Thị trường chứng khoán liên tục giảm trong những ngày gần đây, và gượng dậy tăng nhẹ trong trong ngày giao dịch cuối cùng của tháng 4 (27-4. Liệu có làn sóng bán cổ phiếu trong tháng 5 với "sell in May"?
Tháng 4 thị trường dự báo tăng đến 1.265 điểm, rủi ro có thể điều chỉnh bất cứ lúc nào
- Cập nhật : 04/04/2018
Theo quan điểm của CTCK Rồng Việt (VDS), thị trường chứng khoán trong tháng 4 sẽ tăng lên ngưỡng hỗ trợ 1.260-1.265 điểm, tuy nhiên rủi ro lớn nhất là có thể điều chỉnh bất cứ lúc nào.
Bước vào giai đoạn tăng giá trong bối cảnh lình xình của thị trường thế giới nói chung và châu Á nói riêng, chỉ số VN-Index thời gian gần đây thăng hoa rồi lại điều chỉnh đan xen. Điển hình kết phiên hôm nay ngày 3/4/2018, VN-Index giảm mạnh hơn 8 điểm về mốc 1.188.
Nhận định về thực trạng này, ông Hoàng Thạch Lân – Trưởng phòng Tư vấn Khách hàng Cá nhân VDS – cho biết nhịp điều chỉnh phiên hôm nay chỉ do ảnh hưởng bởi những thông tin bên ngoài. Đồng thời, dự báo cho tháng 4, VDS khẳng định chỉ số sẽ hồi phục và tiếp tục tăng điểm, hướng đến ngưỡng kháng cự 1.260-1.265 điểm. Những căn cứ để VDS đưa ra nhận định trên bao gồm:
(1) Doanh nghiệp đang chính thức bước vào mùa kết quả kinh doanh quý 1/2018 với bức tranh tương đối khả quan;
(2) Thị trường Việt Nam đang được đề xuất vào danh sách nâng hạng theo đánh giá của MSCI (Morgan Stanley Capital International);
(3) Dòng tiền từ công tác thoái vốn của DNNN;
(4) Nhà nước đang đẩy mạnh đầu tư công;
Bức tranh kinh doanh quý 1 dần hé lộ với gam màu sáng
Thứ nhất liên quan đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp, đến thời điểm hiện tại thì hầu hết các đơn vị đã có báo cáo tài chính quý 1. "Và nếu tham gia ĐHĐCĐ thường niên của những doanh nghiệp lớn đầu ngành, ắt hẳn chúng ta đều được nghe chia sẻ về doanh thu và lợi nhuận 3 tháng đầu năm", ông Lân nói. Và đây chính là động lực ngắn hạn hỗ trợ VN-Index tăng trong tháng đầu tiên của quý 2 năm nay.
Điểm qua một số tên tuổi đã hé lộ con số quý 1/2018, có Ngân hàng TMCP Quân đội (HOSE: MBB), theo chia sẻ của ông Lưu Trung Thái - Tổng Giám đốc tại Đại hội hôm 29/3, ước tính thu nhập trong kỳ của ngân hàng đạt khoảng 3.500-3.600 tỷ đồng và lợi nhuận tối thiểu 1.600 tỷ đồng. Hay một nhà băng khác, đại diện Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (UPCoM: VIB) cho biết lợi nhuận quý 1 của VIB ước đạt 500 tỷ đồng, gấp 3 lần cùng kỳ năm trước. Ngoài ra, Cao su Hòa Bình (HOSE: HRC) cũng ước tính quý I đạt doanh thu 18,3 tỷ đồng và lãi sau thuế 1,35 tỷ đồng, hay Đầu tư Thế Giới Di Động (HOSE: MWG) vừa thông báo doanh thu 2 tháng đầu năm đạt 16.511 tỷ đồng, lãi ròng tương ứng đạt 606 tỷ đồng, thực hiện 23% kế hoạch năm và tăng 46%.
Như vậy, nhiều ông lớn trong ngành phát đi tín hiệu khả quan về hoạt động 3 tháng đầu năm, cùng với những đơn vị chưa chính thức công bố nhưng cũng đánh tiếng tăng trưởng là lý do đầu tiên nâng đỡ thị trường tiếp tục đi lên trong tháng 4, theo VDS.
Việt Nam sớm "đắc cử" vào danh sách được nâng hạng
Yếu tố hỗ trợ thứ hai, có lẽ không còn mới, chính là câu chuyện nâng hạng thị trường. Nhìn từ những quốc gia đi trước, thời gian sau khi được nâng hạng thị trường tại đây đón nhận dòng vốn lớn đổ vào, chỉ số theo đó cũng tăng đáng kể. Đó cũng là lý do khiến giới đầu tư trong nước luôn mong đợi và kỳ vọng chỉ số thị trường Việt Nam sẽ tiếp tục tăng ổn định.
Quay trở lại dự báo nước ra sẽ lọt vào danh sách xét nâng hạng, đại diện MSCI từng chia sẻ đang quan tâm đến thị trường ASEAN trong đó có Việt Nam do thị trường này chưa được đánh giá đúng mức về nhân khẩu học, tiềm năng tăng trưởng. Cụ thể, đối với thị trường Việt Nam, MSCI cho rằng về cơ bản đáp ứng được yêu cầu về thanh khoản để nâng hạng từ sơ khai lên nhóm mới nổi. Khi xem xét 14 doanh nghiệp lớn nhất trên thị trường Việt Nam, MSCI nhận thấy các doanh nghiệp này đáp ứng tốt yêu cầu vốn hóa, thanh khoản nhưng chỉ có 4/14 doanh nghiệp lớn đảm bảo yêu cầu tỷ lệ free float và điều này cần được cải thiện trong thời gian tới.
Nói là vậy, tuy nhiên muốn được chính thức nâng hạng thì thời gian hoàn tất mọi thủ tục phải mất khoảng 1-2 năm nữa. Cụ thể, sau khi review bởi nhóm nghiên cứu thì MSCI sẽ đưa Việt Nam vào danh sách đánh giá, điều này diễn ra mỗi tháng 6 hàng năm; sau đó phải mất thêm 1 năm cho việc tham vấn này để MSCI đi đến quyết định.
Dự báo 1-2 năm là vậy, nhưng "dường như khối ngoại đang phản ứng trước thời hạn nâng hạng, trong đó tập trung mua bán các mã vốn hóa lớn", đại diện VDS cho biết. Minh chứng cho điều này là tổng kết quý 1/2018, giá trị mua ròng của nhà đầu tư nước ngoài tăng 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Cùng với đó, việc Nhà nước sẽ tiếp tục thoái vốn tại các doanh nghiệp hay mục tiêu đẩy mạnh đầu tư công cũng góp phần bơm thêm dòng tiền ra thị trường, giúp thanh khoản ổn định.
Sẽ không có chiến tranh thương mại toàn cầu
Nói về rủi ro của thị trường tháng 4, VDS cho biết điều lo ngại lớn nhất đối với nhà đầu tư chính là những nhịp điều chỉnh "không được dự báo trước". Tức, mặc dù bối cảnh chung sẽ tăng nhưng thị trường sẽ tiếp tục điều chỉnh bất cứ lúc nào, thậm chí với tần suất cao hơn.
Hiện nay, thị trường trỗi dậy khái niệm bong bóng bởi tình trạng định giá cổ phiếu đang cao hơn so với mức thông thường. Tuy nhiên, nền tảng vĩ mô nước ta đang rất tốt, riêng Formosa và Samsung vừa mang lại kết quả hoạt động quý 1 khá đẹp, do đó bong bóng sẽ không nổ mà theo ông Lân là "xì từ từ".
Một rủi ro khá nóng hiện nay chính là lình xình giữa Mỹ và các quốc gia còn lại, nổi lên có Trung Quốc vừa tuyên bố chính thức trả đũa. Nhận định về điều này, ông Bernard Lapoite – Giám đốc Phân tích và Tư vấn Đầu tư VDS khẳng định sẽ không có chiến tranh thương mại toàn cầu, hiện tại chỉ là căng thẳng chưa giải quyết được. Như vậy, một nửa vấn đề của thị trường gần như đã có câu trả lời!
Tựu trung lại, VDS khá lạc quan về thị trường trong thời gian tới, riêng tháng 4 đơn vị này dự báo VN-Index có thể đạt đến mốc 1.265 điểm. Song, bên cạnh tăng trưởng thì rủi ro điều chỉnh luôn có thể xảy ra bất cứ lúc nào, trường hợp phiên 3/4 VN-Index giảm hơn 8 điểm – nguyên nhân được cho là tác động bởi đà giảm từ SP 500 hay Dow Jones.
Hiếu Nguyễn
Theo Trí thức trẻ/CafeF