Việc tăng độ mở của thị trường thông qua việc mở “room” là động lực quan trọng để đẩy nhanh lộ trình nâng hạng thị trường
Mất hết thành quả năm 2015 trong 2 tuần, VN-Index đang hướng tới đâu?
- Cập nhật : 18/01/2016
(Chung khoan)
Theo một số chuyên gia phân tích, vùng 520-530 sẽ là ngưỡng hỗ trợ ngắn hạn của chỉ số VN-Index sau khi thị trường đánh mất toàn bộ số điểm đạt được trong năm 2015 chỉ trong 2 tuần đầu tiên của năm 2016.
Cuốn theo vòng xoáy của thị trường thế giới những ngày đầu năm 2016, chứng khoán Việt Nam cũng giảm mạnh và chỉ trong 2 tuần đã mất đi 76,7 nghìn tỷ đồng, tương đương 3,5 tỷ USD, giá trị vốn hóa (tính chung cho cả 2 sàn Hà Nội và Tp.HCM).
Chỉ số chứng khoán chủ chốt VN-Index mất tổng cộng 6,2% - trả lại những gì đã nỗ lực giành được trong năm 2015. Năm ngoái, VN-Index tăng 6,12%, kéo dài mạch tăng sang năm thứ tư liên tiếp.
Trong 10 phiên giao dịch đầu năm đã có tới 8 phiên giảm, trong đó đóng cửa giảm mạnh nhất là phiên ngày 15/1 khi chỉ số VN-Index mất 1,8% xuống còn 543 điểm.
Liệu đà giảm này có còn tiếp tục và đâu là giới hạn chịu đựng của thị trường?
Thị trường Việt Nam đang chịu tác động nặng nề từ thị trường thế giới, đặc biệt là từ Trung Quốc, trong khi nền kinh tế khổng lồ của quốc gia láng giềng này đang xuất hiện nhiều bất trắc, thì xu hướng ảm đạm của thị trường toàn cầu có vẻ chưa sớm kết thúc. Đặc biệt, về mặt kỹ thuật, chỉ số chủ chốt Shanghai Composite Index của Trung Quốc đã rơi vào vùng “thị trường con gấu” ngày 15/1 khi đã giảm 20% so với mức cao đạt được ngày 22/12/2015.
Theo đánh giá của ông Vũ Minh Đức - Giám đốc phân tích kỹ thuật của CTCK VPBank Securities (VPBS), Trung Quốc thực ra đã trở thành thị trường “con gấu” từ lâu rồi, và việc mất điểm trong thời gian gần đây còn liên quan đến lo ngại về tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc và đồng Nhân dân tệ mất giá. “Nó phản ánh thực trạng kinh tế Trung Quốc chứ không chỉ đơn thuần là kỹ thuật nữa”.
Ông Đức cũng cho rằng không chỉ có Trung Quốc, mà các thị trường Châu Âu cũng vào vùng “thị trường con gấu” khá lâu rồi, và thị trường mới nhất bắt đầu vào vùng này là chỉ số Dow Jones hay S&P 500 của Mỹ.
Ông cho biết, các báo cáo chiến lược của các định chế tài chính lớn trên thế giới đều cho thấy họ dự báo chứng khoán Trung Quốc khả năng giảm mạnh trong năm nay, dựa trên cả nền tảng kỹ thuật và cơ bản. Đặc biệt, ở Trung Quốc lượng nhà đầu tư cá nhân chiếm tương đối lớn, nên đà giảm đó có thể còn chịu tác động bới tâm lý đám đông nên có khả năng sẽ đi quá đà.
Quay lại với Việt Nam, vị chuyên gia của VPBS dự đoán ngưỡng hỗ trợ tiếp theo của chỉ số VN-Index sẽ ở vùng 520+/-5 điểm.
“Đó là vùng đáy của thị trường xác lập trong cả hai năm 2014 và 2015, đặc biệt là năm 2015 có sự kiện Biển Đông chỉ số VN-Index cũng chỉ xuống ngưỡng đó và phục hồi trở lại, theo đó có thể xác định đó là ngưỡng hỗ trợ kỹ thuật cho thị trường,” ông Đức nhận định. “Kể cả thị trường xuống tiếp chăng nữa, thì khi xuống ngưỡng đó sẽ có sự phục hồi trở lại”.
Xét về đồ thị tuần trong 6 tháng trở lại đây thì ngưỡng hỗ trợ của chỉ số VN-Index là 555-560 điểm, và với việc giảm xuống dưới 555 điểm, chỉ số này sẽ thiết lập mô hình giảm điểm theo lý thyết Dow, nghĩa là hình thành đỉnh sau thấp hơn đỉnh trước, và đáy sau thấp hơn đáy trước. Về lý thuyết, thị trường đang nằm trong xu hướng giảm, và ông Đức cho rằng thị trường hoàn toàn có thể xuống dưới 520 điểm nếu các nhà đầu tư nước ngoài duy trì bán ròng.
Với giao dịch của khối ngoại, sau khi họ đã bán ròng từ hồi trong năm 2015 và chững lại vào dịp nghỉ lễ vừa qua, nhưng quan sát các giao dịch của một số cổ phiếu trong các quỹ ETF mấy phiên vừa qua có thể thấy ETF lại bắt đầu bị rút chứng chỉ quỹ.
Ở góc độ của mình, ông Nguyễn Thế Minh, Trưởng phòng phân tích khối khách hàng cá nhân của CTCK Bản Việt (VCSC), cũng cho rằng ngưỡng hỗ trợ tiếp theo của thị trường sẽ là vùng 530 điểm.
Ông Minh cho biết báo cáo chiến lược 2016 của VCSC có thiên về 1 kịch bản tích cực, trong đó đánh giá khả năng VN-Index sẽ giảm về mức thấp nhất là 530 điểm. Kịch bản này đặt ra cho giao dịch 6 tháng đầu năm, trong đó cũng nhận định VN-Index có thể đạt mức cao nhất là 640 điểm trong giai đoạn này.
Theo ông Minh, có 2 yếu tố để kỳ vọng về một kịch bản tích cực. Thứ nhất, thị trường chứng khoán Mỹ được nhận định sẽ sớm hồi phục trở lại sau khi giảm về vùng đáy hồi tháng 9 và tháng 10 năm ngoái, và các kênh khác như và và trái phiếu sẽ sớm điều chỉnh giảm trở lại. Thứ hai, Fed được nhận định sẽ không tăng lãi suất trong 6 tháng đầu năm, hoặc có thể chỉ tăng 0,25%. Như vậy, có thể thấy yếu tố bên ngoài cũng dự kiến cũng sẽ là lực lượng chính tác động đến thị trường Việt Nam.
Nếu xấu hơn nữa…
Tuy nhiên, những chuyên gia này vẫn dự phòng cho một trường hợp xấu hơn.
Theo ông Nguyễn Thế Minh, nếu VN-Index thủng ngưỡng 530 điểm, chỉ số này có thể giảm về vùng 460 điểm.
Tuy ông không cho rằng kịch bản xấu này sẽ xảy ra, nhưng cũng không thể loại trừ khi yếu tố toàn cầu có những diễn biến khó lường. Việc giá dầu giảm mạnh sẽ ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế của các nước mới nổi, đặt biệt là Trung Quốc – nước tích trữ đầu cơ hàng hóa của thế giới. Với đà lao dốc của giá hàng hóa, dòng tiền rút ra khỏi nước này, Trung Quốc có thể sẽ phải bán tháo lượng hàng hóa đầu cơ, gây ảnh hưởng đến các nước xung quanh. Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng về xuất khẩu do sẽ phải hạ giá theo để cạnh tranh với hàng Trung Quốc.
Cũng đưa ra một kịch bản xấu, ông Vũ Minh Đức từ VPBS cho rằng nếu chỉ số VN-Index rớt khỏi ngưỡng 510 điểm, thì có thể sẽ về vùng 450-480 điểm.
Theo ông Đức, ngoài ảnh hưởng từ Trung Quốc và chứng khoán thế giới, việc giá dầu xuống mạnh cũng ảnh hưởng đến thu ngân sách của Việt Nam và đến cổ phiếu ngành dầu khí trên sàn. Hơn nưa, lượng tiền nội từ 2015 khá yếu do ảnh hưởng của Nghị định 36 hay Thông tư 210 của NHNN hạn chế dòng vốn từ ngân hàng đổ vào chứng khoán. Bên cạnh đó, nước ngoài liên tiếp rút ròng ra khỏi thị trường, nên cán cân cung cầu rõ ràng bị lệch về bên cung.
Tuy nhiên, ông Đức cũng thiên về một kịch bản bớt bi quan hơn do cho rằng triển vọng kinh tế của Việt Nam khá khả quan dựa trên nền tảng lãi suất thấp, lạm phát thấp, chi phí đầu vào giảm cũng hỗ trợ các doanh nghiệp phục hồi sản xuất, các chỉ tiêu kinh tế có thể đạt được trong năm 2016 nếu kinh tế Trung Quốc không quá trầm trọng. Về yếu tố thị trường, ông cho rằng nhiều cổ phiếu đang giao dịch dưới giá trị thực, và thị trường sẽ ổn định hơn về cuối năm khi dòng vốn đầu tư nước ngoài quay trở lại. Cộng với đó là các giải pháp của chính phủ về cơ chế giao dịch, và nỗ lực nâng hạng lên thị trường cận biên.
Kịch bản trung bình trong năm nay, theo ông Đức, là thị trường sẽ tạo tạo đáy ở vùng 520+/-10 điểm, sau đó hồi trở lại nhưng vẫn không lên quá 580 điểm, nghĩa là vẫn dao trong thị trường con gấu trong năm nay.