Giá hàng hóa lao dốc và kinh tế Trung Quốc bị hạ triển vọng tăng trưởng là 2 yếu tố kích thích giới đầu tư toàn cầu bán tháo mạnh cổ phiếu trong phiên 22/9.
Bóng đèn Rạng Đông: Hấp dẫn vì mảnh đất "vàng"?
- Cập nhật : 18/09/2015
(Tin kinh te)
Sự xuất hiện đầy bất ngờ của nhóm cổ đông mới khiến giới đầu tư có phần tò mò liệu Công đoàn Rạng Đông đã thực sự từ bỏ kế hoạch gia tăng tỷ lệ sở hữu tại công ty hay còn kế hoạch nào khác?
Mới đây, SCIC đã hoàn tất việc bán ra toàn bộ 2,36 triệu cổ phiếu RALcủa CTCP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông (khoảng 20% vốn điều lệ).
Sẽ không có điều gì đáng phải bàn nếu như phía nhận chuyển nhượng là Công đoàn Rạng Đông- tổ chức nắm tới 40% cổ phần RAL và đã để ngỏ kế hoạch tiếp tục “gom” cổ phần khi SCIC thực hiện thoái vốn.
Tuy vậy, điều bất ngờ đã xảy ra khi 2 cổ đông hiện hữu của Rạng Đông là ông Lê Đình Hưng (sở hữu 3,09% cổ phần) và bà Lê Thị Kim Yến (sở hữu 0,76% cổ phần) bất ngờ trở thành đối tượng nhận chuyển nhượng cổ phần từ phía SCIC.
Sau khi nhận chuyển nhượng toàn bộ cổ phần từ SCIC, bà Yến và ông Hưng lần lượt vươn lên trở thành cổ đông lớn thứ 2 và thứ 3 của công ty, sau cổ đông lớn nhất là Công đoàn Rạng Đông.
Đáng chú ý, bà Yến và ông Hưng là 2 chị em ruột và tổng số cổ phần 2 cổ đông này sở hữu tại Rạng Đông lúc này đã chiếm tới 24,41%.
Để nhận chuyển nhượng 2,36 triệu cổ phiếu RAL từ SCIC, số tiền mà chị em bà Lê Thị Kim Yến bỏ ra là không hề nhỏ, hơn 114 tỷ đồng.
Sự xuất hiện đầy bất ngờ của nhóm cổ đông lớn này đã khiến giới đầu tư có phần tò mò liệu Công đoàn Rạng Đông đã thực sự từ bỏ kế hoạch gia tăng tỷ lệ sở hữu tại công ty hay đã “thua cuộc” khi cạnh tranh mua cổ phần với nhóm cổ đông Lê Thị Kim Yến hay bởi câu chuyện nào nào khác.
Hấp dẫn với cổ tức?
Cùng với Điện Quang, Rạng Đông là một trong 2 doanh nghiệp hàng đầu về sản xuất và cung ứng các sản phẩm, thiết bị chiếu sáng trong nước.
Trong năm 2014, doanh thu thuần Rạng Đông đạt 2.560 tỷ đồng, tăng 11,6% so với năm 2013, tuy nhiên LNST chỉ đạt xấp xỉ 66 tỷ đồng, giảm 23% so với kết quả năm 2013.
6 tháng đầu năm 2015, RAL tiếp tục ghi nhận doanh thu 1.440 tỷ đồng, LNST 27 tỷ đồng, ương ứng tăng trưởng 14,5% và 8% so với cùng kỳ năm trước.
Có thể thấy trong những năm gần đây, KQKD của Rạng Đông có tốc độ tăng trưởng khá ổn định, ngoại trừ lợi nhuận năm 2014 có phần sụt giảm do không còn khoảng phải thu từ CuBa.
Bên cạnh đó, một yếu tố hấp dẫn của Rạng Đông còn đến từ tỷ lệ cổ tức khá cao và đều đặn ở mức 30%- 35%/năm. Trong 8 tháng đầu năm 2015, Công đoàn Rạng Đông đã ghi nhận tới 15,85 tỷ đồng cổ tức từ công ty.
Với việc nhận cổ tức đều đặn hàng năm, Công đoàn Rạng Đông đã có một nguồn thu đều đặn, tương đối lớn, thưởng cho cán bộ công nhân viên công ty căn cứ vào đóng góp của họ, vào hoạt động của họ trong một năm. Đó là điều mà không phải doanh nghiệp nào cũng làm được.
Ẩn số từ lô đất “vàng”
Không chỉ có KQKD ổn định, yếu tố hấp dẫn của Rạng Đông còn đến từ chính trụ sở công ty. Hiện Rạng Đông đang sở hữu lô đất “vàng” 5,7ha tại 87-89 Hạ Đình- Hà Nội, ngay gần khu đắc địa “Cao- Xà- Lá” và Công ty Giầy Thượng Đình.
Trong những năm gần đây, chính phủ đã đẩy mạnh việc di dời nhà máy gây ô nhiễm ra khỏi nội thành Hà Nội và Quyết định 86/2010/QĐ-Ttg đã cho phép các tổ chức, cơ quan, cơ sở sản xuất kinh doanh được bán tài sản trên đất, chuyển quyền sử dụng đất hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng.
Trường hợp chủ đất không có chức năng kinh doanh phù hợp với yêu cầu của Luật Đất đai thì QĐ 86 cũng cho phép liên doanh với pháp nhân có chức năng và thành lập pháp nhân mới để chuyển đổi mục đích sử dụng.
Yếu tố quan trọng này đã khiến các doanh nghiệp sở hữu vị trí đắc địa tại Hà Nội nhận được sự quan tâm lớn từ giới đầu tư.
Có thể kể tới như trường hợp dệt Minh Khai khi phiên IPO hồi đầu năm đã diễn ra hết sức thành công. Cụ thể, 3 nhà đầu tư đã mua hết toàn bộ lượng cổ phần chào bán với mức giá gấp 7 lần khởi điểm. Một chi tiết quan trọng là Dệt Minh Khai đang sở hữu lô đất 3,8 ha tại mặt đường Minh Khai- Hà Nội.
Hay mới đây, một câu chuyện khác hết sức đáng chú ý khác là việc Vingroup cùng với Lixco hợp tác thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng khu đất 233 Nguyễn Trãi.
Trước đó, hàng loạt dự án, cao ốc đã mọc lên trên nền đất cũ của các nhà máy tại Hà Nội như Cơ khí Hà Nội -Royal City, CTCP dụng cụ cơ khí xuất khẩu (229 Tây Sơn) - Viet Tower/Parkson, Hanosimex và Dệt 8/3 - Times City...
Có thể thấy, sức hút từ các khu đất “vàng” lúc này rất lớn, nhất là trong bối cảnh các nhà máy đang phải di dời khỏi trung tâm Hà Nội.
Được biết, bên cạnh trụ sở cũng như cơ sở 1 tại Hạ Đình- Hà Nội, cơ sở 2 của Rạng Đông với diện tích 6,2 ha đã đi vào hoạt động từ vài năm nay tại KCN Quế Võ- Bắc Ninh.
Nhà máy của bóng đèn Rạng Đông nằm rất gần với nhiều nhà máy khác như Giày Thượng Đình, Cao su Sao Vàng, Thuốc lá Thăng Long
Theo Hoàng Anh
Trí thức trẻ, Vinanet