Sở Giao dịch CK TPHCM (HOSE) vừa công bố số liệu thống kê mới nhất về tình hình niêm yết trên sàn HOSE trong năm 2015.
Cổ phiếu Việt Nam: Bài học về giá trị cho các thị trường phát triển
- Cập nhật : 14/10/2015
(Chung khoan)
Trong một bài viết trên trang Financial Times, tác giả Merryn Somerset Webb đã đưa ra những so sánh thú vị với các TTCK Mỹ, Anh từ đó cho thấy sức hấp dẫn của cổ phiếu trên TTCK Việt Nam. Theo bà Webb, đó là bài học về giá trị cho các thị trường phát triển.
Ở Việt Nam, chưa đến 20% số cổ phiếu giao dịch với P/E trên 20 lần, trong khi tại Anh Quốc và Mỹ khoảng 45% số mã có tỷ lệ P/E trên 20 lần – một mức được coi là đắt.
Còn nếu tính theo hệ số P/B, gần 50% số cổ phiếu niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam hiện có P/B dưới 1 lần, tức giao dịch dưới giá trị sổ sách, còn tại Mỹ và Anh, con số này chỉ là gần 15%. Điều này cho thấy cổ phiếu Việt Nam đang rất rẻ, trong khi các thị trường khác đang bị kẹt vì giá cổ phiếu đắt.
Sự chênh lệch còn lớn hơn khi bà Merryn so sánh với giá trị bình quân của 3 trong số các cổ phiếu được ưa thích nhất tại Anh, có P/E ở mức 23 lần và P/B ở mức 8,9 lần. Bà cũng cho biết tỷ lệ P/E bình quân của hầu hết các cổ phiếu bluechip lớn của Anh hiện đứng ở mức 24,7 lần.
Việc cổ phiếu tại Mỹ và Anh được định giá cao có nhiều lý do, nhưng bà Merryn cho rằng có không ít thứ đáng phải lo ngại, như lợi nhuận, cổ tức, và cả khả năng giá cổ phiếu bị thổi phồng.
Các doanh nghiệp trong chỉ số FTSE All Share hiện có mức cổ tức thấp nhất trong vòng 20 năm, trong đó một số công ty phải dùng tất cả lợi nhuận có được để trả cổ tức cho cổ đông.
Trong vài thập kỷ qua, các doanh nghiệp lớn có nhiều điều kiện thuận lợi như lãi suất giảm liên tục, chi phí lao động giảm, trốn thuế dễ dàng và thị trường mới nổi tạo ra nhiều cơ hội đầu tư để khai thác. Nhưng giờ đây, mọi thứ đảo ngược, với lãi suất dự kiến sẽ tăng lên, chi phí lao động đang tăng, việc trốn thuế doanh nghiệp đang là chủ đề tranh cãi chính trị, và tăng trưởng toàn cầu suy yếu.
Một quan chức của ngân hàng Société Générale đã nhấn mạnh rằng tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp Mỹ chưa bao giờ thấp như hiện nay trừ thời kỳ suy thoái.
Một điều đáng lo ngại nữa là bong bóng tín dụng ở các thị trường mới nổi. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã thừa nhận rằng các doanh nghiệp tại thị trường mới nổi hiện có đống nợ khoảng 18 nghìn tỷ USD – một con số sẽ khó trả trong điều kiện tăng trưởng chậm lại.
Một số ngành đang chịu tác động tiêu cực như hàng hóa hoặc khai khoáng, và thị trường đã đã ghi nhận quý III tồi tệ nhất kể từ năm 2011.
Theo miêu tả của một chuyên phân tích kỳ cựu, ông Peter Bennett của hãng Walker Crips, có cảm giác tình hình vĩ mô thế giới đang xấu đi sau khi được thúc đẩy bởi dòng tiền nóng, vay nợ cao và giá trị nhiều loại tài sản bị đẩy lên.
Bà Merryn cho rằng có lẽ các nhà quản lý quỹ nên bán một số tài sản giá cao trong danh mục của mình.
Chứng khoán Việt Nam không chỉ rẻ so với các thị trường phát triển. Ngay tại khu vực Đông Nam Á, cổ phiếu của các doanh nghiệp Việt Nam hiện cũng rẻ hơn so với các nước láng giềng này.
Theo số liệu của Bloomberg, các cổ phiếu trên sàn Thành phố Hồ Chí Minh hiện giao dịch với P/E khoảng hơn 11 lần, trong khi thị trường Bangkok (Thái Lan) giao dịch với mức hơn 17 lần, sàn Jakarta (Indonesia) hơn 24 lần, còn ở Philipin là 20 lần.
Tổ chức Euromoney của Anh mới đây đã tổ chức hẳn một diễn đàn đầu tư tại Việt Nam, cho thấy các nhà đầu tư quốc tế đang quan tâm nhiều hơn đến Việt Nam, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đã tham gia nhiều hiệp định thương mại quan trọng.
Tại Diễn đàn Đầu tư Toàn cầu đó, ông Nguyễn Duy Hưng - Chủ tịch CTCP Chứng khoán Sài Gòn - cho rằng Việt Nam giờ đã có đủ các điều kiện cho nhà đầu tư nước ngoài đầu tư và làm ăn lâu dài như ước mơ của 10 năm trước, và đây là thời điểm “Thiên thời, địa lợi, nhân hoà” cho các nhà đầu tư nước ngoài.
Những điều kiện này càng được củng cố hơn sau khi Việt Nam cùng với 11 đối tác khác vừa mới kết thúc đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), trong đó Việt Nam được dự báo là nước hưởng lợi nhiều nhất từ hiệp định này.
Theo đó, TPP sẽ giúp mở rộng thị trường xuất khẩu cho các doanh nghiệp Việt Nam, đồng thời sẽ chất xúc tác bên ngoài cần thiết để thúc đẩy tiến trình tái cơ cấu kinh tế hiện tại để đáp ứng tiêu chuẩn cao của hiệp định tự do thương mại này.