Một nhóm tin tặc Nga được cho là đã đột nhập máy chủ của Dow Jones và đánh cắp thông tin để thực hiện các giao dịch trước khi chúng được công bố.
BSC: CPI hồi phục, kinh tế tăng trưởng và chứng khoán đi ngang trong quý IV
- Cập nhật : 16/10/2015
(Tin kinh te)
Theo chứng khoán BSC, trong quý IV, kinh tế sẽ tiếp tục tăng trưởng; Lạm phát hồi phục trở lại; Vốn FDI tiếp tục tăng trưởng; Thâm hụt thương mại gia tăng; Tỷ giá ổn định; Lãi suất duy trì mặt bằng thấp. Chứng khoán được dự báo đi ngang, đóng cửa 2015 quanh vùng 580 điểm ± 5%.
Công ty chứng khoán BSC mới đây đã công bố báo cáo Vĩ mô và Thị trường chứng khoán triển vọng quý IV/2015.
Dự báo vĩ mô Việt Nam quý IV/2015
Tăng trưởng kinh tế: Tăng trưởng kinh tế được dự đoán duy trì đà tích cực, có thể đạt mức 6,9 – 7,1% trong quý 4, đưa GDP cả năm đạt khoảng 6,56 – 6,66% vào cuối năm.
Tính tới quý III/2015, bất lợi đối với tăng trưởng là hoạt động xuất khẩu nói chung chậm lại trước sự suy giảm nhu cầu trên thế giới, trong đó xuất khẩu dầu thô, một trong những điểm tựa của Việt Nam trong nhiều năm qua, suy yếu mạnh bởi giá dầu giảm sâu trong thời gian dài cả năm 2015.
Tuy nhiên, sự phục hồi của nhu cầu nội địa, và tăng trưởng lĩnh vực Sản xuất công nghiệp, đặc biệt là lĩnh vực Xây dựng đã bù đắp và đưa nền kinh tế vượt qua giai đoạn khó khăn.
Lạm phát: Lạm phát được dự đoán có thể hồi phục trong quý IV. Dù vậy, áp lực giá cả hiện vẫn còn yếu trong bối cảnh giá cả hàng hóa thế giới, giá dầu đang ở mức thấp. Do đó, chỉ số giá toàn phần trong năm 2015 có thể còn thấp hơn mức 2% vào thời điểm cuối năm.
Giá dầu, yếu tố chính quyết định tới CPI cả nước, đã chịu nhiều áp lực giảm giá trong quý vừa qua, đáng kể nhất là (1) nhu cầu dầu suy yếu đi kèm với triển vọng kinh tế đột ngột u ám của Trung Quốc. (2) Nhu cầu dầu cũng chịu nhiều áp lực khi tăng trưởng của Mỹ và khu vực châu Âu giảm tốc. Bên cạnh đó, (3) sản lượng, nguồn cung dầu liên tục duy trì ở mức cao trong nhiều tuần qua, và (4) chi phí khai thác dầu đá phiến hạ nhờ cải tiến công nghệ.
Tất cả những yếu tố trên cộng hưởng, khiến giá dầu giảm đáng kể trong quý III. Mùa đông chuẩn bị đến trong khi các biến động địa chính trị khu vực Trung Đông tiếp diễn có thể giảm tải áp lực nguồn cung, do đó giá dầu sẽ có cơ hội hồi phục trong quý tới. Dù vậy, giá dầu nhiều khả năng sẽ biến động không mạnh, khiến CPI vào cuối năm 2015 sẽ ở mức rất thấp trong nhiều năm nay.
Đầu tư trực tiếp nước ngoài: Đầu tư trực tiếp nước ngoài trong quý tới tiếp đà tăng trưởng.
Theo BSC, sự hấp dẫn của Việt Nam trong mắt nhà đầu tư nước ngoài suy chuyển không đáng kể, thậm chí còn gia tăng nhờ các yếu tố: (1) kinh tế vĩ mô ổn định, môi trường đầu tư được cải tổ sau khi cải tổ và hiệu lực hóa khá nhiều đạo luật mới, (2) Hiệp định TPP hứa hẹn triển vọng tươi sáng cho hoạt động đầu tư nước ngoài tại Việt Nam trong nhiều quý tới. TPP khi đi vào hiệu lực sẽ tạo cú bật lớn cho hoạt động xuất khẩu của Việt Nam bởi khối 12 nước TPP chiếm tới 40% GDP và 30% thương mại toàn cầu, trong đó có các nước rất lớn như Mỹ và Nhật.
Bên cạnh đó, (3) hiệp định EVFTA giữa Liên minh châu Âu và Việt Nam được kỳ vọng sẽ ký kết trong năm 2015 sau khi hai bên đã chính thức thống nhất kết thúc cơ bản đàm phán vào sáng ngày 4/8/2015. Như vậy, EVFTA và cả TPP đều mở ra cơ hội cho các ngành sản xuất của Việt Nam, đặc biệt là các ngành mũi nhọn gồm dệt may, giày dép, thủy sản, gỗ…
Việc Việt Nam có khả năng đặt chân vào các thị trường lớn trên sẽ kích thích mạnh mẽ hơn nữa dòng vốn đầu tư trong thời gian tới.
Thương mại, xuất nhập khẩu: Thâm hụt thương mại của Việt Nam dự đoán gia tăng trong thời gian tới, đưa cán cân thương mại của Việt Nam quay trở về vị thế nhập siêu sau 3 năm xuất siêu liên tiếp.
Tốc độ nhập siêu trong quý 3 chậm lại so với các quý trước, hiện đang thâm hụt 3,9 tỷ USD. Xu hướng cán cân thương mại của Việt Nam lại rơi vào thâm hụt là rõ ràng, và cán cân thương mại được dự đoán thâm hụt từ 7-8 tỷ USD vào thời điểm cuối năm 2015. Hoạt động xuất khẩu phụ thuộc mạnh vào nhóm doanh nghiệp FDI, trong khi khu vực này cũng nhập khẩu khá nhiều nhằm sản xuất hàng hóa xuất nước ngoài.
Nhu cầu thu hẹp quy mô rộng trên thế giới đi kèm với sự giảm giá hàng hóa là yếu tố chính kìm hãm hoạt động xuất khẩu của Việt Nam. Trong khi đó, nhu cầu tiêu dùng quay trở lại sẽ thúc đẩy hoạt động nhập khẩu, khiến thâm hụt thương mại còn gia tăng trong các tháng tới.
Thị trường ngoại hối, tỷ giá: Tỷ giá được dự đoán ổn định trong vùng 21.890 – 22.547 VND/USD trong quý IV.
Yếu tố quyết định tới tỷ giá, tiêu biểu nhất là khả năng điều chỉnh lãi suất của FED đã giảm xuống đáng kể sau khi (1) tăng trưởng của Mỹ giảm tốc trước những rủi ro về biến động kinh tế toàn cầu và (2) mức lạm phát của Mỹ còn cách xa lạm phát mục tiêu 2%.
Trong quý IV, FED sẽ tổ chức 2 lần họp FOMC, một vào cuối tháng 10 và một còn lại vào cuối tháng 12. Các dự đoán về việc tăng lãi suất trong tháng 12, vốn là khả năng có tỷ lệ dự đoán cao nhất, đã giảm sút. Thậm chí, khả năng bình thường hóa chính sách lãi suất của FED được đẩy lùi sau năm 2015. Do đó, áp lực về tỷ giá từ yếu tố quốc tế giảm đáng kể.
Tuy nhiên, về xu hướng trung hạn, tỷ giá vẫn có xu hướng gia tăng. Thâm hụt thương mại giảm tốc những vẫn đem lại lo ngại cho sự thiếu hụt tiền USD trên thị trường nội địa. Những áp lực này sẽ đem lại những tác động nhất định, không quá căng thẳng, đối với tỷ giá USD/VND vào thời điểm cuối năm.
Ngân hàng - lãi suất: Lãi suất có thể duy trì mặt bằng thấp trong quý IV khi mà lạm phát cả năm được dự đoán ở mức thấp. Tuy nhiên, chính sách hạ lãi suất cho vay trung và dài hạn của NHNN trở nên khó khả thi hơn.
Tín dụng năm nay có nhiều chuyển biến so với các năm trước, hiện tăng trưởng ở mức rất tích cực. Tăng trưởng tín dụng được dự đoán có thể đạt mức 14-16% vào thời điểm cuối năm, hỗ trợ đáng kể cho tăng trưởng kinh tế.
Các yếu tố cơ bản để lãi suất được kỳ vọng duy trì mặt bằng thấp hiện tại là: (1) tăng trưởng kinh tế hứa hẹn giữ tốc độ lạc quan, (2) khả năng về sự chuyển biến giá cả hàng hóa vào quý tới, điển hình là khả năng hồi phục giá dầu, sẽ đẩy lạm phát hồi phục, cùng với (3) tác động từ việc bình thường hóa chính sách lãi suất của FED (kỳ vọng vào cuối 2015, đầu năm 2016).
3 khả năng trên là những yếu tố cơ bản để NHNN giữ ổn định lãi suất trong quý tới.
Triển vọng thị trường chứng khoán Việt Nam quý IV/2015
Thị trường chứng khoán Việt Nam là một trong những thị trường hấp dẫn đầu tư nước ngoài nhờ vĩ mô ổn định và vẫn duy trì được đà tăng trưởng tuy nhiên vẫn không nằm ngoài xu thế rút ròng của khối ngoại. Thị trường chứng khoán được dự báo sẽ tiếp tục tích cực trong nửa đầu tháng 10 khi nhà đầu tư nội khá hứng phấn trước thông tin TPP và thị trường bước vào mùa kết quả kinh doanh quý 3.
Tuy nhiên, đà tăng điểm của thị trường trong tháng 10 khó giữ được lâu một khi không có yếu tố hỗ trợ từ dòng tiền, đặc biệt từ dòng vốn ngoại. Thị trường sẽ tiếp tục căng thẳng ngóng tín hiệu tăng lãi suất từ FED trong kỳ họp 27-28/10 hoặc 15-16/12. Chờ đợi quyết định của FED sẽ chia cắt mạch luân chuyển của dòng tiền làm giảm cơ hội tăng điểm và tăng yếu tố rủi ro của thị trường. Các chỉ số do vậy nhiều khả năng sẽ có điều chỉnh giảm giá trong tháng 11 bất chấp có sự cải thiện của kinh tế vĩ mô và mức độ định giá của thị trường đang khá hấp dẫn trong vài năm nay.
Trong tháng 12, BSC kỳ vọng sớm thấy dòng vốn nước ngoài, đặc biệt dòng vốn có tính chu kỳ ETF sẽ giúp thị trường tích cực trở lại.
BSC cho biết, quan điểm của BSC về thị trường cuối năm có phần thận trọng, và cho rằng: “Thị trường sẽ đóng cửa quanh vùng 580 điểm ± 5% vào cuối năm 2015”.
Xem thêm: Báo cáo triển vọng ngành quý IV/2015
Minh Quân
Theo Vinanet