Không chỉ chơi siêu xe, nhiều đại gia Việt còn sẵn sàng chi hàng triệu USD để sở hữu những chiếc máy bay riêng phục vụ cho công việc của mình.
Trần Viết Âu, Giám đốc Công ty Công nghệ Toàn Cầu: “Buôn có bạn, bán có phường”
- Cập nhật : 23/07/2016
“Buôn có bạn, bán có phường” là triết lý kinh doanh của doanh nhân Trần Viết Âu định vị cho Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển công nghệ Toàn Cầu.
Mê máy tính từ khi lên 8 tuổi
Ít có câu chuyện của doanh nhân nào lại mang nặng hình bóng người cha như của Trần Viết Âu. Anh kể, đam mê với công nghệ thông tin nảy sinh trong anh từ năm 1991, khi cha anh còn là giáo viên ở một huyện của tỉnh Quảng Nam. Lúc ấy, trường của cha anh được Đại học Sư phạm Huế tặng 5 bộ máy vi tính để bàn cũ và đây cũng là lần đầu tiên Âu được tiếp cận sản phẩm công nghệ này.
“Ngay sau khi được cha dạy viết tên mình vào màn hình, tôi đã mê tít cái máy này. Từ đó, cứ lúc cha ngủ là tôi lại ra ngồi trước máy tính và mày mò. Tôi hay đặt những câu hỏi về sự vận hành của máy tính, để rồi năm học lớp 11, tôi đã bắt đầu đi dạy thêm cho những anh chị lớn về cách dùng máy tính và quyết tâm sau này sẽ phải làm ông chủ của những chiếc máy này”, vị doanh nhân sinh năm 1983 kể.
Tuy nhiên, khi vào đại học, anh lại quyết định học ngành kinh tế, thay vì công nghệ thông tin, bởi anh cho rằng, nếu chỉ đam mê thì chưa đủ để sau này phát triển doanh nghiệp, còn nếu học kinh tế, nắm vững vấn đề quản lý thì cộng với những hiểu biết về công nghệ thông tin, anh có thể phát triển ước mơ làm chủ doanh nghiệp công nghệ thông tin.
Khi ra trường, anh được bổ nhiệm làm lãnh đạo một doanh nghiệp nhà nước, nhưng cái cảnh “người trẻ lãnh đạo người già” khiến Âu phải bỏ việc. Anh quyết định lập gia đình rồi về quê sinh sống theo mong muốn của cha. Đó cũng là thời điểm mà mảnh đất Quảng Nam đang phát triển những nhà máy lớn và ngành công nghệ thông tin còn rất rộng đất để phát triển.
Năm 2004, với số vốn 10 triệu đồng, anh Âu thuê một cửa hàng nhỏ với giá 2 triệu đồng/tháng và bắt tay vào việc xây dựng sự nghiệp kinh doanh. “Thời điểm ban đầu, vì không có nhiều vốn, nên tôi chọn việc đi chậm mà chắc, lấy chất lượng và hậu mãi khách hàng làm chuẩn. Có những lúc khách hàng cách xa hơn 10 km mua máy tính nhưng về không biết dùng bản mã tiếng Việt…, nên tôi lại phóng xe máy tới để chỉ cho họ”, anh Âu nhớ lại thời “khởi đầu nan”.
Bên cạnh hướng đi lấy dịch vụ làm hàng đầu, bán thiết bị luôn phải có dịch vụ sau bán hàng, chăm sóc khách hàng kỹ càng, anh Âu còn thường xuyên mở thêm lớp dạy miễn phí cách sử dụng máy tính cho khách hàng, nhất là những giáo viên ở các trường trong tỉnh, khiến sự nghiệp kinh doanh của anh lớn mạnh từng ngày. Từ một cơ ngơi nhỏ, năm 2006, Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển công nghệ Toàn Cầu do Âu làm Giám đốc đã ra đời.
Tuy nhiên, con đường kinh doanh không phải lúc nào cũng bằng phẳng. Nhìn thấy sự phát triển của những khu công nghiệp và định hướng phát triển công nghệ thông tin vào trường học của tỉnh Quảng Nam, anh Âu đã mở thêm 2 cơ sở kinh doanh tại huyện Tam Kỳ và Chu Lai. Việc kinh doanh tưởng sẽ rất phát triển, bởi cả 2 cơ sở đều gần như ngay lập tức có những hợp đồng lớn trị hàng trăm triệu đồng. Nhưng rồi chính những hợp đồng này khiến anh thất bại, vì các đối tác mua máy không thanh toán tiền. “Từ những thất bại, tôi nhận ra rằng, mình cần tập trung lại công việc kinh doanh và không thể cứ đơn phương phát triển, mà cần có những đối tác chính hỗ trợ”, Giám đốc Trần Viết Âu nói.
Dựa vào sức mạnh tập thể
Bắt tay lại từ đầu, anh Âu đã nhìn thấy những cơ hội mới khi nhiều lần Công ty Ô tô Trường Hải bị hư hỏng thiết bị in ấn hay máy tính, phải tìm tới công ty của anh để nhờ hỗ trợ. Vậy là ý tưởng thâm nhập những nhà máy, công ty lớn để hợp tác với họ trong việc phân phối, bảo trì máy móc, hay cung cấp phần mềm công nghệ hiện đại nảy sinh trong anh. Việc chăm sóc tốt khách hàng và trình độ tay nghề cao của những người thợ do công ty cung cấp đã giúp anh lấy được hợp đồng liên kết với Công ty Ô tô Trường Hải.
“Với những đối tác này, tôi luôn đặt nặng vấn đề chất lượng. Nếu mình cung cấp sản phẩm, dịch vụ chất lượng tốt thì khách hàng sẽ có lợi nhuận và mình cũng sẽ phát triển theo. Đừng vì lợi nhuận trước mắt mà cung cấp sản phẩm không tốt để doanh nghiệp đối tác thiệt hại, như vậy là chính mình hại mình”, anh Âu nói.
Theo anh Âu, trong kinh doanh, không thể cứ đi một mình trên một con đường, mà cần phải có những người đồng hành. Sự giúp đỡ qua lại giữa các doanh nghiệp sẽ làm cho các doanh nghiệp đứng vững hơn. Để thực hiện chiến lược này, anh đang hướng công ty mình vào những doanh nghiệp trong và ngoài địa phương, đặc biệt là việc thành lập những hội doanh nghiệp cùng đồng hành để phát triển. Chính sự đồng hành chia sẻ kinh nghiệm sẽ làm cho các doanh nghiệp phát triển đồng bộ, tránh những biến cố trên thị trường và mở rộng kinh doanh tốt hơn.
“Với tôi, nếu chỉ dựa vào sức mình để phát triển, thì chỉ đứng tại chỗ, cần phải dựa vào sức mạnh tập thể để đạt được mục đích kinh doanh lớn và tạo ra sân chơi rộng hơn cho tất cả mọi thành viên”, Trần Viết Âu nói và cho rằng, điều quan trọng nhất của ngành công nghệ thông tin không chỉ là sản phẩm bán ra nhiều hay ít, mà còn là dịch vụ chăm sóc khách hàng với những sản phẩm tốt nhất.
Giờ đây, việc kinh doanh đang tiến triển tốt, anh Âu muốn thu hút được nhân tài trẻ đang học hay làm tại ngành công nghệ thông tin về xây dựng quê hương bằng những chính sách đãi ngộ tốt. Nhưng điều khiến anh trăn trở là nhiều bạn trẻ còn quá nhút nhát, vẫn thích ỷ lại, bởi vậy anh nhận được rất nhiều hồ sơ nhờ vả xin việc, chứ không phải là các bạn trẻ tự mang hồ sơ tới.
“Cái tôi cần là tính tự lập, sự mạnh dạn và tự tin của các bạn khi đi xin việc. Tôi chọn nhân viên qua những tiêu chí đó để phát triển, chứ không chọn những nhân viên sẵn tính nhờ vả”, Trần Viết Âu chia sẻ.
Gia Huy
(Theo Báo Đầu Tư)