Việt Nam đón hơn 6,5 triệu lượt khách quốc tế 9 tháng
Công ty CP Traenco Việt Nam bị dừng làm thủ tục hải quan
Cảng Hải Phòng có 2 Phó Tổng Giám đốc mới
Tuần lễ nhận diện hàng Việt
Nhiều nhân viên ngân hàng muốn chuyển nghề vì lương thấp
TP HCM ấp ủ mô hình đặc khu kinh tế như thế nào?
- Cập nhật : 31/03/2016
(Tin kinh te)
Trước khi Bí thư Đinh La Thăng đưa ra ý tưởng muốn biến TP HCM trở thành đặc khu như Thượng Hải thì 20 năm trước, vấn đề này đã được Thành phố xin Trung ương thí điểm nhưng bất thành.
Theo đề án Xây dựng chính quyền đô thị, TP HCM sẽ phát triển theo mô hình "Chùm đô thị" - Thành phố trong thành phố. Ngoài 13 quận nội thành cũ (gồm các quận 1, 3, 4, 5, 6, 8, 10, 11, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Gò Vấp, Tân Bình, Tân Phú) và 3 huyện ngoại thành. TP HCM sẽ lập 4 thành phố mới là TP Đông gồm quận 2, 9 và Thủ Đức, có trung tâm là khu đô thị mới Thủ Thiêm và giáp với tỉnh Bình Dương, Đồng Nai (đường vành đai 2). Thành phố này sẽ có chức năng chính là phát triển các ngành dịch vụ cao cấp và công nghiệp kỹ thuật cao. Ngoài ra còn ba thành phố khác là: TP Nam, TP Bắc và TP Tây.
Cuối năm 2013, HĐND TP HCM đã nhất trí với đề án thí điểm chính quyền đô thị được tổ chức theo mô hình hai cấp thay cho ba cấp như hiện nay để báo cáo Chính phủ và trình Quốc hội xem xét.
Và mới đây nhất, theo Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội TP HCM đến năm 2020, tầm nhìn 2025 đã được Thủ tướng phê duyệt, định hướng không gian phát triển theo hướng hình thành hệ thống đô thị và khu công nghiệp, phát triển hệ thống khu, cụm công nghiệp, khu kinh tế thương mại, các khu kinh tế đặc thù khác, từ năm 2014 UBND Thành phố đã chỉ đạo Tổ công tác xây dựng Đề án thành lập Khu kinh tế đặc biệt của TP HCM.
Nguyên Chủ tịch Lê Hoàng Quân từng nhấn mạnh đây là một chủ trương lớn, đặc biệt quan trọng với tương lai phát triển của thành phố, được kỳ vọng là mô hình mới góp phần phát triển kết cấu hạ tầng hiện đại và các hoạt động kinh tế gắn với hệ thống cảng biển, du lịch sinh thái. Sau khi hoàn thành đề án, UBND TP HCM sẽ có tờ trình để xin ý kiến Thường trực Thành ủy, Thường trực HĐND Thành phố trước khi báo cáo xin ý kiến Chính phủ về chủ trương nghiên cứu, xây dựng Đề án thành lập Đặc khu kinh tế của TP HCM.
Địa bàn dự kiến hình thành đặc khu kinh tế này nằm ở hướng Nam gồm quận 7, Nhà Bè, Cần Giờ và một phần huyện Bình Chánh với tổng diện tích gần 890 km2 với tổng dân số 685.270 người được cho là phù hợp với chiến lược phát triển hướng ra biển.
Sở dĩ chọn địa bàn trên vì nó nằm ở vị trí mang tính chiến lược trong phát triển kinh tế, có ý nghĩa quan trọng trong việc phát huy vai trò trung tâm logistics của thành phố, tạo động lực phát triển chung cho vùng Đông Nam Bộ, vùng Đồng bằng sông Cửu Long và cho cả nước.
Một số nguyên nhân khác, đây là khu vực còn nhiều khó khăn của thành phố. Tỷ lệ hộ nghèo tính theo ngưỡng dưới 16 triệu đồng mỗi người trên năm ở ba huyện Bình Chánh, Nhà Bè, Cần Giờ lần lượt là 2,28%, 3,49%, 27,21%, cao hơn mức trung bình của Thành phố 1,45% (số liệu tính đến ngày 31/12/2014). Chưa kể quỹ đất tự nhiên ở các khu vực này lớn nhưng chưa được sử dụng hiệu quả, hợp lý, không chịu nhiều áp lực di dời, giải tỏa, có nhiều cơ hội để chuyển đổi một vùng đất nông nghiệp hiệu quả thấp sang những khu đô thị văn minh, hiện đại, phát triển bền vững.
Việc hình thành và phát triển đặc khu kinh tế tại 4 quận, huyện nói trên sẽ giúp tạo việc làm và thu nhập cho người lao động, quỹ đất được sử dụng có mục đích rõ ràng, quy hoạch hiệu quả, cơ sở vật chất (kênh rạch, thủy lợi…) được đầu tư đúng mức sẽ góp phần cho công tác ứng phó biến đổi khí hậu, phát triển du lịch, bảo tồn khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ và các di tích lịch sử, kiến trúc cấp quốc gia, cấp thành phố như căn cứ Rừng Sác, Giồng Cá Vồ (Cần Giờ).
Từ những cơ sở trên, Viện Nghiên cứu và Phát triển TP HCM đã hoàn thành đề cương chi tiết thành lập đặc khu kinh tế của Thành phố và ngày 1/10/2015 đã trình lên lãnh đạo UBND thành phố xin ý kiến chỉ đạo. Hai tháng sau đó, tức tháng 12/2015, Viện này lại một lần nữa trình lên Thành phố. Trong khoảng thời gian từ tháng 10 đến tháng 12/2015, UBND TP HCM đã họp với HIDS và các sở ngành 4 lần để bàn về thành lập đặc khu kinh tế.
Viện Nghiên cứu Phát triển TP HCM cho rằng có nhiều quan điểm trái chiều về sự cần thiết hình thành đặc khu kinh tế trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên, về cơ bản Thành phố cần một sự đột phá thực chất về cơ chế và thành lập đặc khu kinh tế có thể là công cụ phù hợp để đáp ứng yêu cầu này. Về tổ chức bộ máy chính quyền, dự án đặc khu kinh tế phía Nam này có 3 phương án. Phương án một là không xáo trộn về tổ chức bộ máy, sẽ kết hợp hài hoà giữa Ban quan lý đặc khu - trực thuộc chính quyền thành phố và vai trò của các sở ngành, chính quyền 4 quận, huyện trên địa bàn đặc khu.
Phương án 2 là gây xáo trộn lớn bằng cách điều chỉnh địa giới hành chính hoặc đề xuất Trung ương cho phép làm thí điểm. Và phương án 3 là đề xuất thành lập đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015. Phương án này ưu điểm là có thể giúp tạo ra những cơ chế, chính sách đột phá. Tuy nhiên, cái khó là hiện Luật vẫn chưa quy định rõ ràng đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt có trực thuộc thành phố hay không và phải qua lấy ý kiến nhân dân rất phức tạp.
Về nguồn vốn để triển khai dự án dự kiến sẽ phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, kêu gọi vốn ODA, vốn tín dụng ưu đãi. Ngoài ra sẽ xây dựng phương án thu hút vốn theo các hình thức BOT, BT, BTO và các hình thức khác theo luật định.
Dù nêu ra khá nhiều thuận lợi, nhưng Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM cũng chỉ ra các rủi ro, khó khăn và thách thức có thể gặp phải trong quá trình xây dựng đặc khu kinh tế ở Thành phố.
Trước tiên, đây là địa bàn trũng, thấp nên chi phí đầu tư sẽ rất lớn. Cao độ trung bình của vùng đất Hiệp Phước - Nhà Bè là 0,4-1m với mương rạch chằng chịt sẽ là một thách thức lớn trong điều kiện ngân sách còn khó khăn, khó tìm được nhà đầu tư chiến lược. Chưa kể hiện có rất nhiều quy hoạch chung, quy hoạch ngành đã và đang được xây dựng trên địa bàn hình thành đặc khu kinh tế thành phố; sự bất cập, chồng lấn của các quy hoạch sẽ gây khó khăn cho xây dựng và hoạt động của đặc khu kinh tế.
"Mô hình đặc khu kinh tế sẽ mất thời gian rất lâu (ít nhất 10 năm) để phát huy tác dụng. Do đó sẽ rất bất lợi nếu gặp giai đoạn suy thoái, khủng hoảng. Thời gian lâu cũng dẫn đến áp lực dư luận đòi hỏi chứng minh thành công của đặc khu kinh tế", HIDS nêu.
Để có các chính sách lớn, đặc biệt dành riêng cho đặc khu kinh tế, Viện Nghiên cứu Phát triển TP HCM trong đề cương thành lập đặc khu kinh tế của thành phố đã kiến nghị tăng hạn mức, thời gian và mở rộng đối tượng miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế xuất nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt (hàng hóa tạo tài sản cố định), cho vay các dự án đầu tư (đặc biệt là các dự án phát triển hạ tầng) và đề nghị thời gian hoạt động cùng với thời hạn thuê đất là 99 năm. Bên cạnh đó cần tổ chức một cơ chế hành chính và nhân sự tại đặc khu kinh tế theo hướng tạo ra một môi trường đầu tư thông thoáng, bộ máy quản lý minh bạch, gọn nhẹ, hỗ trợ tối đa cho các hoạt động di chuyển, đầu tư, kinh doanh để tăng sức cạnh tranh của đặc khu kinh tế.
Tuy nhiên, qua nhiều lần trình xin ý kiến, đề cương chi tiết vẫn chưa được phê duyệt. Theo UBND Thành phố, đây là mô hình được kỳ vọng tạo sự đột phá về thể chế, cũng như tạo động lực thúc đẩy sự phát triển TP HCM. Thế nhưng, đến nay các khuôn khổ pháp lý cụ thể cho mô hình này vẫn chưa định hình, do đó để thực hiện đòi hỏi sự quyết tâm, đồng thuận của cả hệ thống chính trị Thành phố cũng như sự ủng hộ từ Trung ương.
Trong một lần trao đổi với báo chí, trên cương vị là Phó bí thư TP HCM, ông Võ Văn Thưởng cho rằng, nghiên cứu hình thành đặc khu kinh tế thành phố chưa phải là chủ trương của Ban thường vụ Thành uỷ.
Ông Trần Anh Tuấn - quyền Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM cũng cho biết, dự án đặc khu kinh tế này hiện giờ đã tạm dừng triển khai và chờ chủ trương mới của lãnh đạo Thành phố.
Trả lời PV về định hướng xây dựng mô hình đặc khu cho TP HCM, Bí thư Đinh La Thăng cho rằng, tên gọi là đặc khu hay chính quyền đô thị không quan trọng bằng việc xây dựng cho được một cơ chế đặc biệt để đưa Thành phố trở thành đô thị số một trong khu vực.
Lộ trình cho đề án thành lập đặc khu kinh tế của TP HCM được HIDS dự kiến trải qua 4 giai đoạn. Giai đoạn đầu (2014-2015) là xây dựng đề cương, phê duyệt đề cương với sự chấp thuận của Thường trực Thành ủy, HĐND thành phố, xin chủ trương của Chính phủ.
Giai đoạn một (2016-2018) xây dựng đề án, khảo sát quy mô lớn và toàn diện các yếu tố định hình đặc khu kinh tế, khảo sát và tiếp xúc các nhà đầu tư trong và ngoài nước, hình thành khung thể chế, tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược. Giai đoạn 2 (2018-2025) hoàn thiện khung thể chế, định hình bộ máy quản lý, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng. Giai đoạn 3 (2025-2035) đầu tư theo chiều sâu, hoàn thiện cơ sở hạ tầng, khẳng định vị thế của đặc khu kinh tế.
Theo VnExpress