Sau khi tăng trưởng “nóng” giai đoạn 2014-2015, thị trường chứng khoán Trung Quốc đã bắt đầu quá trình sụt giảm từ giữa năm 2015.
TTCK Việt Nam là điểm sáng khi các thị trường mới nổi tiếp theo đang “chìm nhanh“
- Cập nhật : 12/09/2015
(Tin kinh te)
Trong khi Next 11 nói chung đang trượt dốc thảm hại với dòng vốn ngoại tháo chạy ồ ạt thì việc VN Index tăng 4,9% trong năm nay được xem là một điểm sáng.
Giờ này năm ngoái, có vẻ như các thị trường mới nổi tiếp theo (Next 11), theo lựa chọn của Goldman Sachs, lấp đầy khoảng trống để lại sau khi lợi nhuận đầu tư tại các nước mới nổi BRIC (Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc) đi xuống.
Giá cổ phiếu của 11 quốc gia mới nổi tiếp theo (Next 11) - bao gồm Philippines, Thổ Nhĩ Kỳ và Mexico - khi đó được giao dịch ở mức cao nhất trong lịch sử khi các nhà đầu tư nước ngoài đổ tiền vào các thị trường này. Dòng vốn đổ vào quỹ đầu tư cổ phiếu của Next 11 của Goldman Sachs tăng mạnh, khiến giá trị tài sản quỹ gấp đôi và bằng với quỹ đầu tư vào nhóm các nền kinh tế BRIC.
Tuy nhiên, năm nay, Next 11 thậm chí còn mang tới điều tồi tệ hơn cả các thị trường lớn mà 11 nước này được cho là sẽ thay thế. Chỉ số MSCI theo dõi cổ phiếu của Next 11 giảm 19% trong năm nay, so với mức 14% của các nước BRIC. Vốn nước ngoài đang tháo chạy, quỹ của Goldman Sachs giảm gần một nửa khi thua lỗ tới 11% kể từ khi ra đời cách đây 4 năm.
Trong các thị trường Next 11, các quỹ tập trung vào Hàn Quốc, Mexico có thiệt hại nặng nề nhất. Next 11 cũng bao gồm Indonesia, Nigeria, Bangladesh, Ai Cập, Pakistan và Việt Nam. Iran là một thành viên, nhưng quỹ của Goldman Sachs không đầu tư vào quốc gia này bởi lệnh cấm vận quốc tế.
Người đứng đầu bộ phận đầu tư thị trường mới nổi toàn cầu của UBS Group, Geoffrey Dennis, cho rằng có quá nhiều yếu tố tiêu cực. "Chẳng thị trường mới nổi nào có thể chống lại các yếu tố tiêu cực này, dù là Next 11 hay BRIC. Khủng hoảng dính chặt lấy tất cả".
Cổ phiếu của các nước Next 11 biến động do ảnh hưởng của kinh tế suy giảm ở Trung Quốc và dự báo Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tăng lãi suất ngay trong tháng này. Tăng trưởng yếu hơn ở Trung Quốc tác động tới nhu cầu đối với hàng hóa xuất khẩu của Hàn Quốc và Bangladesh, cùng với hàng hóa sản xuất tại Mexico, Indonesia và Nigeria.
Các thị trường mà dòng vốn ngoại đóng một vai trò quan trọng trong thúc đẩy tâm lý nhà đầu tư như Thổ Nhĩ Kỳ và Philippines cũng giảm mạnh do lo ngại các nhà quản lý quỹ quốc tế sẽ bị thu hút bởi các tài sản bằng USD khi Fed nâng lãi suất.
Tuy nhiên, vẫn có một số điểm sáng. Chỉ số VN-Index của Việt Nam đã tăng 4,9% trong năm nay, nhờ xuất khẩu tăng và việc chính phủ thúc đẩy để trở thành một trung tâm sản xuất chế tạo ở châu Á. Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam cũng tăng lên 6,4% trong quý II, từ mức 6,1% trong quý trước đó.
Nếu tính dài hơn, chỉ số MSCI Next 11, được tính theo tỷ trọng GDP không bao gồm Iran, tăng 61% (bao gồm cả cổ tức) từ cuối năm 2005, khi cựu chuyên gia kinh tế Jim O'Neill lần đầu gọi tên nhóm này. Mức tăng này vượt xa 46% lợi nhuận của chỉ số MSCI các thị trường mới nổi dù thấp hơn mức 94% của chỉ số Standard & Poor's 500.
Việc chỉ số này lao dốc thảm hại trong năm qua cho thấy dân số trẻ và tầng lớp trung lưu mới nổi - đặc điểm đầu tiên khiến Goldman Sachs để mắt tới các nền kinh tế Next 11 ở một thập kỷ trước - đã thất bại trong việc bảo vệ lợi nhuận từ thị trường chứng khoán khi đối mặt với lãi suất tăng cao ở Mỹ, giá hàng hóa biến động và kinh tế Trung Quốc đi xuống. Theo John-Paul Smith, một trong số hiếm hoi các chiến lược gia dự đoán chính xác những tổn thất tại các thị trường mới nổi, điều này cho thấy những rủi ro khi nhóm quá nhiều quốc gia khác biệt vào một rổ để đầu tư.
Khi những tác động của bùng nổ kinh tế chưa từng có ở Trung Quốc và 3 thập kỷ lãi suất giảm tại Mỹ mất đi, việc các nước kém phát triển hơn sẽ mang lại lợi nhuận đầu tư lớn hơn sẽ không còn nữa, Jen - chuyên gia kinh tế tại IMF nhận định. Theo ông này, quá nhiều tiền đầu tư dài hạn vào các nước này chỉ dựa vào logic đơn giản là tăng trưởng dân số sẽ khiến các nước nghèo phải làm thế nào đó để trở nên giàu hơn. "Tuy nhiên, có rất nhiều nước nghèo và vẫn cứ nghèo".
Tác động của Next 11 tới kinh tế thế giới vẫn ở mức khiêm tốn. Với tổng GDP của các nước cộng lại là 6.500 tỷ USD, chiếm khoảng 8% toàn cầu năm ngoái, tăng từ mức 7% của một thập kỷ trước đó, theo Bloomberg. Trong khi các nước BRIC đã tăng gấp đôi lên chiếm 21% kinh tế toàn cầu trong cùng kỳ.
Bất chấp việc sụt giảm trong năm nay, lợi nhuận của quỹ Next 11 kể từ khi bắt đầu hoạt động năm 2011 cũng vẫn sẽ vượt qua chỉ số MSCI các thị trường mới nổi, mất 16% trong cùng giai đoạn, Giám đốc điều hành Goldman Sachs Asset Management - Katie Koch cho biết.
Theo Bloomberg, VinaNet