Nguồn cung căn hộ dồi dào, đa dạng trong khi thanh khoản thị trường giảm sút dẫn đến cuộc đua “hút” khách hàng trở nên khốc liệt. Khuyến mãi lớn liên tục diễn ra ở các dự án mở bán mới, thậm chí thị trường thứ cấp bắt đầu có hiện tượng cắt lỗ.
Người mua nhà "khóc, cười" với quy định chung cư phải có 3 tầng hầm
- Cập nhật : 20/05/2016
(Bat dong san)
Nếu bắt buộc xây 3 tầng hầm thì chi phí xây dựng bị đẩy cao, giá nhà cũng vì thế mà bị đẩy thêm 1-2 giá. Khi đó, không ai khác chính người mua nhà sẽ phải trả phần chi phí đội lên này trong giá mua căn hộ của mình.
Hiện nay, chỗ để xe ô tô đang là vấn đề nhức nhối của hàng trăm chung cư tại Hà Nội. Điển hình như dãy chung cư 45 tầng khu đô thị Kim Văn Kim Lũ chỉ có một tầng hầm, riêng chỗ đỗ xe máy đã không đủ, chỗ đỗ xe ô tô là chuyện rất xa xỉ. Tình trạng thiếu chỗ đỗ xe ô tô luôn là vấn đề bức bối tại đây.
Ngay cả khu đô thị Linh Đàm, dù có hai bãi đỗ xe với sức chứa gần 200 xe nhưng nhà nào có xe ô tô thì "xe nhà ai nhà đó gửi", lý do chung quy cũng chỉ tại quỹ đất xây bãi để xe thì hầu như không có.
Tại khu đô thị mới Trung Hòa Nhân Chính, sau thời gian dài sử dụng, tình trạng thiếu chỗ đỗ xe ngày càng trầm trọng, gây bức xúc cho người dân. Trong quá trình thiết kế và xây dựng, do không tính được nhu cầu của người dân nên hầu hết đều không có tầng hầm để xe ôtô, hoặc có thì cũng chỉ đáp ứng được phần rất nhỏ.
Rõ ràng, vấn đề chỗ đỗ xe ô tô cần phải đặt ra khi đầu tư một dự án chung cư cao tầng do nhu cầu sử dụng xe ngày càng tăng, tránh tình trạng quá tải về hạ tầng đỗ xe trong tương lai gần. Đây cũng chính là lý do mà mới đây, Hà Nội đã có quy định yêu cầu nhà cao tầng, chung cư, trung tâm thương mại phải xây dựng tối thiếu 3 tầng hầm.
Tuy nhiên, sau khi quy định này ra đời đã gặp phải những ý kiến phản ánh từ các chuyên gia, doanh nghiệp BĐS và chính những người mua nhà. Đa số đều cho rằng, chủ trương của quy định là đúng nhưng Hà Nội cần phải phân khu vực, phân khúc nhà ở cho phù hợp, tránh tình trạng lãng phí không cần thiết.
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này chị Xuân Thu, cư dân chung cư Golden Palace cho rằng: "Đây là quy định vô cùng đúng đắn của thành phố. Chung cư của chúng tôi may mắn có 4 tầng hầm vì thế mà không gian đỗ xe vô cùng thoáng rộng. Mỗi hộ cư dân được dành riêng 1 chỗ để ô tô, chính vì thế chúng tôi không phải khổ sở về vấn đề gửi xe như những chung cư khác".
Không được may mắn như chị Thu, anh Mạnh một cư dân tại chung cư Đại Thanh cho biết: "Chỗ để xe tại khu chung cư của chúng tôi là vấn đề cư dân cảm thấy bức bách nhất. Ngay cả để xe máy còn thấy chật chội, đừng nói gì đến kiếm một chỗ đậu ô tô. Tôi ủng hộ quy định này của thành phố Hà Nội".
Đứng ở góc độ một người đang có nhu cầu mua nhà, anh Đại Dương bày tỏ lo lắng: "Đường lối chủ trương của thành phố là đúng. Tuy nhiên, thành phố cần cụ thể hóa quy định, tránh đánh đồng áp dụng đại trà. Đối với những dự án nhà cho người thu nhập thấp thì không phù hợp bởi tại những khu chung cư này, không cần thiết có mỗi hộ gia đình đều có một chỗ đậu ô tô".
"Nếu bắt buộc xây 3 tầng hầm thì chi phí xây dựng bị đẩy cao, giá nhà cũng vì thế mà bị đẩy thêm 1-2 giá. Khi đó, không ai khác chính người mua nhà sẽ phải trả phần chi phí đội lên này trong giá mua căn hộ của mình. Điều này sẽ gây khó khăn cho người thu nhập thấp trong quá trình tìm một chốn an cư", anh Dương cho hay.
Trong khi người mua nhà đang dở khóc dở cười với quy định mới này thì đa phần các doanh nghiệp BĐS cũng cho rằng quy định này chưa phù hợp và thiếu thực tế. Chủ trương là đúng nhưng Hà Nội cần phải phân khu vực, phân khúc nhà ở cho phù hợp, tránh tình trạng lãng phí không cần thiết.
Trước những vấn đề phát sinh với quy định bắt buộc nhà cao tầng phải có 3 tầng hầm, mới đây Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Hùng đã có văn bản hỏa tốc gửi các sở ngành xung quanh quy định trong thiết kế và xây dựng tối thiểu có 3 tầng hầm.
Văn bản nêu rõ, để triển khai chỉ đạo của Thành ủy, từng bước cải thiện nâng cao điều kiện hạ tầng kỹ thuật, đáp ứng nhu cầu ngày một cao của Thủ đô về chất lượng sống đô thị, giao thông vận tải, thành phố giao Sở QH-KT chủ trì với các sở ngành nghiên cứu đề xuất các biện pháp, chính sách để cụ thể hóa nội dung chỉ đạo của Thành ủy như: thẩm quyền, hình thức ban hành chính sách, phân loại theo quy mô đầu tư (nhà thương mại, nhà xã hội, công trình công cộng…, theo không gian áp dụng-nội thành, ngoại thành…).
Như vậy, Hà Nội cũng đã phát đi thông điệp sẽ có những chỉ đạo cụ thể, chi tiết đối với từng phân khúc nhà ở cũng như từng vị trí.