Hàng loạt ngôi nhà liền kề trị giá hàng tỷ đồng bị bỏ hoang phế, rêu mốc là những gì đang diễn ra tại khu đô thị Văn Phú (Hà Đông).
Bất động sản Trung Quốc đang nóng trở lại, nhưng theo cách rất nguy hiểm
- Cập nhật : 16/03/2016
(Tin kinh te)
Trong khi giá nhà ở các thành phố lớn của Trung Quốc đang lên cơn sốt, thị trường bất động sản ở các thành phố nhỏ lại rơi vào cảnh không ai mua.
Ở Bắc Kinh, muốn đến trường phải có nhà
Vào năm 2014, chính quyền thành phố Bắc Kinh đã đưa ra một chính sách mới: việc tuyển sinh ở bậc tiểu học sẽ được dựa trên hộ khẩu thường trú của học sinh thay vì kết quả thi đầu vào. Kể từ đó, các bậc phụ huynh Trung Quốc, những người không tiếc tiền cho việc giáo dục con em mình, đã đổ xô mua các bất động sản gần những trường học hàng đầu của thành phố.
Peter Zeng, 36 tuổi, đang chuẩn bị cho con gái 5 tuổi của mình vào tiểu học. Vào tháng 9 năm ngoái, Zeng đã chi gần 3,95 triệu nhân dân tệ (610.000 USD) để mua một căn hộ rộng 46 m2 ở quận Zhongguancun, nơi có trường tiểu học số 3, một trong những ngôi trường tốt nhất Bắc Kinh.
Zeng cho biết gia đình anh hiện đang sống ở một căn hộ ba phòng ngủ khác trong thành phố và không có ý định chuyển đi. Anh mua căn hộ mới chỉ để con gái mình được nhận vào ngôi trường nổi tiếng trên. “Chúng tôi sẽ không tới sống ở đó vì căn hộ một phòng ngủ này quá bé”, Zeng nói. “Tôi đang có ý định cho thuê căn hộ này, và sau đó đi vay thế chấp để tiếp tục đầu tư bất động sản”.
Tiền đang đổ vào các thành phố lớn
Cho đến giờ, chiến lược đầu tư của Zeng vào các bất động sản ở Bắc Kinh đã có lãi. Giá nhà ở bình quân của Trung Quốc đã tăng gấp ba từ năm 2003 đến giữa năm 2008, nhưng hạ nhiệt trong nửa năm cuối của năm 2008 do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Sau đó vào ngày 9/11/2008, chính phủ Trung Quốc đã tuyên bố triển khai gói kích thích kinh tế trị giá 4 nghìn tỷ nhân dân tệ (586 tỷ USD). Động thái này đã làm thổi bùng một cơn sốt nhà ở khác mà lên đến đỉnh điểm vào năm 2013 trước khi chính phủ tiến hành một loạt các biện pháp để hạ nhiệt thị trường.
Vào năm 2009, đoán trước giá nhà ở Bắc Kinh sẽ tiếp tục tăng, Zeng đã mua một căn hộ hai phòng ngủ ở quận Shuangjing với giá 1,8 triệu nhân dân tệ (280.000 USD). Sau đó, anh bán căn hộ trên với giá 4,05 triệu nhân dân tệ (620.000 USD) và dùng số tiền này để mua căn hộ ở khu vực có trường tiểu học anh đăng ký cho con gái.
“Với bất động sản này, tôi có thể vay 3 triệu nhân dân tệ (460.000 USD) từ ngân hàng với lãi suất chỉ ở 4,9%. Mức lãi suất này quả là một món hời”, anh nói.
Tái hiện năm 2009
Zeng cho biết cơn sốt nhà ở hiện nay làm anh nhớ lại hồi năm 2009. “Thị trường nhà ở đang lên cơn sốt như khi đó”, anh nhớ lại. “Người mua không có cơ hội mặc cả. Nếu anh không mua ngay thì chỉ hôm sau thôi sẽ có người mua mất”.
Giá nhà ở các thành phố lớn khác của Trung Quốc cũng tăng vọt trong năm ngoái. Thâm Quyến hiện đứng đầu cả nước với mức tăng 52,7%, mức tăng nhanh nhất kể từ năm 2011. Thượng Hải tăng 21,4% trong khi Bắc Kinh tăng 11,3%.
Các chuyên gia cho rằng dòng vốn tháo chạy khỏi thị trường chứng khoán Trung Quốc đang thổi bùng cơn sốt đầu tư vào bất động sản. Trong bối cảnh chứng khoán Trung Quốc lao dốc và lợi tức trái phiếu ở mức thấp kỷ lục, nhà đầu tư không còn nơi nào khác ngoài bất động sản.
“Rất nhiều người thua lỗ nặng trên thị trường chứng khoán Trung Quốc trong năm ngoái. Vậy nên họ đang quay lại với bất động sản”, David Ji, trưởng bộ phận nghiên cứu và tư vấn về thị trường Trung Quốc của Knight Frank cho biết.
Ji cho biết sự trở lại này được thúc đẩy nhờ việc nới lỏng quy định Hạn chế Mua Nhà trên cả nước kể từ năm 2014, cùng với gói kích thích tiền tệ từ Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) nhằm thúc đẩy tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này.
PBOC đã cắt lãi suất cho vay tham chiếu năm lần kể từ năm 2015 xuống mức 4,35% hiện tại. Trong khi đó, tỷ lệ dự trữ bắt buộc của các ngân hàng đã được giảm sáu lần, với đợt điều chỉnh mới nhất là 0,5% vào ngày 29/2, giảm xuống 17%.
Long Nam
Theo Trí thức trẻ/CNBC