tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

ĐBSCL đón làn sóng đầu tư mới

  • Cập nhật : 23/11/2015

(Kinh te)

Cơ sở hạ tầng, đặc biệt là giao thông đường bộ, trong vùng ĐBSCL ngày càng hoàn thiện đã tạo sự hấp dẫn đối với nhà đầu tư nước ngoài

Hội nghị “Đầu tư vào ĐBSCL thường niên lần thứ 3” đã được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Chi nhánh Cần Thơ (VCCI Cần Thơ) tổ chức ngày 20-11 tại TP Cần Thơ.

Ưu thế hơn Trung Quốc, Thái Lan, Lào…

Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 10 tháng của năm, ĐBSCL có 9 địa phương thu hút tổng cộng 125 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng vốn 2,8 tỉ USD. Long An là tỉnh dẫn đầu với 102 dự án, vốn đầu tư 156 triệu USD. Nổi bật là tỉnh Trà Vinh - cấp phép cho dự án Nhà máy Điện Duyên Hải 2 với tổng vốn 2,4 tỉ USD - trở thành địa phương đứng đầu khu vực về thu hút vốn FDI.

muon thu hut dau tu nganh cong nghiep nang, dbscl can luc luong lao dong co tay nghe. trong anh: day nghe co khi o quan binh thuy, tp can tho anh: ngoc trinh

Muốn thu hút đầu tư ngành công nghiệp nặng, ĐBSCL cần lực lượng lao động có tay nghề. Trong ảnh: Dạy nghề cơ khí ở quận Bình Thủy, TP Cần Thơ Ảnh: NGỌC TRINH

Từ đầu năm đến nay, nhiều doanh nghiệp (DN) nước ngoài cũng đã đến ĐBSCL để tìm cơ hội đầu tư. TS Võ Hùng Dũng, Giám đốc VCCI Cần Thơ, cho biết ngày 18-11, VCCI Cần Thơ đã tiếp và làm việc với đoàn gồm lãnh sự và 28 DN đến từ Thụy Sĩ, sau khi họ đã khảo sát tại Indonesia, Thái Lan để tìm cơ hội đầu tư. Cùng ngày, đoàn của Hiệp hội Xuất nhập khẩu thịt bò Nhật Bản (J-Bix) đã ký kết bản ghi nhớ với UBND TP Cần Thơ về việc nhập khẩu rơm từ Nông trường Sông Hậu sang Nhật làm thức ăn gia súc. Trong ngày 20-11, Công ty Digi-Texx (vốn 100% của Đức; chuyên về phát triển phần mềm, dịch vụ số hóa dữ liệu) đã chính thức khai trương chi nhánh ở TP Cần Thơ.

“Qua khảo sát, chúng tôi ghi nhận giá nhân công tại Trung Quốc và Thái Lan tăng lên rất nhiều nên DN Nhật muốn tìm điểm đến khác. Trong số 25% công ty Nhật đang ra khỏi Trung Quốc, một vài công ty chọn Lào và Campuchia, còn lại chọn Việt Nam làm điểm đến, đặc biệt là vùng ĐBSCL vì nơi đây có nguồn lao động dồi dào, chi phí lao động, đất đai rẻ và năng suất làm việc cao hơn so với Lào và Campuchia” - ông Yasuzumi Hirotaka, Giám đốc Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tại TP HCM, cho biết.

Ông Christoph Lam, quản lý dự án Công ty Tư vấn BDG, nhận định: “ĐBSCL có thế mạnh là nguồn lao động dồi dào với gần 10,5 triệu người. Bên cạnh đó, trong vùng có 3 địa phương nằm trong tốp 10 tỉnh phát triển tốt của cả nước, tỉ lệ nghèo đói giảm và nhất là cơ sở hạ tầng thông thoáng hơn trước… Đây là những điều kiện tốt để thu hút FDI”.

Không gian cho FDI còn rất lớn

TS Võ Hùng Dũng lạc quan: “Kinh tế vùng ĐBSCL trong thập kỷ tới dự báo tăng trưởng bằng với tăng trưởng chung của cả nước do cơ sở hạ tầng được cải thiện, môi trường kinh doanh năng động, chi phí lao động thấp, nền tảng nông nghiệp vững chắc… nên không gian cho FDI còn rất lớn. Những ngành có triển vọng thu hút FDI là nông nghiệp, công nghệ sinh học, cơ khí nông nghiệp, may mặc, giày dép, đồ gỗ, công nghệ thông tin, khách sạn - du lịch, logistics...”.

Tuy nhiên, ông Christoph Lam cảnh báo các tỉnh ĐBSCL có nguồn lao động dồi dào nhưng lại thiếu công nhân có tay nghề và đối mặt với tình trạng biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Nếu đầu tư vào các ngành công nghiệp nặng thì không kiếm đâu ra nguồn lao động.

Theo nhận định của ông Yasuzumi Hirotaka, nông nghiệp là thế mạnh của vùng ĐBSCL nhưng vốn FDI đầu tư vào ngành này chiếm tỉ trọng nhỏ do rủi ro cao. Vì vậy, qua hợp tác, phía Nhật sẽ chuyển giao kỹ thuật về nông - lâm - thủy sản cho các địa phương. Ngoài ra, cũng có thể thông qua việc Nhật Bản tiếp nhận thực tập sinh Việt Nam học kỹ thuật nông nghiệp để về triển khai, sản xuất tại Việt Nam nhằm tạo ra sản phẩm chất lượng, cạnh tranh khi Việt Nam hội nhập sâu rộng.

Kéo lao động trở về

Trước đây, ĐBSCL có tỉ lệ nhập cư ròng vào trong vùng nhưng sau đó đã thay đổi. Xuất cư ròng ra khỏi vùng bùng nổ trong các năm 2009-2011, lên đến mức 8,4% trong 2 năm 2009-2010 và tiếp tục ở mức 6,5% trong năm 2011. Năm 2013 có giảm nhưng vẫn ở mức 4,3%. Tình trạng này nếu kéo dài thì ĐBSCL có nguy cơ thiếu hụt nguồn lao động trong tương lai.

“Nếu có những dự án mới, các chương trình đầu tư và thay đổi cơ cấu kinh tế thì một phần lực lượng lao động đã di chuyển sẽ trở về, mang theo kinh nghiệm, kỹ năng và kết nối với những nhóm lao động hoặc chuyên gia từ nơi khác đến” - TS Võ Hùng Dũng kỳ vọng.

 

(Theo Người lao động)

 

Trở về

Bài cùng chuyên mục