Mỹ bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương trên biển cho Việt Nam
Nghệ An dừng xây khu hành chính tập trung 2.000 tỉ
Lần theo xe bị trộm gắn định vị, "khui" thêm 21 xe gian
Nguyên thiếu úy “rút ruột” 3 tỉ tiền quỹ của đơn vị
Tổng thống Obama nhận lời mời sớm thăm Việt Nam
Tin trong nước đọc nhanh trưa 22-11-2015
- Cập nhật : 22/11/2015
Việt - Nhật phản đối quân sự hóa ở Biển Đông
Hai thủ tướng hôm qua cho rằng các bên cần bảo đảm tự do, an ninh, an toàn hàng hải và hàng không ở Biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế, tuân thủ Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông, không quân sự hoá và sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử (COC), thông cáo của Bộ Ngoại giao cho biết.
Ông Dũng và ông Abe gặp gỡ bên lề Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 27 và các hội nghị cấp cao liên quan tại Kuala Lumpur, Malaysia.
Hai nhà lãnh đạo cũng nhất trí thúc đẩy phê chuẩn và triển khai Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), đẩy mạnh triển khai "Tầm nhìn trung và dài hạn hợp tác nông nghiệp Việt Nam - Nhật Bản", hợp tác năng lượng điện hạt nhân, đặc biệt trong việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2. Dự án Trường Đại học Việt - Nhật sẽ sớm đi vào triển khai từ năm 2016.
Ông Abe thông báo tiếp tục viện trợ ODA trị giá 172 tỷ Yen (hơn 1,4 tỷ USD) cho ba dự án của Việt Nam. Đó là Dự án đường sắt đô thị TP HCM tuyến số 1 (Bến Thành – Suối Tiên), Nhà máy nhiệt điện Thái Bình, dự án cải tạo môi trường nước TP HCM. Khoản này nâng mức ODA Nhật Bản dành cho Việt Nam đạt mức kỷ lục hơn 300 tỷ Yen, tương đương 2,5 tỷ USD trong năm tài khoá 2015. Hai thủ tướng cũng nhất trí tăng cường hợp tác trong khuôn khổ Quỹ tín dụng 110 tỷ USD về hợp tác phát triển cơ sở hạ tầng chất lượng cao tại châu Á.
Trong chuyến làm việc đến ngày 22/11, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ cùng nguyên thủ các nước ASEAN cùng các 8 đối tác, trong đó có Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Australia thảo luận về hợp tác và an ninh trong khu vực trong khuôn khổ Cấp cao Đông Á (EAS).
Nước giải khát bị gian lận nhiều nhất
Ngày 19/11, Thanh tra Bộ Khoa học – Công nghệ đã công bố kết quả thanh tra chuyên đề đối với hàng hoá đóng gói sẵn.
Kết quả cho thấy, có tới 19,5% số cơ sở được kiểm tra vi phạm về đo lường, nhãn mác, chất lượng….Các mặt hàng vi phạm nhiều nhất đều là những mặt hàng tiêu dùng thiết yếu hàng ngày như bia, rượu, nước giải khát, đường, sữa, bánh, kẹo…
Ông Trần Minh Dũng – Chánh Thanh tra Bộ Khoa học – Công nghệ cho biết, trong thời gian qua, việc vi phạm pháp luật về đo lường, chất lượng, nhãn hàng hoá, mã số mã vạch và sở hữu công nghiệp đối với hàng hoá đóng gói sẵn có nhiều sai phạm.
Trước tình hình trên, Bộ Khoa học – Công nghệ đã chỉ đạo các lực lượng trong toàn ngành triển khai cuộc thanh tra chuyên đề diện rộng trên phạm vi toàn quốc. Bộ đưa ra danh mục 16 nhóm hàng hóa nằm trong diện thanh tra chuyên đề diện rộng năm 2015, gồm: Sữa và sản phẩm từ sữa; thủy sản và sản phẩm từ thủy sản; bánh mứt kẹo, đường; bia rượu, nước giải khát và nước uống; dầu ăn, muối, mỳ chính, bột gia vị; nước mắm, nước chấm, nước sốt; xà phòng và chất tẩy rửa; nông sản và sản phẩm từ nông sản; phân bón; thuốc bảo vệ thực vật; thức ăn chăn nuôi; dầu nhờn; khí đốt hóa lỏng; sơn; xi măng…
Tính đến ngày 10/11 có 62/63 tỉnh, thành phố (Bắc Cạn không triển khai) đã có báo cáo kết quả thanh tra gửi về Bộ Khoa học – Công nghệ. Theo đó, tổng số cơ sở được thanh tra là 2.867, tính trung bình mỗi địa phương thanh tra được xấp xỉ 46 cơ sở. Một số địa phương tiến hành thanh tra được nhiều như Sơn La, Vĩnh Long, Thanh Hoá, Bà Rịa – Vũng Tàu, Kiên Giang, Hà Nội…
Trong số 2.867 cơ sở được thanh tra có 556 cơ sở (chiếm tỉ lệ 19,5%) bị xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền phạt gần 1,7 tỉ đồng. Ngoài áp dụng hình thức xử phạt chính bằng tiền, cơ quan thanh tra đã áp dụng hình thức xử phạt bổ sung, khắc phục hậu quả đối với các cơ sở vi phạm như buộc thu hồi hàng hóa vi phạm về ghi nhãn trả lại nhà sản xuất; buộc tiêu hủy hàng hóa quá hạn sử dụng; buộc thu hồi và tái chế đối với hàng hóa có chất lượng không phù hợp quy chuẩn kỹ thuật; buộc định lượng lại hàng hóa trước lúc đưa vào lưu thông; buộc kiểm định phương tiện đo trước khi đưa vào sử dụng…
Kết quả thanh tra cũng cho thấy, hành vi vi phạm phổ biến nhất là về đo lường (chiếm 51%) như đóng gói thiếu so với khối lượng công bố trên bao bì, không ghi hoặc ghi không đúng đơn vị đo pháp định lượng hàng đóng gói... Tiếp đến là các vi phạm quy định về nhãn hàng hóa (chiếm 21%); hành vi vi phạm về sản xuất, kinh doanh hàng đóng gói sẵn có chất lượng không phù hợp quy chuẩn kỹ thuật, không công bố tiêu chuẩn áp dụng hoặc chất lượng không phù hợp tiêu chuẩn công bố áp dụng chiếm 6%…
Nhóm hàng hóa có tỷ lệ vi phạm cao là: Rượu, bia nước giải khát, nước uống (25%); nông sản, sản phẩm từ nông sản (24%); phân bón (23%); sơn, bột bả tường (21%); bánh, mứt, kẹo, đường (20%); xi măng (20%; ); khí đốt hóa lỏng LPG (20%); thuốc bảo vệ thực vật (19%)…
Ông Trần Minh Dũng cho biết, đối với hàng đóng gói sẵn, giữa người tiêu dùng và người sản xuất không có quan hệ mua bán trực tiếp, chỉ dựa trên thông số được nhà sản xuất công bố trên bao bì. Vì thế, nhóm hàng này đang nảy sinh nhiều sai phạm, đặc biệt là các hành vi vi phạm pháp luật về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng, nhãn hàng hóa, mã số mã vạch, sở hữu công nghiệp…
Ông Dũng cũng nói thêm: “Người tiêu dùng nên có thói quen kiểm tra kĩ hàng đóng gói sẵn về khối lượng, nhãn mác, chất lượng…thay vì chỉ quan tâm tới hạn sử dụng. Hiện nay, phần lớn người tiêu dùng chưa có thói quen này. Họ cho rằng, những gian lận là không đáng kể và dễ dàng bỏ qua. Nếu chỉ vài sản phẩm có gian lận thì đúng là không đáng kể, nhưng nếu hàng vạn sản phẩm thì đó là sự gian lận rất lớn và người thiệt thòi nhất vẫn là người tiêu dùng”.
“Không có tham nhũng trong sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ”
Theo báo cáo của các bộ, địa phương, việc quản lý, sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2006-2012 về cơ bản được thực hiện nghiêm túc, đúng quy định, không phát hiện tiêu cực, tham nhũng.
Thông tin này được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh đưa ra tại báo cáo việc thực hiện nghị quyết của Quốc hội về thi hành Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ cho đầu tư xây dựng cơ bản giai đoạn 2006-2012.
Đầu kỳ họp này, khi thẩm tra báo cáo của Chính phủ, ủy ban chuyên trách của Quốc hội cho rằng Chính phủ chưa nêu rõ về trách nhiệm cá nhân đối với các sai phạm trong lĩnh vực quản lý, sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ.
Tại báo cáo này, Bộ trưởng cho biết, theo yêu cầu từ Quốc hội, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, địa phương báo cáo về kiểm điểm và xử lý trách nhiệm trong quản lý, sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2006-2012. Đến hết ngày 12 tháng 11 năm 2015, đã có 4 bộ và 22 địa phương gửi báo cáo.
Trong số này, 3 bộ và 15 địa phương khẳng định không có thiếu sót trong quản lý, sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2006-2012. Một số địa phương báo cáo có một số tồn tại, thiếu sót từ nguyên nhân khách quan, đã kiểm điểm rút kinh nghiệm chung, không liên đới tới trách nhiệm cá nhân.
Còn lại Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và 7 địa phương báo cáo có sai phạm trong quản lý, sử dụng, đã tiến hành kiểm điểm, xử lý trách nhiệm đối với các tập thể, cá nhân liên quan.
Một số con số cụ thể được nêu tại báo cáo của Bộ trưởng Bùi Quang Vinh là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phát hiện 91,88 tỷ đồng phải xử lý tài chính, trong đó giảm trừ khi thanh toán là 81,54 tỷ đồng và thu nộp lại ngân sách nhà nước là 10,34 tỷ đồng.
Với Tuyên Quang thì tổng sai phạm phát hiện qua thanh tra 4.959,197 triệu đồng.
Ở Lạng Sơn, Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị thu hồi 14,2 tỷ đồng vốn trái phiếu Chính phủ sử dụng sai mục tiêu do mua sắm trang thiết bị cho phòng học, nhà công vụ.
Tại Quảng Ngãi, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị thu hồi 37,039 tỷ đồng....
Với các sai phạm, thông tin từ các tỉnh cho biết đã nghiêm túc rút kinh nghiệm, kiểm điểm tập thể, cá nhân liên quan.
Các bộ, ngành địa phương khẳng định không phát hiện tiêu cực, tham nhũng và báo cáo của Chính phủ cũng không đưa ra thông tin là khẳng định này có chính xác hay không.
Cà Mau: “Xóa sổ” trên 1.500ha vùng nguyên liệu mía
Nhiều năm liền giá mía xuống thấp khiến người trồng lãi không nhiều. Người dân Cà Mau đã tự chuyển đổi từ cây mía sang các mô hình khác như: Trồng gừng, lúa - tôm; trồng rau màu.
Nguy cơ vùng nguyên liệu mía phục vụ cho Nhà máy đường Thới Bình sẽ bị mất là điều khó tránh khỏi.
Do giá mía xuống thấp liên tục trong 3 năm liền, người nông dân không còn mặn mà với cây mía. Dù chính quyền địa phương vận động, Nhà máy đường Thới Bình cảnh báo mất vùng nguyên liệu, nhưng trước yêu cầu bức bách của cuộc sống, người trồng mía không thể giữ mía.
Ông Nguyễn Hoàng Lâm, Trưởng Phòng NNPTNT huyện Thới Bình, Cà Mau ngày 20.11 cho biết, hiện tại diện tích mía để cung ứng cho Nhà máy đường Thới Bình chỉ còn 700ha, trong tổng số trên 2.600ha được quy hoạch. Nguyên nhân do giá mía liên tiếp xuống thấp, người trồng mía gặp nhiều khó khăn. Người dân tự chuyển đổi sang mô hình lúa – tôm hoặc trồng gừng. Được biết, giá gừng năm nay thương lái thu mua giao động từ 10.000 đồng/kg đến 12.000 đồng/kg, trong khi năm 2014 có mức giá lên đến trên 20.000 đồng/kg. Với mức giá trên, người trồng gừng tại huyện Thới Bình vẫn có lãi nhưng không nhiều.
Được biết, phòng trào trồng gừng tại Cà Mau chỉ mới xuất hiện vài năm gần đây, khi người dân đốn mía để chuyển đổi sang cây trồng, vật nuôi khác. Thông kê của Sở NNPTNT tỉnh Cà Mau cho thấy hiện tại diện tích trồng mía của cả tỉnh Cà Mau chỉ còn 700ha, giảm gần 1.000ha so với năm 2011.
Nguyên nhân do giá mía liên tiếp giảm trong 3 năm, người trồng mía không có lãi. Đã có 175ha mía được người dân chuyển sang trồng gừng; 814ha mía chuyển sang lúa – tôm. Sau chuyển đổi, mô hình trồng gừng đem đến lợi nhuận trung bình lên tới 430 triệu đồng/ha; lúa – tôm trên 65 triệu đồng/ha, ttrong khi trồng mía lợi nhuận chỉ trên 18 triệu đồng/ha.
Hơn nửa lao động nước ngoài tại TP HCM là 'sếp'
Trong báo cáo gửi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, UBND TP HCM cho biết, hiện lao động nước ngoài có giấy phép và xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động còn hiệu lực làm việc tại thành phố là hơn 20.300 người. Trong đó, hơn 19.000 người thuộc diện cấp phép.
Quốc gia có nhiều lao động làm việc tại TP HCM nhất là Nhật Bản, kế đến là Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Anh, Trung Quốc, Đài Loan - Trung Quốc... Vị trí công việc có nhiều lao động nước ngoài là nhà quản lý (gần 55%), còn lại là lao động chuyên gia. Có gần 5.500 doanh nghiệp, tổ chức trên địa bàn thành phố sử dụng lao động nước ngoài.
Theo UBND thành phố, công tác quản lý lao động nước ngoài làm việc trên địa bàn còn hạn chế do một số quy định liên quan đến việc cấp giấy phép lao động, xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động; việc thực hiện các quy định liên quan đến Bộ luật Lao động đối với người nước ngoài chưa cụ thể, còn phát sinh nhiều vướng mắc trong quá trình hướng dẫn các tổ chức, doanh nghiệp thực hiện.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, doanh nghiệp có sử dụng lao động nước ngoài trên địa bàn thực hiện đúng quy định, UBND TP HCM kiến nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trình Chính phủ sớm ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 102/2013 về quy định chi tiết một số điều của Bộ luật Lao động về lao động nước ngoài tại Việt Nam cho phù hợp với thực tế.