tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Chủ tịch Đặng Văn Thành: "Phải yêu mới có tư duy đột phá"

  • Cập nhật : 16/07/2016

“Trước khi làm gì, phải dành thời gian nghiên cứu, sau khi thẩm thấu kiến thức, bắt đầu yêu và từ yêu mới có tư duy đột phá, sau đó mới có thể chia lửa cho nông dân, truyền tải cho họ những kiến thức mình có”, ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch Tập đoàn Thành Thành Công nói.

Khởi nghiệp từ lĩnh vực mía đường, nhưng tên tuổi Đặng Văn Thành lại gắn liền với lĩnh vực tài chính, ngân hàng và thương hiệu “Sacombank”. Nhưng biến cố bất ngờ năm 2012 đã buộc ông phải chia tay Sacombank và trở lại lĩnh vực cùng vợ khởi nghiệp khi xưa, đó là mía đường.

Trải qua nhiều biến động với ngân hàng và bất động sản, cuối cùng, lĩnh vực thành công nhất của gia đình ông Thành vẫn là mía đường. Đầu tư vào hàng chục doanh nghiệp lớn nhỏ, Thành Thành Công đã tạo dựng được vị thế rất đáng nể trong ngành đường.

Phải tự cứu mình trước

Nông nghiệp vốn là lĩnh vực kinh doanh nhiều rủi ro, nhưng điều này có lẽ không đúng lắm với ông thì phải. Bí quyết của ông là gì?

Xác định vai trò then chốt của người nông dân trong chuỗi giá trị ngành, chúng tôi luôn tập trung các nguồn lực nhằm tối đa hóa lợi nhuận cho người nông dân.

ong dang van thanh, chu tich hdqt tap doan thanh thanh cong

Ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thành Thành Công

Phương châm “Nông dân có lời – Nhà máy có lãi” là tiêu chí hàng đầu hiện nay của các doanh nghiệp mía đường của Tập đoàn.

Có lẽ đầu tư vào nông nghiệp cũng cần phải có phương thức quản trị nữa?

Thành công trong bất lĩnh vực nào cũng phải bắt nguồn từ hiệu quả của công tác quản trị điều hành, tạo nền tảng minh bạch và chuyên nghiệp hóa các hoạt động. Đó cũng là định hướng của Thành Thành Công trong hơn 36 năm đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.

Đang từ kinh doanh trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, làm sao để ông có thể “yêu” được công việc làm nông như vậy?

Trước khi làm gì, mình phải dành thời gian nghiên cứu, sau khi các kiến thức được thẩm thấu, mình bắt đầu yêu và từ yêu mới có tư duy đột phá, sau đó đem chia lửa cho nông dân, truyền tải cho họ những kiến thức mình có.

Nhiều người làm mía đường than khó và khổ, nhưng Việt Nam vẫn là quốc gia nông nghiệp và tư duy làm nông nghiệp của mình chưa đột phá. Nông dân chậm thay đổi, doanh nghiệp thì hay than.

Chẳng hạn, nông dân khi đốn mía, họ thường để lại phần gốc. Thu hoạch xong, họ chưa chở thẳng mía vào nhà máy mà cứ để ngoài đồng. Rồi khi chở mía, họ cũng không phủ bạt cho khỏi mưa nắng. Làm như thế chất lượng đường sẽ không cao. Hay như các doanh nghiệp thường xuyên than thiếu nguyên liệu, đầu ra thì phải cạnh tranh với đường ngoại nhập, đặc biệt là nhập lậu… Phải tự cứu mình trước.

Kinh nghiệm 20 năm làm ngân hàng của ông có hỗ trợ gì trong việc “làm nông” của ông?

Có chứ, trong sản xuất, tôi đưa các phương pháp quản trị mà đã tích lũy trong 20 năm làm ngân hàng vào áp dụng ở tất cả các công đoạn, từ sản xuất dây, mua hàng, vật tư…

Trong kinh doanh, điều quan trọng nhất là tư duy quản trị. Làm ngân hàng hay làm gì cũng thế, người quản trị phải có khả năng lắp ghép các bộ phận riêng rẽ thành một guồng máy hoàn chỉnh, đến lúc đó mọi thứ sẽ tự động chạy.

Lợi nhuận của doanh nghiệp và lợi ích của người nông dân thường mâu thuẫn nhau. Ông hài hoà hai tiêu chí này bằng cách nào?

Cây mía là một trong những cây trồng chủ lực của tỉnh Tây Ninh với tổng diện tích canh tác gần 19.000 ha. Để bà con nông dân gắn bó với cây mía, chúng tôi đã tăng cường hỗ trợ người dân sản xuất thông qua các chính sách bao tiêu sản phẩm, chuyển giao công nghệ - kỹ thuật, tài trợ cây giống, phân bón, trang thiết bị…

Cùng với đó, là việc triển khai công nghệ thông tin trong quản lý vận hành sẽ góp phần gia tăng năng suất, chất lượng mía, đảm bảo nguyên liệu, ổn định thu nhập để bà con nông dân gắn bó lâu dài với cây mía, đáp ứng mục tiêu tăng trưởng bền vững của ngành đường.

Mua bán sáp nhập để tận dụng thế mạnh

Thời gian qua, làn sóng đầu tư vào nông nghiệp của các doanh nghiệp Việt quá mạnh mẽ. Tại sao vậy?

Hiện Việt Nam đang hướng dần đến việc thực hiện các Hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương. Lộ trình này mở ra cơ hội lớn cho cộng đồng doanh nghiệp nội địa thâm nhập các thị trường xuất khẩu tiềm năng, đặc biệt đối với lĩnh vực hàng tiêu dùng, và nông sản.

Cú hích này tạo sự khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, xây dựng chuỗi giá trị nông nghiệp và liên kết với nông dân để hướng tới các giá trị gia tăng tối ưu. Trong quá trình này, các doanh nghiệp cần phải ứng dụng khoa học công nghệ, nghiên cứu giống cây trồng phù hợp, áp dụng cơ giới hóa.

cau chuyen cua ong thanh bay gio la mia duong va nhung con bo

Câu chuyện của ông Thành bây giờ là mía đường và những con bò

Hiện nay, các doanh nghiệp trong nước đã và đang tăng cường liên kết hợp tác, phát triển nông nghiệp cao nghệ cao theo chuỗi khép kín, bao gồm nghiên cứu – sản xuất – chế biến – phân phối.

Xu hướng này đòi hỏi nguồn vốn đầu tư lớn và quy trình quản lý điều hành bài bản, minh bạch để đảm bảo quyền và lợi ích của người sản xuất, nhà phân phối, người tiêu dùng, cũng như cung cấp sản phẩm đáp ứng các tiêu chí của thị trường tiềm năng cao cấp.

Tại sao ông lại chọn hình thức mua bán sáp nhập để mở rộng đầu tư vào lĩnh vực mía đường?

Mua bán, sáp nhập là để tận dụng thế mạnh, cạnh tranh tốt hơn khi đối mặt với thách thức từ hội nhập theo lộ trình AFTA, WTO…

Thông qua sáp nhập hợp nhất, giờ đây Thành Thành Công đang nắm trong tay doanh nghiệp duy nhất sở hữu nhà máy đường luyện công nghệ Nhật Bản (BHS); sở hữu Trung tâm nghiên cứu ứng dụng mía đường Thành Thành Công với hàng loạt tên tuổi các chuyên gia trong ngành như GS.TS. Võ Tòng Xuân…; sở hữu hệ thống doanh nghiệp đang dẫn đầu về quy mô sản xuất mía đường, chiếm hơn 20% thị phần cả nước với 1 công ty thương mại, 5 công ty mía đường với 7 nhà máy…

“Thực phẩm sạch” là cụm từ được nhắc nhiều khi nhiều đại gia tên tuổi nhảy vào lĩnh vực nông nghiệp. Với công ty của ông thì sao?

Cũng không ngoại lệ. Mục tiêu tiên quyết của công ty khi đầu tư vào nông nghiệp là cung cấp sản phẩm chất lượng, vì sức khỏe cộng đồng với giá thành cạnh tranh đến tận tay người tiêu dùng; được hiện thực hóa bằng giải pháp 3F: Farm – Factory – Food (Nông trại - Nhà máy - Thực phẩm)

Bước đầu chúng tôi tạo được mối liên kết chặt chẽ với hơn 10.000 hộ nông dân tại các địa bàn trú đóng để hướng tới mục tiêu phát triển bền vững diện tích vùng nguyên liệu. Từ đó, Thành Thành Công triển khai mô hình cánh đồng lớn tại Biên Hòa, Tây Ninh và các địa phương khác nhằm chủ động nguồn nguyên liệu, tiết giảm chi phí sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Việc áp dụng hệ thống phòng vệ thực phẩm trong nhà máy và tiêu chí sản xuất theo chuẩn quốc tế đã góp phần củng cố chất lượng đường của công ty.


Trần Giang
Theo Dân Việt

Trở về

Bài cùng chuyên mục