tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Hãy để tâm những nỗi sợ của thị trường!

  • Cập nhật : 13/01/2016

(Chung khoan)

Vì thị trường sẽ ngay lập tức phản ánh những kỳ vọng về tương lai và là tổng hợp góc nhìn của tất cả các thành phần tham gia, nó thường cung cấp những cảnh báo rất có giá trị khi các điều kiện trên thị trường thay đổi.

Theo lẽ thường, vào cuối năm các thị trường thường có nhiều biến động nhưng sẽ ổn định trở lại vào đầu năm sau. Nhưng không phải đầu năm nay. Hôm 8/1, TTCK Mỹ và châu Âu kết thúc một tuần tồi tệ bằng một loạt mã cổ phiếu giảm điểm bất chấp những báo cáo tăng trưởng việc làm tích cực tại Mỹ. Đồng nhân dân tệ giảm giá khiến cho TTCK sụt giảm trầm trọng. Mặc bối cảnh căng thẳng Ả-rập Xê-út và Iran leo thang, giá dầu vẫn lao dốc.

Những điều này làm nảy sinh hai câu hỏi lớn. Thứ nhất, các chuyên gia dự báo và các nhà hoạch định chính sách nên phụ thuộc bao nhiêu vào diễn biến trên các thị trường đầu cơ để dự báo về triển vọng trong tương lai? Thứ hai, làm sao để được cảnh báo về viễn cảnh suy thoái toàn cầu?

Cựu Bộ trưởng tài chính Robert Rubin đã đúng khi thường xuyên trấn an các chính trị gia đang lo lắng tại Nhà Trắng rằng "thị trường đi lên rồi lại đi xuống" trong những ngày mà mọi động thái trên thị trường đều tạo ra tâm trạng vui thích hoặc lo lắng quá mức. Người quản lý tài ba là phải biết nhìn vào lợi nhuận trong dài hạn chứ không phải giá cổ phiếu mỗi ngày. Làm chính sách giỏi là phải tập trung vào củng cố nền tảng kinh tế chứ không phải là biến động hàng ngày của thị trường.

Tuy nhiên, vì thị trường sẽ ngay lập tức phản ánh những kỳ vọng về tương lai và là tổng hợp góc nhìn của tất cả các thành phần tham gia, nó thường cung cấp những cảnh báo rất có giá trị khi điều kiện thay đổi. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, thị trường dự đoán kết quả bầu cử tốt hơn cả thăm dò dư luận. Các hãng phim Hollywood từ lâu đã ứng dụng thị trường vào đánh giá tỷ lệ thành công của một bộ phim.

Ngược lại, giới hoạch định chính sách có vẻ khá “chậm chân”. Trong khi Fed còn đang loay hoay thì thị trường đã cảm nhận rõ tính nghiêm trọng của khủng hoảng tài chính 2008. Thị trường đã nhìn thấu sự bấp bênh trong cơ chế tỷ giá hối đoái cố định tại Anh, Mexico và Brazil trong khi giới chức lúc đó vẫn một mực phủ định. Và vô số lần thị trường đã dự báo đúng về suy thoái kinh tế.

Cũng không thể phủ nhận có lúc thị trường gửi tín hiệu sai. Do đó không nên tin tưởng mù quáng. Tuy nhiên, về cơ bản thì người ta thường không bao giờ nhận ra khi nào một cơn bão đang ập đến.

Theo tờ Economist, thực tế tại tất cả các quốc gia lớn trên thế giới trong vài thập kỷ qua cho thấy, có đến 220 trường hợp sau một năm tăng trưởng dương sẽ là suy thoái. Tuy nhiên, chưa bao giờ IMF dự đoán đúng về điều này.

Các điềm báo trên thị trường nên được cân nhắc kỹ lưỡng khi nó kéo dài và xảy ra tại nhiều thị trường khác nhau. Ví dụ, những chỉ báo gần đây trên thị trường cho thấy trong 1 thập kỷ tới Mỹ, châu Âu và Nhật Bản đều sẽ không thể đạt được mức mục tiêu lạm phát. Thị trường không thể tăng điểm dù có nhiều tin tốt chính là một điềm báo đặc biệt xấu.

Nhiều người cho rằng những diễn biến ở Trung Quốc phản ánh tâm lý thị trường cũng như sự vụng về trong hoạch định chính sách của các giới chức nước này, đồng thời những phản ứng của thị trường thế giới là kết quả của hiệu ứng lây lan. Tuy nhiên, có một số điểm đáng ngờ ở lập luận trên.

Năm ngoái, giới chức Trung Quốc công bố tỷ trọng ngành dịch vụ tài chính chiếm gần 20% nền kinh tế, tương đương tổng sản phẩm quốc nội Anh. Tuy nhiên mức nợ công của Trung Quốc đang cao bất thường. Như vậy khó có thể nói đó là tăng trưởng bền vững. Trong nhiều năm trước, Trung Quốc tăng trưởng phần lớn từ hoạt động đầu tư cơ sở hạ tầng trên diện rộng. Khối lượng xi-măng và bê tông được sử dụng tại Trung Quốc từ năm 2011-2013 bằng tổng khối lượng Mỹ sử dụng trong suốt thế kỷ 20. Đó không phải là tăng trưởng bền vững thậm chí sau khi chuyển hướng sang hướng dịch vụ, đóng góp vào nhu cầu hàng hóa toàn cầu sẽ giảm.

Kinh nghiệm cho thấy chỉ số phản ánh tốt nhất triển vọng kinh tế của một nước là người dân nước đó quyết định giữ tiền ở bên mình hay chuyển ra nước ngoài. Trên thực tế đồng nhân dân tệ đang phải chịu áp lực do người dân Trung Quốc háo hức chuyển tiền ra nước ngoài.

Thông thường, những diễn biến trên thị trường quốc tế chỉ có tác động nhỏ tới Mỹ và châu Âu vì có thể được bù đắp bởi phản ứng chính sách tiền tệ của các nước. Vì vậy, nền kinh tế Mỹ vẫn tăng trưởng thần tốc trong suốt khủng hoảng tài chính châu Á do Fed có thể hạ lãi suất. Với lãi suất ở hầu hết các nước phát triển đang ở mức gần 0, lựa chọn hạ lãi suất không còn và do đó những vấn đề kinh tế ở nước ngoài đang tác động không nhỏ đến thị trường tài chính Mỹ.

Và, với quy mô hiện nay của kinh tế Trung Quốc cùng thế khó trong việc triển khai các chính sách tiền tệ thông thường, rủi ro đe dọa các nền kinh tế Mỹ, châu Âu và nhiều thị trường mới nổi khác đang rất cao. Điều tốt nhất mà giới hoạch định chính sách có thể làm hiện nay là hi vọng vào những điều tươi sáng nhất và xây dựng kế hoạch cho những điều tồi tệ nhất có thể xảy ra.

(Theo CafeF)

 

Trở về

Bài cùng chuyên mục