Cơn địa chấn lây lan toàn cầu từ sự kiện sụp đổ trên thị trường chứng khoán Trung Quốc không làm ngạc nhiên giới quan sát.
Gặp khó khi gia nhập TPP, cổ phiếu mía đường vẫn tăng nóng
- Cập nhật : 16/10/2015
(Thuong mai)
Trong hơn một tuần qua, nhóm cổ phiếu ngành đường duy trì xu hướng tăng giá với thanh khoản đột biến sau một thời gian dài giao dịch tẻ nhạt.
Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) vừa hoàn tất quá trình đàm phán và đang được các bên gấp rút rà soát, thực hiện các thủ tục pháp lý để đưa vào thực thi. Bên cạnh nhiều lĩnh vực có nhiều lợi thế, không ít ngành sản xuất của Việt Nam được đánh giá là chịu áp lực cạnh tranh lớn sau thỏa thuận này, trong đó có mía đường.
Báo cáo cập nhật của một số công ty chứng khoán trong vòng một tuần qua cho rằng việc tham gia TPP cũng như các hiệp định thương mại khác sẽ buộc Việt Nam phải mở cửa ngành đường, gỡ bõ các hạn ngạch nhập khẩu. Sản xuất trong nước do đó được dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn, khi mà chi phí sản xuất cao hơn đáng kể so với các nước trong khu vực và thế giới. Riêng trong khối TPP, đối thủ lớn của Việt Nam là Australia - nước xuất khẩu mía đường lớn thứ 3 thế giới với chi phí sản xuất khoảng 20 USD cho mỗi tấn đường. Con số tương tự ở Việt Nam là khoảng 55-60 USD một tấn.Tuy vậy, phản ứng trái chiều với những nhận định trên, thống kê trên sàn chứng khoán từ ngày 6/10 đến 12/10 (khoảng thời gian thông tin hoàn tất đàm phán TPP bắt đầu lan tỏa), nhóm cổ phiếu ngành này lại có xu hướng tăng giá, thanh khoản đột biến, trái ngược với diễn biến tẻ nhạt trước đó.
Cổ phiếu Đường Biên Hòa (Mã CK: BHS), tăng 3,9% lên 18.700 đồng. Riêng phiên 6/10, BHS tăng trần với thanh khoản gần 2,6 triệu cổ phiếu và đạt trung bình 2,1 triệu chứng khoán được chuyển nhượng trong những phiên sau đó. Cổ phiếu của Đường Ninh Hòa (Mã CK: NHS) cũng tăng 8,9% lên 17.100 đồng, với thanh khoản trung bình 1,1 triệu đơn vị. Trước đó, trong tháng 9, khối lượng giao dịch bình quân của 2 mã này chỉ đạt lần lượt 800.000 và 350.000 đơn vị mỗi phiên.
Một cổ phiếu cùng ngành khác là Mía đường Lam Sơn (Mã CK: LSS) cũng tăng giá 5,8% lên 9.100 đồng trong thời gian nêu trên, Lượng giao dịch trung bình đạt trên 400.000 cổ phiếu, trong đó riêng phiên 9/10, con số này lên gần 600.000 đơn vị.
Mía đường Thành Thành Công Tây Ninh (Mã CK: SBT) cũng ghi nhận mức tăng giá cổ phiếu khoảng 5% trong hơn một tuần, và nếu tính từ tháng 5/2015, con số này đã tăng hơn 44%. Thanh khoản đột biến với mã này ghi nhận trong phiên 9/10, đạt gần 3 triệu cổ phiếu.
Ông Nguyễn Thế Minh - Trưởng phòng phân tích Khối khách hàng cá nhân, Công ty chứng khoán Bản Việt (VCSC) cho biết trong năm 2014, cổ phiếu ngành đường từng giao dịch tẻ nhạt, thanh khoản thấp. Tuy nhiên, tình hình hoàn toàn ngược lại trong thời gian gần đây, bất chấp những nhận định khó khăn khi gia nhập TPP. Đà tăng của nhóm này thậm chí còn nóng hơn cổ phiếu ngành bất động sản.
Theo vị này, hiện tượng nêu trên xuất phát từ hai yếu tố tác động. Thứ nhất, TPP là một cuộc chơi lớn mà Việt Nam tham gia song phải một thời gian khá dài nữa mới thực sự tác động đến ngành mía đường. Thực chất cổ phiếu ngành này đã có xu hướng tăng trước khi TPP được hoàn tất nhưng sau khi có thông tin này tăng mạnh hơn.
Trên cơ sở đó, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp mía đường năm nay đã tốt lên nhiều. Giá bán trong nước được giữ ở mức ổn định. Ngoài ra, bản thân ngành này cũng được trợ giá khá nhiều để đảm bảo không giảm mạnh khi giá thế giới lao dốc.
Thứ hai, chuyên gia này cho rằng thanh khoản tăng đột biến là do có một vài thông tin sáp nhập doanh nghiệp ngành đường. Cụ thể, tháng 6/2015, Đường Biên Hòa đã chính thức thông qua phương án sáp nhập Đường Ninh Hòa (phía Ninh Hòa trở thành công ty con, do đối tác sở hữu 100% vốn điều lệ).
"Sự kiện này đã mở màn cho làn sóng sáp nhập của doanh nghiệp ngành đường, từ đó tạo sóng thanh khoản và tăng trưởng cho cổ phiếu ngành đường. Thời gian qua VN-Index chỉ tăng chậm chạp nhưng cổ phiếu ngành đường tăng khá nóng và đang được định giá cao. Vì vậy, nhà đầu tư nên xem xét trước khi mua vào để tránh rủi ro", ông Minh khuyến cáo.
Hiện nay, giá đường thế giới đang có xu hướng tăng trở lại. Đường thô tại New York đã tăng 34% kể từ tháng 8 - thời điểm giá thấp nhất 7 năm. Riêng trong tháng 9 vừa qua, giá đã tăng 27,5%. Mặc dù vậy, so với đầu năm giá hiện vẫn giảm hơn khoảng 6,5%. Bloomberg đưa ra dự báo, niên vụ 2015-2016 thế giới có thể thiếu hụt 5,6 triệu tấn đường.