Tất cả 10 nhóm chính của S&P 500 đều giảm điểm, trong đó có tới 6 nhóm giảm hơn 1%.
Nâng tầm chứng khoán Việt Nam
- Cập nhật : 30/11/2015
(Chung khoan)
Khi có chỉ số phân ngành rõ ràng, các nhà đầu tư sẽ dễ dàng tiếp cận thị trường chứng khoán Việt Nam theo đúng thông lệ quốc tế
Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HoSE) ngày 27-11 đã tổ chức hội thảo giới thiệu chuẩn phân ngành Global Industry Classification Standard (GICS) và các chỉ số ngành đến các thành viên của thị trường. Đây là chuẩn phân ngành chuyên biệt dành cho lĩnh vực tài chính, chứng khoán nhằm phân loại các ngành để đầu tư.
“Áo mới” cho thị trường chứng khoán
Chuẩn phân ngành quốc tế GICS được xây dựng bởi Morgan Stanley Capital International (MSCI - tổ chức hàng đầu thế giới về chỉ số) và Standard & Poor’s (Mỹ). Mới đây, HoSE đã hoàn tất ký kết hợp đồng với MSCI để có thể sử dụng và phân phối chuẩn phân ngành GICS cho toàn bộ doanh nghiệp niêm yết trên sàn HoSE.
Việc phân loại các ngành đầu tư theo chuẩn GICS giúp thị trường chứng khoán Việt Nam tiến gần hơn với các thông lệ quốc tế Ảnh: Tấn Thạnh
Ông Christopher Ryan, đại diện tổ chức MSCI, cho biết chuẩn phân ngành GICS đang được hầu hết các sở giao dịch chứng khoán trên thế giới và các tổ chức nghiên cứu tính toán chỉ số quốc tế sử dụng. “Hiện nay, hơn 43.000 công ty và hơn 51.000 chứng khoán thuộc hơn 120 quốc gia, chiếm khoảng 95% giá trị vốn hóa thị trường quốc tế và đại diện cho khoảng 90% nhà đầu tư toàn cầu, được phân loại theo phương pháp GICS. 9.600 tỉ USD được mô phỏng theo chỉ số MSCI và tất cả đều sử dụng chuẩn phân ngành GICS. Chuẩn phân ngành GICS có 4 cấp độ tiêu chuẩn, được áp dụng tương đồng trên các thị trường chứng khoán (TTCK) trên thế giới” - ông Christopher Ryan dẫn chứng.
Bà Nguyễn Thị Việt Hà, thành viên HĐQT của HoSE, cho biết sở dự kiến triển khai các chỉ số ngành thuộc phân ngành cấp 1 theo chuẩn của GICS và ra mắt thị trường vào quý I/2016.
Tiến gần với thế giới
Bà Hồ Ngọc Đoan Trang, Phó Giám đốc Phòng Nghiên cứu và Phát triển HoSE, cho rằng nhu cầu so sánh, phân tích chứng khoán theo ngành giữa các thị trường của nhà đầu tư ngày càng lớn. Họ cũng có nhu cầu xây dựng các sản phẩm đầu tư dựa trên chỉ số ngành đặc biệt và cần phải có bên thứ ba độc lập, minh bạch trong việc đánh giá, phân ngành công ty. Quan trọng hơn là TTCK Việt Nam cần phải nâng hạng nhằm tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài. Điều này đặt ra yêu cầu TTCK Việt Nam cần phải có một chuẩn phân ngành chuyên biệt.
Theo chuyên gia chứng khoán Huy Nam, chỉ số ngành rất cần thiết cho TTCK Việt Nam vì có yếu tố phục vụ thị trường rất cao, giúp nhà đầu tư có cơ sở định hướng, đo lường khi quyết định đầu tư. Chỉ số ngành cũng tạo điều kiện cho nhà đầu tư so sánh hiệu quả rõ ràng, thúc đẩy doanh nghiệp không ngừng phát triển để không bị tụt hậu so với các doanh nghiệp cùng ngành. Đặc biệt, nhà đầu tư sẽ đặt ra yêu cầu cao hơn ở các công ty chứng khoán khi tư vấn đầu tư, buộc họ phải đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư tốt hơn chứ không chỉ là khuyên mua và gợi bán theo cảm tính, theo phong trào hay “đội lái” hoặc chỉ đưa ra những bảng phân tích dài dòng mà không phải ai cũng thích đọc và biết đọc.
“Do đó, khi chỉ số ngành theo GICS “xuống phố”, chắc chắn sẽ đem đến cho công chúng đầu tư trong nước những cảm nhận thú vị. Nhờ tính phổ biến của GICS mà thông tin trên TTCK Việt Nam sẽ có độ tương thích cao với thị trường quốc tế. Đây là chủ điểm thuận tiện để TTCK Việt Nam bước ra thế giới và nhà đầu tư thế giới đến với chúng ta” - chuyên gia này phân tích.
Hầu hết diễn giả đều thừa nhận Việt Nam đã thật sự hội nhập và đang hướng đến chuẩn mực chung của khu vực cũng như thế giới. Do đó, TTCK Việt Nam cũng cần áp dụng một chuẩn phân ngành quốc tế chuyên biệt cho môi trường đầu tư. Việc áp dụng chuẩn phân ngành GICS sẽ giúp các chỉ số trên sàn HOSE dễ dàng so sánh với thị trường trong khu vực và quốc tế, tạo điều kiện để các nhà đầu tư nước ngoài dễ tiếp cận thị trường Việt Nam hơn.
Triển vọng cho các sản phẩm phái sinh
Bà Lương Thị Mỹ Hạnh, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Quản lý Quỹ Đầu tư Việt Nam (VFM), cho rằng chỉ số ngành ra đời cho phép các nhà quản lý quỹ có thể sử dụng chúng để xây dựng các sản phẩm đi kèm như quỹ đầu tư chỉ số, quỹ ETF. Từ đó, nhà đầu tư có thể sử dụng các quỹ này để đầu tư vào ngành nghề mà mình mong muốn dựa trên báo cáo phân tích của các công ty chứng khoán, ngân hàng, công ty tư vấn hoặc của riêng mình.
Đây là phương pháp đầu tư phổ biến và đơn giản với các nhà đầu tư để hạn chế rủi ro, đa dạng hóa danh mục so với việc lựa chọn cổ phiếu riêng lẻ. Chỉ số ngành ra đời cũng là cơ sở để HoSE xây dựng các sản phẩm chứng khoán phái sinh.