Một số công ty bất động sản đang rục rịch tìm vốn ngoại trước khi Thông tư 36 sửa đổi có hiệu lực khiến nguồn tín dụng cho bất động sản không còn dồi dào.
Sông Đà Thăng Long đã tìm được "đũa thần" trục vớt Usilk City
- Cập nhật : 21/03/2016
(Bat dong san)
Suốt 8 năm qua, Sông Đà Thăng Long "sa lầy" tại đại dự án Usilk City. Chủ đầu tư đã hứa thật nhiều và cũng thất hứa thật nhiều khiến khách hàng không còn niềm tin tại dự án này.
Nhắc tới đại dự án Usilk City (khu đô thị Văn Khê, Hà Đông, Hà Nội) là nhắc tới nỗi đau dai dẳng kéo dài nhiều năm của Công ty Sông Đà Thăng Long (STL). Sau những mập mờ về giá, khuyến mãi hão và thất hứa về tiến độ, mới đây thành phố Hà Nội yêu cầu thanh tra toàn diện tại dự án này.
Trong lúc dự án dường như không có lối thoát thì ông Hứa Vĩnh Cường - Phó Tổng Giám đốc Công ty SĐTL cũng từng úp mở trên báo chí về sự tham gia của một đối tác thứ 2 sẽ cùng STL trục vớt Usilk City.
“Công ty SĐTL xác định bắt buộc tiếp tục xây dựng và hoàn thiện cho khách hàng chứ không có buông xuôi. Thời gian dự kiến theo từng cụm đã có báo cáo cụ thể, sớm nhất là quý I năm 2018 và muộn nhất là vào quý I năm 2019. Còn hiện tại nhiều công trường không thi công là do nhà thầu đang bảo toàn các hiện trường để bàn giao cho đối tác”, ông Cường cho biết.
Như minh chứng cho nỗ lực "trục vớt" đại dự án Usilk City, mới đây ngày 19/3/2016, Công ty cổ phần Sông Đà Thăng Long tổ chức Hội nghị khách hàng tòa CT1 - 104 Dự án Usilk City với mong muốn, nguyện vọng tìm lối đi, giải pháp tốt nhất để đưa dự án Usilk City, đặc biệt tòa nhà CT1 - 104 về đích.
Tại hội nghị, Công ty cổ phần Đầu tư Hải Phát được mời với vai trò là nhà đầu tư dự kiến nhận chuyển nhượng dự án CT1 - 104, trên cơ sở là đối tác hợp tác chiến lược toàn diện với Công ty cổ phần Sông Đà Thăng long.
Phát biểu tại buổi làm việc cùng khách hàng tòa CT1 -104, ông Đỗ Quý Hải - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư Hải Phát cho biết, nếu việc chuyển nhượng thành công và được sự thống nhất từ tất cả khách hàng thì Hải Phát cam kết hoàn thành dự án CT1 – 104 trong vòng 25 tháng.
Không chỉ nhận chuyển nhượng 2 tòa CT2-105 và CT1-104, trên thị trường có nhiều lời đồn đoán rằng trong thời gian tới Hải Phát sẽ tiếp tục nhận chuyển nhượng ở những tòa còn lại của Usilk City khi mới đây Phó Tổng Giám đốc Công ty SĐTL tiết lộ:
"Cuối năm 2015, STL đã chuyển nhượng toà CT2 - 105 Usilk City cho Công ty cổ phần đầu tư Hải Phát Thủ đô. Các toà còn lại, Công ty STL cũng đã ký hợp đồng hợp tác toàn diện với Công ty Hải Phát để tiếp tục thi công dự án", ông Cường cho biết.
Nhiều người cho rằng, bước chân của Hải Phát vào Usilk City là một nước cờ mạo hiểm. Tuy nhiên, theo ông Đỗ Quý Hải - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư Hải Phát: "Việc mạo hiểm bước chân vào tái khởi động Usilk là một hành động cho đi theo đúng triết lý “Cho đi là Nhận lại” của Hải Phát".
Với những động thái này, đã le lói hy vọng về khả năng tái khởi động tòa nhà tiếp theo của Usilk City. Tuy nhiên, liệu tất cả khách hàng có đồng ý với các phương án tiếp theo của Hải Phát và Sông Đà Thăng Long để "trục vớt" CT1 - 104 thì vẫn còn phải chờ.
Trước đó, vào cuối năm ngoái, Sông Đà Thăng Long đã chuyển nhượng tòa nhà CT2 – 105 cho Hải Phát. Tòa nhà cao 50 tầng và có hơn 750 căn hộ. Hiện tại, đây gần như là tòa nhà duy nhất đang được tiếp tục tái triển khai xây dựng với tiến độ trung bình 6 ngày/sàn. Tòa nhà đã xây đến tầng 14 và theo tiến độ này, sẽ cất nóc cuối năm nay.
Được khởi công xây dựng từ quý II/2008, Usilk City – Khu đô thị Văn Khê mở rộng là một tổ hợp nhà ở gồm 13 tòa nhà cao tầng hiện đại từ 25 đến 50 tầng với hơn 2.700 căn hộ được xây dựng khu đất 9,2 ha, thuộc phường La Khê, quận Hà Đông.
Dự án có tổng mức đầu tư 10.000 tỷ đồng do Công ty cổ phần Sông Đà Thăng Long làm chủ đầu tư và được kỳ vọng là một trong những dự án làm thay đổi bộ mặt Hà Nội sau ngày mở rộng địa giới hành chính.
Chủ đầu tư đã bán hàng nghìn căn hộ và thu hàng nghìn tỷ đồng tiền ứng trước của khách hàng nhưng sau đó không triển khai được vì nợ ngân hàng và đầu tư dàn trải. Đến thời điểm hiện tại, dự án Usilk City đã ngừng trệ, bế tắc và chậm tiến độ gần 4 năm.