Trong tháng 10 hơn 238 ngàn hợp đồng (HĐ) được giao dịch, tăng 81% so với tháng 9. Khối lượng mở toàn thị trường tại thời điểm cuối kỳ ở mức 3.949 HĐ tăng 21%.
Đừng lo về thị trường mới nổi!
- Cập nhật : 22/09/2015
(Tin kinh te)
Trong dài hạn, không có lý do gì phải quá lo lắng về câu chuyện tăng trưởng của các thị trường mới nổi. Cũng giống như những “cơn sóng tăng trưởng”, hết đợt này rồi sẽ tới đợt khác, hết thời của Trung Quốc, các quốc gia khác sẽ "nổi lên".
Các TTCK mới nổi đã chuyển biến xấu trong thời gian qua. Chỉ số MSCI theo dõi các thị trường này sau khi diễn biến khá tốt vào đầu những năm 2000 hiện gần như đã không có biến chuyển đáng kể nào so với mức đỉnh từ cuộc khủng hoảng tài chính 2008. Tệ hơn, kể từ đầu năm tới nay chỉ số này đã chao đảo – đi xuống vì những bất ổn củaTrung Quốc.
Diễn biến xấu trên các thị trường chứng khoán tại những nền kinh tế mới nổi đi kèm với các dữ liệu kinh tế yếu kém. Nền kinh tế Brazil đã và đang thu hẹp kể từ năm ngoái, kinh tế Nga cũng vậy. Những nền kinh tế như In-đô-nê-si-a và Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã tăng trưởng chậm lại. Và Trung Quốc, điểm khởi nguồn của các thị trường mới nổi, đang bước vào một đợt suy giảm mạnh mẽ sau sự xì hơi của bong bóng trên thị trường chứng khoán và thị trường bất động sản.
Đây là một sự đảo ngược lớn kể từ những năm 2000. Trong thập kỷ qua, các thị trường mới nổi đã tăng trưởng quá nhanh và tổng đóng góp thu nhập vào nền kinh tế toàn cầu của các thị trường mới nổi cũng đã tăng lên đáng kể hơn, sau nhiều thập kỷ cuối cùng thế giới cũng có sự cân bằng hơn giữa ảnh hưởng của các nền kinh tế mới nổi với các nền kinh tế đã phát triển.
Trong giới truyền thông, Bill Emmott, cựu nhà báo, biên tập viên tờ Economist, gần đây đã nhận định rằng rối loạn chính trị đã làm tê liệt tăng trưởng tại các thị trường mới nổi. Và cho rằng nếu những nền kinh tế mới nổi không khắc phục lại điểm yếu trong điều hành kinh tế, chính trị thì họ sẽ tiếp tục chìm xuống. Những đánh giá kiểu này đang gia tăng, có nghĩa rằng, về cơ bản ngưởi ta tin rằng trong dài hạn, các thể chế chính trị chính là thứ hạn chế tăng trưởng của một nền kinh tế.
Hãy thử đặt một câu hỏi phản biện: một nhóm các quốc gia, ở đây là thị trường mới nổi - với các mức thu nhập, tăng trưởng kinh tế rất khác nhau, rồi đột nhiên lại đều đạt tới điểm giới hạn của các thể chế điều hành quốc gia trong cùng một thời điểm. Vậy đó có phải là sự trung hợp bình thường? Hay những đánh giá về sự yếu kém của các thể chế chính trị đã bị thổi phồng quá mức?
Quay sang sự tụt dốc tại thị trường chứng khoán của những nền kinh tế này kể từ đầu năm tới nay. Rõ ràng thủ phạm là Trung Quốc. Quá trình công nghiệp hóa mạnh mẽ của Trung Quốc từ đầu những năm 2000, có lẽ là nhanh nhất thế giới từ trước tới giờ, đã làm tăng giá hàng hóa toàn cầu. Điều này giống như là đang bơm tiền vào trong những nền kinh tế mới nổi – mà nhiều trong số đó là những nhà xuất khẩu tài nguyên, chẳng hạn như Brazil, Nga, In-đô-nê-si-a, châu Phi và Trung Đông. Nhưng bây giờ, quá trình công nghiệp hóa của Trung Quốc gặp phải nhiều rào cản, khiến giá các loại hàng hóa đã và đang sụt giảm mạnh, tạo ra căng thẳng trong nền kinh tế của các nhà xuất khẩu tài nguyên đó.
Gần như khắp nơi tại các nền kinh tế mới nổi, câu chuyện bất ổn đều có một xuất phát giống nhau, với cái tên luôn được đưa ra đó là: Trung Quốc, Trung Quốc và Trung Quốc. Khi nhắc đến ảnh hưởng của BRIC gồm Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc (chưa gồm Nam Phi - BRICS), gần như mọi ảnh hưởng luôn luôn xuất phát từ Trung Quốc. Trong vài năm gần đây, Trung Quốc đã đóng góp tới 1/4 tăng trưởng toàn cầu (mà đã gồm cả tăng trưởng của các nền kinh tế mới nổi). Do đó Trung Quốc đã và đang là một động lực tăng trưởng mạnh mẽ cho thế giới.
Vậy có phải phần lớn các cuộc tranh cãi về sự điều hành tại các thị trường mới nổi đã sai hướng? Tất nhiên, việc tận dụng khủng hoảng để thôi thúc các chính phủ thực hiện cải cách thể chế vẫn luôn luôn là điều tốt, giống như cựu thủ tướng Anh Winston Churchill từng nói: “Chúng ta không nên để lãng phí một cuộc khủng hoảng, mà phải tận dụng nó để sửa chữa lại những điểm yếu trong cách điều hành”. Nhưng các cải cách cấu trúc đang tiến triển với một mức độ khá chậm chạp ngay cả khi có được những điều kiện thuận lợi nhất để thực hiện cải cách, điều này cho thấy rằng nguyên nhân bất ổn không thể đổ hoàn toàn cho thể chế - yếu tố nội tại. Và cho dù những cải cách điều hành được thực hiện nhanh và mạnh cũng khó mà chống đỡ được cho sự sụt giảm bắt nguồn từ tác nhân Trung Quốc – yếu tố bên ngoài rất mạnh. Vậy ở đây chúng ta lại cần nhìn vấn đề ở một góc độ khác – góc độ tuân theo sự phát triển, vận hành của thế giới.
Trong dài hạn, các thị trường mới nổi vẫn tăng trưởng khá mạnh và họ còn nhiều tiềm năng. Chi phí sản xuất, đầu tư…ở Trung Quốc đang tăng trong khi lực cầu và nền kinh tế chưa bắt kịp tốc độ tăng trưởng chi phí. Điều này mở ra cơ hội cho các nước đang phát triển khác. Họ có thể giảm bớt phụ thuộc vào lực cầu từ Trung Quốc và tự tạo ra thời của riêng mình.
Theo mô hình của “lý thuyết địa lý kinh tế” mới do nhà kinh tế Paul Krugman và Masahisa Fujita đưa ra, những quá trình tăng trưởng sẽ diễn ra không đồng đều. Công nghiệp hóa lan từ nước phát triển sang nước kém phát triển hơn là một quá trình tất yếu, và mỗi "ngôi sao" gặt hái được thành công sẽ trở nên giàu có nhanh hơn. Luôn có những ví dụ về điều này. Gần nhất, chẳng hạn như vào những năm 1980, Nhật Bản và châu Âu là động lực tăng trưởng chính của kinh tế toàn cầu. Đến những năm 1990, những “con hổ châu Á” (Hồng Kông, Singapore, Hàn Quốc, Đài Loan) và Trung Quốc thay thế và trở thành những động lực chính trong kinh tế toàn cầu. Những năm 2000 là thời cờ Trung Quốc và Ấn Độ.
Vậy đâu sẽ là "ngôi sao" tiếp theo khi Trung Quốc mất đà? Có lẽ là Ấn Độ, một đất nước với thị trường quốc nội rất lớn (1,3 tỷ dân và sẽ vượt Trung Quốc vào năm 2030), nguồn nhân lực dồi dào. Ấn Độ dường như đã và đang vượt qua sức ảnh hưởng từ sự suy thoái của Trung Quốc tốt hơn các nền kinh tế mới nổi khác. Nếu kinh tế Ấn Độ bắt đầu cất cánh cùng lúc Trung Quốc đáp xuống mặt đất, họ sẽ trở thành động lực mới cho sự phát triển của các nền kinh tế đang phát triển trong vòng hai thập kỷ tới.
Vì vậy trong dài hạn không có lý do gì phải thất vọng, quá lo lắng về câu chuyện tăng trưởng của các thị trường mới nổi vì chúng cũng giống như những “cơn sóng tăng trưởng”, hết đợt này rồi sẽ tới đợt khác.