trong thời gian tới.
Vào ngày 16/11, quỹ ETF của DB đã bị rút 120.000 chứng chỉ quỹ, tương đương 2,6 triệu USD. Trong vòng 1 tháng, DB ETF đã bị rút chứng chỉ quỹ 3 lần và tổng số chứng chỉ quỹ bị rút là 8 triệu USD.
Xu hướng rút vốn khỏi các thị trường mới nổi tại Châu Á đã xuất hiện kể từ đầu tháng 11. Khả năng FED nâng lãi suất vào tháng 12 và rủi ro kinh tế Trung Quốc là những nguyên nhân khiến giới đầu tư trở nên thận trọng. Trong vòng 3 tuần, các quỹ đầu tư vào thị trường mới nổi ở Châu Á đã bị rút -4 tỷ USD và giá trị rút tăng dần.
Thứ 3, bên cạnh chiều bán, chiều mua của nhà đầu tư nước ngoài cũng cần được chú ý. Ba ngành có giá trị mua ròng lớn nhất trong 2 tuần là xây dựng và vật liệu xây dựng (+125 tỷ), hóa chất (+49 tỷ) và vận tải công nghiệp (+45 tỷ). Đây đều là các ngành được cho là hưởng lợi từ chính sách kích thích kinh tế bằng tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng và giá hàng hóa giảm.
Còn 3 tuần nữa FED sẽ họp để quyết định có nâng lãi suất hay không và từ nay đến đó, xu hướng thận trọng và rút vốn khỏi các thị trường mới nổi sẽ chưa dừng lại. Là một phần trong đó, Việt Nam sẽ khó tránh khỏi xu hướng này.
Trong những tuần tiếp theo, việc bán ròng MSN hay KDC có thể còn tiếp diễn tuy nhiên quy mô sẽ không thể dự đoán trước. Trong khi đó rủi ro rút vốn khỏi các thị trường mới nổi có thể sẽ rõ rệt hơn với Việt Nam.
“Xu hướng bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài hoàn toàn có thể lặp lại. Khối ngoại vốn luôn đóng vai trò rất lớn đến xu hướng của thị trường chứng khoán nên khi họ bán ròng hoặc chỉ đơn giản là mua ròng không đáng kể, thị trường sẽ khó tìm được động lực để tăng điểm”, ông Linh nhận định.