Trong giai đoạn 2013-2015, mặc dù quy mô thị trường trái phiếu DN tại Việt Nam chỉ ở mức 7.000 tỷ đồng nhưng diễn tiến cơ bản đang cho thấy kênh huy động này có dấu hiệu bật lên khá mạnh.
Thấy gì qua cổ tức “khủng”
- Cập nhật : 23/05/2016
(tin kinh te)
Nếu thực sự NĐT không có lợi thế về tiếp cận thông tin mà đánh đu theo các cổ phiếu có lợi nhuận khủng cũng như cổ tức vượt trần thì rất có thể họ đang chơi một ván bài sấp ngửa mà phần thắng hầu như luôn thuộc về “nhà cái”.
Bất ngờ lợi nhuận
CTCP suất ăn hàng không Nội Bài (NCS) trả cổ tức còn lại năm 2015 bằng tiền tỷ lệ 24% (cộng dồn cả năm 64%). Nhựa Bình Minh (BMP) cũng công bố chi trả cổ tức đợt hai năm 2015 với tỷ lệ lên đến 45%. Nếu tính luôn cổ tức đợt một, tổng mức chi trả cổ tức của BMP trong năm 2015 lên đến 60%, với tổng số tiền chi trả cổ tức gần 273 tỷ đồng.
Giữ kỷ lục về tỷ lệ chi trả cổ tức năm 2015 là CTCP Đầu tư Phát triển cảng Đình Vũ (DVP). Công bố chi trả cổ tức đợt hai năm 2015 với tỷ lệ 50% dự kiến chi trả ngày 31/5 tới, nâng tổng mức chi trả cổ tức cho năm 2015 của DVP lên đến 70%. Một số công ty cũng gây tiếng vang trả cổ tức cao gồm: LIX và PSL trả cổ tức cả năm 50%, LDP trả cổ tức 30,3% và DRC 30%...
Việc DN làm ăn có lãi để chia cổ tức cho cổ đông là điều tích cực, NĐT nào cũng mong đợi. Thế nhưng, nếu tìm hiểu kỹ, có thể nhìn thấy khá nhiều điểm nghi vấn trong việc chia cổ tức khủng của các DN nêu trên. Đơn cử, DVP chi trả 70% cổ tức cho cổ đông bằng cách trích hầu như toàn bộ lợi nhuận trong năm chia cho cổ đông. Vậy, câu hỏi đặt ra đối với DVP là năm tới đây, công ty sẽ lấy nguồn tiền nào để tái đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất? Những NĐT thấy cổ tức khủng rồi ồ ạt đầu tư thì năm tới đây, cổ tức sẽ là bao nhiêu?
Hay một trường hợp khác là SMC, đang trượt dốc dài từ nhiều năm nay nhưng bất ngờ lợi nhuận quý I/2016 lên tới hơn 58 tỷ đồng (gần như hoàn thành kế hoạch kinh doanh năm 2016) trong khi cùng kỳ năm trước công bố lỗ ròng gần 41 tỷ đồng. Đây là một kết quả mang tính đột biến cho SMC nếu biết rằng trong năm 2015, do giá thép giảm mạnh hơn dự báo đã khiến SMC phải gánh lỗ ròng lên tới 196 tỷ đồng và là năm đầu tiên sau 28 năm, SMC phải ghi nhận thiệt hại và tổn thất nặng nề.
Ngạc nhiên hơn nữa là trường hợp KKC - DN bị Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) đưa vào diện bị cảnh báo do báo cáo tài chính âm sau kiểm toán năm 2015 từ ngày 1/4/2016, tuy nhiên DN này đã có một quý I kinh doanh hết sức khả quan khi lãi gần 10,5 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm ngoái lỗ hơn 2 tỷ đồng…
Theo phân tích của một chuyên gia, nếu thực sự NĐT không có lợi thế về tiếp cận thông tin mà đánh đu theo các cổ phiếu có lợi nhuận khủng cũng như cổ tức vượt trần thì rất có thể họ đang chơi một ván bài sấp ngửa mà phần thắng hầu như luôn thuộc về “nhà cái”.
Ngộ nhận lợi tức?
Một diễn biến khác liên quan đến giá trị cổ tức mà NĐT cũng cần phải xem xét đó là giá trị thực nhận của họ là bao nhiêu. Ví dụ, trường hợp của MEF, ngày 5/5, chốt danh sách cổ đông được nhận cổ tức năm 2015 với tỷ lệ lên đến 40%. Nhiều NĐT cố tình chọn mua cổ phiếu này vì theo tính toán, với mức giá hiện tại của MEF là 900 đồng/cổ phiếu, hiệu suất cổ tức của MEF lên đến 44% chứ không phải 40%. Với vốn điều lệ 37,5 tỷ đồng, tính ra MEF sẽ chi hơn 150 tỷ đồng để chi trả cổ tức cho cổ đông. Đây là con số không tưởng cho một cổ phiếu bé nhỏ.
Tuy vậy, nếu tìm hiểu kỹ, NĐT sẽ thấy tình hình hoạt động của MEF chỉ thật sự khởi sắc trong 2 năm trở lại đây. MEF chào sàn UPCoM năm 2011 với giá tham chiếu 34.000 đồng/cổ phiếu. Sau gần 5 năm góp mặt trên sàn, giá cổ phiếu MEF hiện giảm chỉ còn 900 đồng/cổ phiếu do hoạt động kinh doanh không hiệu quả. Vậy, câu hỏi đặt ra liệu NĐT có thể được chia cổ tức khủng thật sự hay không khi mà hoạt động kinh doanh của công ty không đảm bảo.
Một chuyên gia phân tích nói, các DN hiện nay có muôn vàn “bùa chú” kế toán tạo ra các con số lợi nhuận đẹp trong ngắn hạn. Tuy nhiên chung quy lại có hai phương pháp phổ biến vẫn được chủ DN dùng thủ thuật tạo ra doanh thu ảo và che giấu bớt chi phí. Tùy theo đặc thù của mỗi lĩnh vực như xây lắp, BĐS, bán lẻ, sản xuất mà cách thực hiện rất khác nhau mà người am tường về tài chính cũng chỉ có thể nghi ngờ chứ ít khi chỉ ra rõ ràng.
Thực tế, câu chuyện “bùa chú” sổ sách thường xuyên xảy ra, mà câu chuyện khó quên nhất thuộc về CTCP Dược Viễn Đông (DVD) bị phanh phui gian lận báo cáo tài chính với chiêu thức thực hiện các giao dịch đáng ngờ với hệ thống các công ty liên quan bên ngoài được lập ra bởi chính các thành viên Ban lãnh đạo DVD. Hay chiêu thức che giấu thực chất công nợ làm giảm chi phí là một trong những kỹ thuật gian lận Công ty BĐS Phát Đạt đã từng sử dụng trên báo cáo tài chính nhằm mục đích chuyển hoá lợi nhuận tương ứng.
Rõ ràng, trong thực tế có muôn vàn chiêu thức để công ty niêm yết có thể qua mặt cả đơn vị kiểm toán. Tuy nhiên với con số lợi nhuận “khủng” có một số dấu hiệu nhỏ mà giới đầu tư không thể bỏ qua: lợi nhuận biến động quá nhiều so với cùng kỳ năm trước, con số lợi nhuận không đồng nhất với các đối thủ cạnh tranh, các công ty nhỏ dễ phù phép lợi nhuận hơn các công ty lớn, lợi nhuận gắn với khoản phải thu bất ngờ tăng cao, hàng tồn kho tích tụ nhiều… Vì vậy, NĐT buộc phải cẩn trọng!
Nhiều công ty niêm yết công bố lợi nhuận cao, chi trả cổ tức bằng tiền mặt khủng trong mùa đại hội cổ đông năm nay, đã thu hút nhiều cổ đông mua thêm cổ phiếu. Tuy nhiên, nhiều NĐT không để ý rằng, bên cạnh những DN có nền tảng tốt, thực sự hiện nay cũng có những công ty đang dùng thủ thuật này mà NĐT cần thận trọng.
Theo (Thời báo Ngân hàng)