tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Hai câu chuyện đối lập giữa TTCK Trung Quốc và các thị trường mới nổi

  • Cập nhật : 25/05/2018

Trong lúc các thị trường mới nổi đối mặt với hàng loạt lời cảnh báo về những rủi ro sắp tới thì thị trường lớn nhất trong số này – Trung Quốc – hầu như chẳng phải đối mặt với lời cảnh báo nào cả.

Tại sao bạn lại phải lo lắng về Trung Quốc? Thị trường chứng khoán ở Thượng Hải đang tăng điểm trong tháng 5/2018, đồng Nhân dân tệ thì ở mức đỉnh 2 năm so với các đồng tiền chủ chốt khác và giá trái phiếu Trung Quốc thì lại cao hơn trái phiếu Chính phủ Mỹ. Bức tranh lạc quan cũng được thể hiện ở các tài sản khác, trong đó nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng ổn định và nhu cầu nội địa tiếp tục hỗ trợ hoạt động nhập khẩu – bao gồm cả nhập khẩu từ các thị trường mới nổi.

Dù vậy, Trung Quốc vẫn không miễn nhiễm hoàn toàn với một sự kiện đang gây kinh hãi cho nhà đầu tư từ khu vực Buenos Aires cho tới Ankara: Quá trình thắt chặt chính sách tiền tệ. Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) đang tiếp bước theo động thái của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) – mặc dù với nhịp độ chậm hơn – với các đợt nâng lãi suất; chiến dịch giảm đòn bẫy lại là một hình thức thắt chặt khác – động thái có khả năng tác động tiêu cực tới tăng trưởng và dẫn tới nhiều công ty vỡ nợ. Đáng chú ý nhất là diễn biến khó lường trong mối quan hệ thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ, vốn đang tạo ra một nguy cơ đối với hoạt động xuất khẩu và niềm tin kinh tế.

“Thị trường tài chính Trung Quốc đang hưởng lợi từ các yếu tố cơ bản vững mạnh và họ không nhạy cảm với mức độ biến động trên toàn cầu”, Shen Jianguang, Trưởng Bộ phận Kinh tế châu Á tại Mizuho Securities ở Hồng Kông, cho hay. “Rủi ro lớn nhất tới thị trường chính là cuộc chiến thương mại – tôi không nghĩ vấn đề sẽ được giải quyết một cách đơn giản”.

Trung Quốc ít bị tác động bởi các yếu tố bên ngoài một phần là nhờ các biện pháp kiểm soát vốn – vốn được đưa ra để kìm hãm dòng vốn chảy ra khỏi quốc gia này trong năm 2015 và 2016. Nhà đầu tư vào thị trường chứng khoán Trung Quốc – lớn thứ hai trên thế giới – bị buộc phải sử dụng các kênh bị kiểm soát chặt chẽ thông qua sàn Hồng Kông hoặc bị giới hạn bởi hạn ngạch mua cổ phiếu do Chính phủ Trung Quốc lập ra. Đồng Nhân dân tệ thì được gắn liền với mức tham chiếu hàng ngày do chính PBoC thiết lập ra.

Nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới này cũng là một “người” tiêu dùng tham lam về mọi thứ từ thiết bị bán dẫn cho tới đậu nành, và còn là khách hàng quan trọng của các thị trường mới nổi.

Năm ngoái, Trung Quốc nhập khẩu 13.1% hàng hóa từ các nền kinh tế mới nổi, chỉ thấp hơn mức 13.8% lượng hàng hóa xuất khẩu tới Mỹ. Hiện Trung Quốc có thâm hụt thương mại với các quốc gia bao gồm Hàn Quốc, Brazil và Malaysia. Ngoài ra, sáng kiến Vành đai và Con đường của Chủ tịch nước Trung Quốc, Tập Cận Bình, là một dự án phát triển và thương mại trị giá 500 tỷ USD với việc chi tiêu trải rộng ra hơn 70 nền kinh tế, bao gồm Nam Phi, Nga, Ai Cập và Indonesia.

“Mức tăng trưởng ổn định và thị trường của Trung Quốc đang hưởng lợi từ các thị trường mới nổi”, Ken Peng, Chiến lược gia đầu tư tại Citi Private Bank ở Hồng Kông, cho biết.

Tuy nhiên, cũng như nhiều chuyên gia khác, ông Peng nhận thấy một chướng ngại vật sắp tới: Khả năng Fed nâng lãi suất vào tháng 6/2018 là gần như chắc chắn, và họ sẽ tiếp tục thắt chặt thêm.

Dấu chấm hết của kỷ nguyên lãi suất thấp ở nền kinh tế lớn nhất trên thế giới sẽ làm gia tăng chi phí đi vay trên toàn cầu và hỗ trợ cho đồng USD, qua đó cũng làm tăng dòng vốn chảy ra khỏi Trung Quốc để tìm kiếm tài sản có lợi suất cao hơn. Bên cạnh đợt nâng lãi suất khẩn cấp của Argentina và Thổ Nhĩ Kỳ, Ngân hàng Trung ương Indonesia đang can thiệp vào thị trường để hỗ trợ đồng nội tệ Rupiah. Dự trữ ngoại hối của Ấn Độ và Philippines cũng suy giảm.

“Không phải là Trung Quốc đã giải quyết mọi thứ, nhưng vấn đề chính hiện này xuất phát từ Mỹ”, ông Arnab Das, Trưởng Bộ phận Vĩ mô thị trường mới nổi tại Invesco ở Luân Đôn, cho hay. Dẫu vậy, “Trung Quốc luôn là quốc gia rất quan trọng cần phải theo dõi vì chúng ta có một nền kinh tế rất lớn đang nhanh chóng phát triển và thay đổi không ngừng”.

 

Theo Vũ Hạo (Theo Bloomberg) - Vietstock.vn

Trở về

Bài cùng chuyên mục