tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Lại nóng “cuộc chiến” tranh ghế Chủ tịch CTCK Kenanga

  • Cập nhật : 14/08/2015

(Tin kinh te)

“Cuộc chiến” tranh ghế Chủ tịch HĐQT tại CTCK Kenanga Việt Nam (KVS) từ hơn 2 năm trước vừa bất ngờ bùng phát trở lại và không biết đến bao giờ mới đi đến hồi kết.

lai nong “cuoc chien” tranh ghe chu tich ctck kenanga

Lại nóng “cuộc chiến” tranh ghế Chủ tịch CTCK Kenanga

Đối tác Malaysia mạo danh Chủ tịch KVS?

Theo Giấy phép điều chỉnh giấy phép thành lập và hoạt động số 73/GPĐC-UBCK, mà Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) cấp cho KVS vào ngày 13/2/2012, thì người đại diện theo pháp luật là ông Cao Văn Sơn, Chủ tịch HĐQT của KVS.

Vì tình trạng “cơm không lành canh chẳng ngọt” giữa nhóm cổ đông trong nước và đối tác Malaysia, nên HĐQT của KVS đã thông qua Nghị quyết 01/2013 ngày 25/3/2013 dưới hình thức lấy ý kiến bằng văn bản, với nội dung: ông Wee Kim Hong được bổ nhiệm giữ chức Chủ tịch HĐQT kiêm người đại diện theo pháp luật của KVS, thay ông Cao Văn Sơn. Việc này đã được Tập đoàn K&N Kenanga Holdings Berhad (Malaysia) - cổ đông lớn nhất của KVS, báo cáo lên UBCK.

Tuy nhiên, theo KVS, việc đối tác Malaysia bãi nhiệm chức Chủ tịch HĐQT đối với ông Sơn là không hợp lệ, vi phạm nghiêm trọng Luật Doanh nghiệp. Trong đơn trình báo gửi Phòng An ninh điều tra, Công an TP. Hà Nội ngày 29/3/2013, KVS đã phản ánh về tình trạng tranh chấp con dấu giữa người nhận là Chủ tịch HĐQT mới của Công ty với phía ông Sơn. Từ năm 2013 đến nay, cuộc tranh chấp chức danh Chủ tịch HĐQT tại KVS luôn diễn ra âm ỉ và vừa bất ngờ bùng phát trở lại, mặc dù hiện tại mọi hoạt động giao dịch với các bên liên quan của KVS, ông Sơn đều ký tên và đóng dấu với chức danh Chủ tịch HĐQT.

Làm việc với ĐTCK, ông Cao Văn Sơn “tố” ông Wee Kim Hong vừa có động thái mạo danh Chủ tịch HĐQT của KVS. Theo đó, tại thư phúc đáp Công văn số 35/CV-DA gửi ông Cao Tiến Đoan, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Bất động sản Đông Á - Công ty TNHH (đối tượng mà như ông Sơn khẳng định là đang nợ KVS 31 tỷ đồng và nợ cá nhân ông 21 tỷ đồng), ông Wee Kim Hong mạo danh chức danh Chủ tịch HĐQT của KVS để trả lời một số câu hỏi do phía Tổng công ty Bất động sản Đông Á - Công ty TNHH (gọi tắt là Tổng công ty Đông Á - Thanh Hóa) đặt ra.

“Hành vi này của ông Wee Kim Hong đang cản trở KVS và cá nhân tôi trong quá trình đòi nợ Tổng công ty Đông Á…”, ông Sơn cho biết.

Cũng theo ông Sơn, để tránh cho các bên “bị lừa”, KVS vừa công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng lời cảnh báo hiện tượng mạo danh, lừa đảo với nội dung: “Thời gian gần đây, có đối tượng tên Wee Kim Hong (quốc tịch Malaysia) mạo danh là Chủ tịch HĐQT của Công ty KVS để câu kết với vài người Việt Nam làm một số việc phi pháp. Các cơ quan, người dân, doanh nghiệp, nếu ai nhận được văn bản, thông tin từ kẻ mạo danh Chủ tịch HĐQT Công ty KVS Wee Kim Hong, hãy thông tin lại cho KVS để có cơ sở đề xuất với cơ quan pháp luật xử lý kẻ mạo danh này…”.

KVS “sống” để đòi nợ!

Tranh chấp kéo dài giữa nhóm cổ đông trong nước và nước ngoài suốt nhiều năm qua đã đẩy KVS vào tình cảnh phải tạm ngừng mọi hoạt động kinh doanh, cung cấp dịch vụ.

Trả lời câu hỏi của ĐTCK về việc KVS có tính đến việc xóa sổ hoạt động thông qua giải thể, hoặc bán cho đối tác khác, ông Sơn cho biết, mục tiêu trước mắt đối với KVS là tập trung đòi nợ. Đây là các khoản nợ phát sinh từ các năm trước thông qua hợp đồng hợp tác đầu tư mà KVS ký kết với một số đối tác.

“KVS đang tập trung thu hồi 3 khoản nợ lớn nhất là Tổng công ty Đông Á nợ 31 tỷ đồng, Công ty Fraden nợ 9,5 tỷ đồng và Công ty Phúc Thái nợ 7 tỷ đồng. Trong đó, với khoản nợ lớn nhất, theo hợp đồng ký kết, Tổng công ty Đông Á phải thanh toán cho KVS vào tháng 10/2012 (cho vay năm 2011), nhưng đến nay, công ty này vẫn chưa trả mặc dù KVS liên tục đòi nợ…”, ông Sơn nói.

Liên quan đến việc đòi Tổng công ty Đông Á 31 tỷ đồng, phúc đáp thư đề nghị xác nhận công nợ của KVS, Tổng công ty Đông Á có Công văn 41/2015 ngày 21/7/2015 với nội dung: Tổng công ty Đông Á chưa thể xác nhận số liệu công nợ hay bất kỳ một vấn đề nào khác liên quan đến Hợp đồng tạm ứng vốn đầu tư số 01/HĐTUVĐT/KVS-ĐA/2011 ngày 20/12/2011 vì ngày 7/5/2015, KVS đã nộp đơn khởi kiện đối với Tổng công ty Đông Á về tranh chấp hợp đồng này. Ngày 28/5/2015, Tổng công ty Đông Á đã nhận được thông báo thụ lý vụ án số 29/TB-TLVA của TAND TP. Thanh Hóa. Vì vụ việc đã đưa ra tòa án, nên mọi tranh chấp liên quan đến hợp đồng trên sẽ chờ phán quyết cuối cùng của tòa án…


Ngày 24/6/2015, Tập đoàn K&N Kenanga Berhad là cổ đông lớn nhất của KVS đã gửi thư cho Tổng công ty Đông Á có nội dung: “Ông Cao Văn Sơn đã bị bãi miễn chức Chủ tịch HĐQT và đại diện pháp luật của KVS trong cuộc họp HĐQT tổ chức ngày 25/3/2013 và ông Wee Kim Hong đã được HĐQT bổ nhiệm là Chủ tịch HĐQT và đại diện pháp luật mới. Tuy nhiên, ông Sơn đã cố tình không bàn giao con dấu. Như vậy, tài liệu, công văn… nào được ông Sơn ký và đóng dấu KVS sau ngày 25/3/2013 đều được thực hiện không thuộc thẩm quyền của ông Cao Văn Sơn…”.

Trả lời câu hỏi trong trường hợp thu hồi công nợ thất bại hoặc quá kéo dài, bước đi tiếp theo của KVS là gì, ông Sơn cho biết, bằng mọi giá, Công ty phải thu hồi được công nợ để tái cấu trúc hoạt động.

Chưa rõ mục tiêu mà ông Sơn nêu ra khả thi đến đâu, nhưng với tình trạng tranh chấp ghế Chủ tịch HĐQT diễn ra gay gắt kéo dài, cùng với hiện trạng đang tạm ngừng hoạt động, tình hình tài chính bi bét do khó thu hồi công nợ phát sinh từ các hợp đồng hợp tác đầu tư…, sự hồi sinh của KVS có lẽ còn chờ vào một phép màu!

(Theo Trung tâm thông tin CN& TM Bộ Công Thương)

Trở về

Bài cùng chuyên mục