Với 483 tỉ USD trong tay và nhiệm vụ “giải cứu” thị trường, hãng Tài chính Chứng khoán Trung Quốc nhanh chóng trở thành nhà đầu tư có tầm ảnh hưởng lớn nhất trên thị trường chứng khoán Đại lục.
Thị trường chứng khoán Việt Nam 2016: “Cửa thắng” có cao?
- Cập nhật : 13/01/2016
(Tin kinh te)
Mỗi chuyên gia đều có nhận định riêng về thị trường chứng khoán Việt 2016, tuy nhiên, đều có một điểm chung là họ đều có cái nhìn không mấy lạc quan trong năm mới.
Trong năm 2016, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định theo hướng tích cực, hệ thống doanh nghiệp tiếp tục cải thiện hoạt động thông qua kết quả kinh doanh trong khi hàng loạt chính sách phát triển thị trường của các cơ quan quản lý bạn hành bắt đầu ngấm dần vào thực tế thị trường sẽ là những yếu tố hỗ trợ thị trường chứng khoán trong năm 2016.
Tuy nhiên, một số các yếu tố như rủi ro biến động tỷ giá, hoạt động phát hành thêm của doanh nghiệp niêm yết hay kế hoạch thoái vốn ngoài ngành và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước gây áp lực nguồn cung tăng trên thị trường sẽ là các vấn đề nhà đầu tư cần quan tâm trong năm tới.
Vậy, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ có diễn biến như thế nào trong năm mới này? Dưới đây là ghi nhận của BizLIVE về ý kiến của một số công ty chứng khoán về triển vọng thị trường 2016.
MBS: Tiếp tục xu thế tăng trưởng, vùng giới hạn 620 – 640 điểm
Về cơ bản, thị trường năm 2016 tiếp tục xu thế tăng trưởng dài hạn đã hình thành từ cuối năm 2011 tới nay, tuy nhiên do các yếu tố hỗ trợ và rủi ro đan xen nên diễn biến thị trường cũng có sự tăng giảm tương ứng, trong đó cận dưới của chỉ số VN-Index có sự tăng dần theo đường xu thế tăng dài hạn và đường cân trên của chỉ số này biến động trong vùng giới hạn quanh ngưỡng 620 - 640 điểm. Kịch bản này phản ánh những hạn chế của thị trường do tác động của yếu tố tỷ giá biến động trong năm và dòng tiền thị trường có phần bị hút vào các thương vụ IPO lớn.
Chúng tôi kỳ vọng thời điểm cuối năm 2016 sẽ là thời điểm mà chỉ số VN-Index có thể bứt phá qua đường cận trên tại vùng 640 điểm để hình thành xu thế tăng mới tích cực hơn với sự phản ánh rõ ràng hơn những chuyển biến tích cực của nền kinh tế nói chung và của hệ thống doanh nghiệp nói riêng.
VCSC: Thị trường tiếp tục khó khăn, dòng tiền có thể chảy sang các kênh đầu tư khác
Kịch bản 1: Chỉ số VN-Index giữ được mức hỗ trợ 530 điểm và tiến về mức kháng cự 640 điểm (xác suất 70%).
Xu hướng giảm trung hạn chưa có dấu hiệu chững lại, nhưng vùng 550 – 560 điểm được xem là vùng hỗ trợ gần nhất. Ở kịch bản này, chúng tôi đánh giá chỉ số VN-Index có thể giảm về mức thấp nhất là 530 điểm, mức 530 điểm được xem là vùng hỗ trợ mạnh cho xu hướng trung hạn của chỉ số VN-Index cho các sự kiện tiêu cực diễn ra trong năm 2014 và năm 2015 như Biển Đông, giá dầu và tỷ giá.
Ở kịch bản này, các nhà đầu tư có thể chú ý đến nhóm cổ phiếu ngân hàng, nhóm cổ phiếu kín room của khối ngoại (như VNM, FPT), bảo hiểm, bất động sản và logistics.
Kịch bản 2: Thị trường bước vào giai đoạn điều chỉnh của xu hướng tăng dài hạn (xác suất 30%)
Kịch bản này xảy ra khi chỉ số VN-Index giảm dưới vùng giá 530 điểm và xác nhận mô hình vai đầu vai (Head and Shoulder) với mức mục tiêu ở mức 460 điểm.
Ở kịch bản này, các nhà đầu tư cần hạn chế giao dịch với tỷ trọng cổ phiếu lớn và chỉ nên áp dụng chiến lược mua bán ngắn với các cổ phiếu có Beta cao. Hoặc các nhà đầu tư chú ý đến các cổ phiếu có tỷ suất lợi tức tiền mặt cao.
Qua các kịch bản như đã phân tích ở trên, chúng tôi kỳ vọng thị trường sẽ có kịch bản tích cực trong 6 tháng đầu năm 2016. Nhóm cổ phiếu ngành ngân hàng, bảo hiểm, logistics, bất động sản và nhóm cổ phiếu kín room được xem là các nhóm cổ phiếu có triển vọng tích cực trong xu hướng tăng vào thời điểm đầu năm 2016.
Đồng thời, chúng tôi đánh giá mức 640 điểm của chỉ số VN-Index là mức kháng cự mạnh trong năm 2016 và đây có thể là mức cao nhất của nhịp sóng tăng trong 6 tháng đầu năm.
Nhìn chung, trong năm 2016, thị trường cổ phiếu sẽ khó khăn khi hầu hết các chỉ số đang ở giai đoạn cuối cùng của chu kỳ tăng dài hạn từ năm 2009. Đồng thời, chúng tôi dự báo dòng tiền có thể sẽ hướng vào các kênh đầu tư an toàn như vàng và trái phiếu.
BSC: Thị trường sẽ nhiều khó khăn và đầy ẩn số
Kinh tế Việt Nam tiếp tục bước vào chu kỳ tăng trưởng tốt, tạo nền tảng cho thị trường chứng khoán tăng điểm trong năm 2016. Dù vậy triển vọng thị trường không được đánh giá cao khi trong năm 2016 sẽ xuất hiện các yếu tố không thuận lợi từ thị trường thế giới, các ẩn số về biến động tỷ giá, lãi suất và dòng tiền đầu tư chứng khoán không có dấu hiệu tăng trưởng.
Thị trường dự báo sẽ có sự phân hóa mạnh giữa các ngành và nhóm cổ phiếu. Mức độ tăng trưởng thị trường năm 2016 dự báo không nhiều, kèm theo rủi ro lớn hơn vì vậy hoạt động đầu tư cần thận trọng, định hướng vào các doanh nghiệp cơ bản, quản trị minh bạch và triển vọng nổi bật trong các ngành khuyến nghị.
Ngoài ra, những cổ phiếu thoái vốn, niêm yết mới, các cổ phiếu sàn Upcom đang được định giá thấp có thể là cơ đầu tư trong năm 2016.
Về điểm số VN-Index, VN-Index dự kiến đạt 590 điểm, 650 điểm với kịch bản tích cực và 565 điểm với kịch bản tiêu cực trong năm 2016.
Về diễn biến thị trường năm 2016, diễn biến VN-Index được dự báo có sự sụt giảm vào tháng 1 và phục hồi dao động tăng giảm trong xu hướng tăng điểm đến hết tháng 8, giảm lại vào cuối năm 2016.
Có thể thấy, mỗi chuyên gia đều có nhận định riêng về thị trường chứng khoán Việt 2016, tuy nhiên, đều có một điểm chung là họ đều có cái nhìn không mấy lạc quan trong năm mới.
Thị trường được dự đoán sẽ còn gặp rất nhiều khó khăn, dòng vốn có thể chảy sang một số kênh đầu tư an toàn hơn như vàng và trái phiếu. Trong khi đó, các ẩn số về biến động tỷ giá, lãi suất cũng như diễn biến từ thị trường thế giới sẽ có những tác động không nhỏ lên thị trường chứng khoán Việt.
Tuy vậy, các nhà đầu tư được khuyến cáo chỉ coi đây là các ý kiến tham khảo bởi mọi kết luận đều là suy đoán. Nhiều bất ngờ còn đang đợi chờ ở phía trước.
Theo Trần Thúy
BizLIVE/CafeF