Trong số các sàn chứng khoán tại khu vực Đông Nam Á, thị trường Việt Nam có diễn biến tệ hại nhất trong tháng 11, nhưng lại là điểm sáng nhất nếu xét từ đầu năm.
“Vận khí” cổ phiếu dầu khí và cuộc chiến giá dầu
- Cập nhật : 30/11/2015
(Chung khoan)
“Vận khí” của nhóm cổ phiếu dầu khí đang phụ thuộc quá sâu vào giá dầu trên thế giới. Tuy vậy, với chỉ số giá cổ phiếu thấp hơn giá trị thực của doanh nghiệp, dường như cơ hội đầu tư cổ phiếu này đang mở ra với các nhà đầu tư giá trị
Giá dầu thô đã giảm 45.5% từ tháng 11 năm ngoái và giảm 64.4% từ mức giá cao nhất trong vòng 5 năm. Tính tới tháng 11/2015, giá dầu đã chạm mức đáy trong vòng 5 năm qua và gần ngang bằng mức giá thấp nhất 41,5 usd/thùng vào tháng 12/2008 và cũng chính là mức giá thấp nhất trong 10 năm kể từ 11/2005 đến nay. So với giá bình quân trong vòng 20 năm qua thì giá dầu đang ở mức thấp hơn 23.4%.
Cuộc chiến giá dầu
Những năm qua, cuộc cách mạng dầu đá phiến đã khiến sản lượng khai thác dầu của Mỹ tăng đột biến, giúp nước này trở thành quốc gia sản xuất dầu và khí đốt lớn nhất thế giới. Cho đến nay, các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và Nga vẫn chưa thay đổi chính sách giảm sản lượng, xuất khẩu dầu của Iran được dự báo có khả năng sẽ tăng mạnh trong năm 2016 tới trong khi nhu cầu sử dụng nhiên liệu trên thị trường thế giới đang yếu do nhiều nền kinh tế chủ chốt, đặc biệt là Trung Quốc, đang có dấu hiệu không ổn định làm cho triển vọng hồi phục của giá dầu càng thêm mờ mịt
Trong báo cáo mới nhất, các nhà phân tích đã điều chỉnh dự đoán giá dầu WTI từ nay đến năm 2016 giảm từ mức 57USD/thùng xuống 45USD, giá dầu Brent từ mức 62USD/thùng xuống 49,5USD. Thị trường dầu thô đang chứng kiến tình trạng cung vượt cầu từ 0,7-2,5 triệu thùng/ngày và cho rằng với những yếu tố ở hiện tại, không có lý do gì để hy vọng giá dầu sẽ sớm phục hồi trong thời gian tới.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cũng dự báo, phải 5 năm tới giá dầu thô thế giới mới dần được cải thiện, tăng lên mức 80 USD/thùng.
Mặc dù giá dầu giảm mạnh nhưng vẫn chưa có những dấu hiệu cho thấy bên nào chịu cắt giảm sản lượng. Nhiều chuyên gia cho rằng, sở dĩ các nước vẫn đẩy mạnh sản lượng dầu mỏ là do không ai muốn đánh mất thị phần.
Năm ngoái, trước tình trạng rớt giá của dầu thô thế giới, OPEC vẫn quyết định không cắt giảm sản lượng với hy vọng sẽ có thể kiềm chế sản lượng dầu của Mỹ và các nước sản xuất dầu khác ngoài OPEC.
Tuy nhiên, sản lượng dầu thô tại Mỹ, Iraq, Venezuela vẫn đang được giữ ở mức cao. Nga, môt trong những nước sản xuất dầu thô lớn nhất thế giới, đã tăng sản lượng khai thác lên 1,3 % so với cùng kỳ năm ngoái, và hiện Nga đang bơm vào thị trường dầu thế giới 10,6 triệu thùng dầu/ngày, OPEC dự báo tình hình này sẽ còn kéo dài sang năm 2016 dù với tỉ lệ thấp hơn.
Các chuyên giá lý giải cho trường hợp của Nga - nền kinh tế có 50% nguồn thu ngân sách nhà nước được đóng góp bởi xuất khẩu dầu không thể cắt giảm sản lượng vì nhu cầu bù đắp ngân sách, giá càng thấp họ càng phải bán ra nhiều hơn để duy trì nguồn thu.
Khó kéo dài hơn
Khảo sát của Bloomberg hồi tháng 7 cho biết, ít nhất 15% doanh thu quý I của 30 trong số 62 công ty dầu mỏ và khí đốt ở Bắc Mỹ đến từ việc phòng hộ trước đó bởi các hợp đồng phái sinh cho phép các nhà sản xuất chốt giá bán trong tương laiqua đó vẫn thu được mức doanh thu ở mức giá tương đương 80 – 90 USD/thùng. Điều này cho thấy các công ty Mỹ vẫn đẩy mạnh khai thác hồi đầu năm là một phần nhờ vào các hợp đồng chốt giá bán cao trước đó.
Các tập đoàn tài chính của Mỹ ước tính giá dầu ít nhất phải đạt từ 60 – 70 USD/thùng để duy trì khả năng sản xuất của các công ty dầu Mỹ. Với việc giá dầu giảm mạnh xuống thấp hơn giá thành như hiện nay sẽ khiến các công ty này cân nhắc việc giảm sản lượng. Goldman Sachs cũng nhận định giá dầu xuống thấp sẽ buộc Mỹ và nhiều “ông chủ” dầu mỏ khác ngoài khối OPEC phải cắt giảm hoạt động khai thác và đầu tư nhằm điều tiết lượng dư thừa trên thị trường.
IMF ước tính mức giá hòa vốn của Iran là 72 USD/thùng, của Kuwait là 49 USD/thùng, Qatar là 56 USD/thùng và UAE là 73 USD/thùng. Do đó, giá dầu hiện nay đang thấp hơn giá thành khoảng 30%. Điều này rõ ràng khiến cho các nhà sản xuất dầu khó duy trì nguồn cung mạnh như hiện nay trong thời gian tới.
Theo báo cáo của Hiệp hội dầu khí Anh (Oil & Gas UK), nguồn vốn đầu tư cho công nghiệp khai thác dầu tại Biển Bắc có thể sụt giảm tới 80% trong thời gian từ nay đến năm 2017, từ mức tương đương 22,6 tỷ USD năm 2014 xuống còn khoảng từ 3 - 6 tỷ USD trong năm 2017. Sự sụt giảm đầu tư cũng như tìm kiếm, khai thác dầu tại Biển Bắc sẽ góp phần làm giảm lượng cung dầu trên thị trường.
Cổ phiếu dầu khí đang bị định giá thấp
Ảnh hưởng từ giá dầu thế giới sụt giảm mạnh, nhiều cổ phiếu dầu khí trên thị trường chứng khoán Việt Nam cũng phải chịu tác động giảm theo. Đáng chú ý là những cổ phiếu của các công ty có hoạt động kinh doanh gắn trực tiếp với giá dầu như GAS, PVD và PVS.
PVD tuy không sở hữu mỏ nào, nhưng nhà thầu khoan hàng đầu tại Việt Nam cũng bị ảnh hưởng trực tiếp do hoạt động khoan, thăm dò yếu và giá thuê giảm giảm theo giá dầu. KQKD 9 tháng 2015 PVD đạt 1.581 tỷ đồng lợi nhuận, giảm 17,8% so với cùng kỳ
GAS cũng chịu ảnh hưởng không kém do tham gia vào toàn bộ dây chuyền sản xuất, bao gồm: mua sắm thiết bị, xuất nhập khẩu, vận tải, chế biến/chế biến sâu, lưu trữ, các dịch vụ chuyên sâu và thương mại. Bên cạn đó, do áp dụng cơ chế giá thị trường nên giá dầu giảm thì giá khí sẽ giảm theo, dẫn đến lợi nhuận quý III của GAS chỉ đạt 2.325 tỷ đồng, giảm 20% so với cùng kỳ.
Tính từ đầu năm, PVD của khoan dịch vụ dầu khí ghi nhận mức giảm hơn 46% từ mức 61 nghìn đồng/cp xuống mức 33 nghìn đồng/cp ngày 23/11, tiếp theo là GAS cũng giảm mạnh 37% từ 69,000/cp xuống còn 43,500 đồng/cp. Mức giảm này còn nhiều hơn so với mức sụt giảm lợi nhuận cho thấy sự e ngại quá lớn của nhà đầu tư vào nhóm cổ phiếu này.
Ngoài ra, nhóm cổ phiếu bên sàn HNX như PVS, PVB, PVC củng bị hệ luỵ giá dầu giảm. Lợi nhuận sau thuế 9 tháng của PVC chỉ đạt 167,4 tỷ đồng, giảm 33,6% so với cùng kỳ năm 2014 kéo giá cổ phiếu giảm 22% từ mức 23,000 xuống còn 18,000 đồng/cp.
Mặc dù lợi nhuận giảm chỉ 2% nhưng giá cổ phiếu vẫn giảm mạnh đó là trường hợp của PVS, 9 tháng 2015, PVS lãi ròng gần 911 tỷ đồng, chỉ giảm 2% so với cùng kỳ nhưng giá cổ phiếu đã giảm 24%, PVB khả quan hơn với lợi nhuận sau thuế tăng 7,5% lên hơn 142 tỷ đồng nhưng giá cổ phiếu này củng giảm 17%.
Có vẻ như nỗi lo về giá dầu tiếp tục giảm quá lớn khiến cho nhóm cổ phiếu một thời dẫn dắt thị trường trở nên kém sức hút và thị trường đang đánh giá thấp tiềm năng và giá trị của nhóm cổ phiếu này.
Thực tế cho thấy, chỉ số giá cổ phiếu dầu khí đã thấp hơn giá trị thực của doanh nghiệp và P/E hiện ở thấp hơn rất nhiều so với mức 12.4 lần của trên HOSE và 9.7 lần trên HNX.
Nhiều chuyên gia và tổ chức dự đoán mức bình quân khoảng 40 – 50 usd/thùng trong năm 2016, cao hơn mức 41.9 USD/thùng như hiện nay. Với việc các doanh nghiệp ngành dầu khí vẫn duy trì lợi khả quan trong khi giá dầu giảm mạnh, mức giá cổ phiếu ngành này thấp như hiện nay coi như là đã phản ảnh hết sự tiêu cực và đã về là mức hấp dẫn.