tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Khách sạn Kim Liên và Vinamotor: Sự khác biệt giữa 2 phiên đấu giá nghìn tỷ

  • Cập nhật : 13/01/2016

(Chung khoan)

Người ta bất ngờ với sức nóng của phiên IPO Khách sạn Kim Liên. Và cũng ngạc nhiên không kém với sự lặng lẽ trong phiên đấu giá Vinamotor.

Trong vòng chưa đầy 1 tháng, Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội đã tổ chức thành công 2 phiên đấu giá lớn là SCIC thoái vốn khỏi Khách sạn Kim Liên và Bộ Giao thông vận thoái vốn khỏi Vinamotor. Điểm chung của cả 2 đợt đấu giá này là đấu giá trọn lô - tức người mua phải đăng ký mua toàn bộ và giá trúng đều lên đến trên 1.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, tính chất mỗi phiên đấu giá có vẻ không có nhiều điểm tương đồng – ngoài việc cả hai đều thu hút sự chú ý của giới đầu tư.

Nếu như phiên đấu giá Khách sạn Kim Liên diễn ra cực kỳ căng thẳng với bước giá liên tục được nâng lên, với mức trúng lên đến 274.200 đồng/cổ phần - gấp 9 lần giá khởi điểm 30.600 đồng/cổ phần – thì phiên đấu giá cổ phần Vinamotor lại diễn ra khá êm ả.

Với đúng 2 tổ chức tham gia đấu giá – con số vừa đủ để buổi đấu giá diễn ra hợp lệ, khá bất ngờ khi số tiền chênh lệch mà 2 tổ chức đưa ra chỉ vỏn vẹn 2 triệu đồng. 2 triệu đồng trên tổng số hơn 1.250 tỷ đồng. Tổ chức đưa giá thấp hơn – đúng bằng giá khởi điểm.

Nghe qua thì có vẻ Vinamco và TN Development không “mặn mà” gì với đợt đấu giá này. Thực ra không phải vậy. Bộ GTVT, nhằm lựa chọn những ứng viên xuất sắc nhất, giàu tiềm năng nhất, đã đưa ra một loạt điều kiện kỹ thuật cho các đối tượng tham gia. Đó là các điều kiện về vốn chủ sở hữu, về cam kết nắm giữ cổ phần sau đấu giá…. Ô tô TMT mặc dù mặn mà với Vinamotor, thậm chí lên kế hoạch phát hành trái phiếu quyết mua bằng được cổ phần Vinamotor – cuối cùng phải lặng lẽ rút lui khi không vượt qua ngưỡng vốn chủ sở hữu xấp xỉ nghìn tỷ mà Bộ GTVT đề ra. 2 đối tác cuối cùng trụ lại là Vinamco và TN Development.

Vậy mà một trong 2 chỉ trả mức giá tối thiểu, bên còn lại trả cao hơn đúng 2 triệu đồng. Cứ như cả hai đều đang cố nhường phần thắng cho bên kia vậy! Theo thông tin chúng tôi có được tại buổi đấu giá, Vinamco là công ty trả giá cao hơn và thắng cuộc trong đợt đấu giá này. Bộ GTVT cuối cùng cũng thu về số tiền như dự kiến: 1.250 tỷ đồng.

Phiên đấu giá Khách sạn Kim Liên cuối năm 2015 có không khí khác hẳn.

Bắt đầu từ danh sách nhà đầu tư tham gia đấu giá. Đúng như sức hút của mảnh đất vàng, liên tục các đại gia nhảy vào như REE, ThaiGroup của bầu Thụy, Hanoitourist...Mức giá khởi điểm được đưa ra là 30.600 đồng/cổ phần – tương đương 112 tỷ đồng trọn lô 3,65 triệu cổ phần Khách sạn Kim Liên. Chẳng đại gia nào chọn con số đó. Mức giá thấp nhất được đưa ra là 46.000 đồng/cổ phần, cao hơn gấp rưỡi so với giá khởi điểm. Con số được đẩy lên dần, và chốt lại ở mức giá không tưởng 274.200 đồng/cổ phần – gấp 9 lần giá khởi điểm. Cũng một thông tin ngoài lề cho biết, Bầu Thụy là người đã bỏ ra hơn 1 nghìn tỷ đồng để sở hữu khách sạn Kim Liên trong phiên đấu giá ngày 22/12 vừa qua.

Người ta bất ngờ với sức nóng của phiên IPO Khách sạn Kim Liên. Và cũng ngạc nhiên không kém với sự lặng lẽ trong phiên đấu giá Vinamotor.

Đến nay, thông tin chính thức các tổ chức thắng cuộc trong 2 phiên đấu giá nói trên. Tuy nhiên, dù số tiền thu về như dự kiến hay vượt xa dự kiến, các thương vụ nhìn chung đã được hoàn tất. Bộ mặt mới của Vinamotor cũng như Khách sạn Kim Liên mới chính là điều mà người ta trông đợi.

(Theo CafeF)

 

Trở về

Bài cùng chuyên mục