tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Hấp dẫn cổ phiếu bán lẻ

  • Cập nhật : 06/04/2016

(Tin kinh te)

“Thị trường bán lẻ điện tử, điện máy đầy hấp dẫn, đặc biệt là mảng điện thoại di động”, ông Huỳnh Phước Cường - Giám đốc khối bán Lẻ, Công ty TNHH Nghiên cứu thị trường công nghệ và bán lẻ GfK Việt Nam (GfK) chỉ ra điểm sáng trong ngành bán lẻ Việt Nam.

Theo ông Cường, giống như các năm gần đây, mặt hàng điện thoại di động vẫn là động lực tăng trưởng chính cho ngành khi ghi nhận mức tăng trưởng 29,1% về doanh thu và 16,5% về doanh số tiêu thụ. Với doanh thu 65,7 ngàn tỷ đồng, mặt hàng điện thoại di động chiếm tỷ trọng trên 40% trong tổng số bán lẻ điện tử, điện máy và có tốc độ tăng trưởng mạnh nhất với hơn 30% so với các mặt hàng còn lại. Mức chi tiêu cho điện thoại di động của người Việt hiện đã vươn lên ngang với chi cho uống bia hay mua xổ số.

“Thị trường bán lẻ di động và điện máy điện tử Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn tăng trưởng khá tốt và ổn định trong cả giai đoạn vừa qua và giai đoạn sắp tới”, ông Cường nhìn nhận.

anh minh hoa

Ảnh minh họa

Dự báo năm 2017, nhóm sản phẩm điện thoại tiếp tục duy trì đà tăng trưởng mạnh, có thể đạt doanh thu 82 ngàn tỷ đồng; Nhóm sản phẩm máy tính xách tay dự kiến doanh thu giảm còn 13 ngàn tỷ đồng so với con số 17 ngàn tỷ đồng trong năm 2012. Riêng nhóm sản phẩm máy tính bảng cũng ghi nhận sự tăng trưởng nhưng sẽ tăng trưởng chậm, doanh thu ước tính đạt 9,8 ngàn tỷ đồng.

Ông Đặng Trần Hải Đăng, Phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu phân tích VieitnBankSc phân tích tương lai khá tươi sáng với ngành này là cơ hội để các nhà đầu tư tham gia vào các cổ phiếu DN bán lẻ đã niêm yết trên sàn chứng khoán Việt Nam.

Ví như CTCP Đầu tư Thế giới di động (MWG). Theo ông Đăng, diễn biến giá cổ phiếu MWG có sự tăng trưởng tốt hơn so với chỉ số chung VN-Index, và ngành bán lẻ nói chung trong vòng 6 tháng trở lại đây. So với các DN kinh doanh cùng ngành nghề trong cùng khu vực như Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc, các chỉ số về thị trường của MWG cũng đang có diễn biến khả quan.

Ông Đăng cũng nhấn mạnh thêm, chỉ số ROE của MWG cũng khá ấn tượng, với 54% năm 2015, cao hơn chỉ số này của ngành bán lẻ Việt Nam và của các DN cùng khu vực nói trên.

Ông Nguyễn Đức Tài - Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Tổng giám đốc MWG cho biết, đến cuối tháng 3/2016, hệ thống có hơn 600 cửa hàng, với diện tích 100-200m2, bao phủ 63/63 tỉnh thành; chiếm 30% thị phần điện thoại chính hãng.

Kế hoạch năm 2016 của MWG khá tham vọng với tăng trưởng doanh thu lên gần 35.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế thu được gần 1.400 tỷ đồng, cao hơn nhiều so với kết quả kinh doanh năm 2015 với doanh thu tăng 60% đạt được 25.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế tăng gần 60%, đạt gần 1.100 tỷ đồng so với năm 2014. Năm 2017-2018, MWG vẫn sẽ tiếp tục nỗ lực để đưa doanh thu lên gấp đôi doanh thu năm 2015.

Vị lãnh đạo này tự tin với việc liên tục đầu tư và đổi mới chính mình trong suốt 10 năm vừa qua đã mang lại kết quả là thị phần MWG đã lên đến 40%. Với thị phần lớn như vậy, việc các DN nước ngoài có ý đồ thâm nhập vào thị trường này không phải điều đơn giản, cơ hội không còn lớn nếu muốn tranh dành thị phần với MWG.

FPT cũng là một điểm sáng trong mảng phân phối thị trường này. Trong năm 2015, chuỗi FPT Shop/Studio đem về doanh thu khoảng 7.830 tỷ đồng, tăng 148% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 19,6% tổng doanh số của FPT. Lợi nhuận trước thuế tăng 339% cùng kỳ lên 180 tỷ đồng, tương đương 6,2% tổng lợi nhuận.

Tính đến hết quý I, FPT Shop đã có 300 cửa hàng trên toàn quốc, doanh thu và lợi nhuận ước đạt 2.459 tỷ đồng và 43 tỷ đồng, tăng trưởng 36% về doanh thu và 51% về lợi nhuận so với quý I/2015. Năm 2016, FPT cũng đặt tham vọng doanh thu đến từ khối phân phối và bán lẻ với mục tiêu 28.586 tỷ đồng - tăng 13,4% so với năm 2015.


Hoàng Hoa
(Thời báo Ngân hàng)

Trở về

Bài cùng chuyên mục