TPHCM: Thêm vụ lừa một căn hộ bán cho nhiều người
Bế mạc Năm du lịch quốc gia 2015
Mổ xẻ bất cập về nông nghiệp trong hội nhập quốc tế
Cước taxi vẫn ở thời điểm giá xăng 15.000 đồng/lít
Trung tâm Hà Nội có thêm dự án chung cư cao cấp
Tin trong nước đọc nhanh 27-12-2015
- Cập nhật : 27/12/2015
Dự án khu vui chơi lấp vịnh Nha Trang hơn 22.000 m2
Ông Huỳnh Ngọc Bông - Chánh văn phòng UBND Khánh Hòa - cho biết, hôm 25/12 Chủ tịch tỉnh Lê Đức Vinh đã chủ trì cuộc họp với các sở ngành, xử lý vi phạm của Công ty cổ phần Nha Trang Sao vì đã đổ đất đá lấp vịnh Nha Trang.
Qua nhiều đợt khảo sát, đoàn kiểm tra xác định, trong quá trình triển khai dự án xây công viên văn hóa, giải trí và thể thao, Công ty Nha Trang Sao đã lấp hơn 22.000 m2 bờ biển vịnh Nha Trang, gần danh thắng quốc gia Hòn Đỏ.
UBND tỉnh quyết định xử phạt công ty này 225 triệu đồng về các hành vi: sử dụng trái phép di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh; không thực hiện chương trình giám sát môi trường; không lập phê duyệt, niêm yết, công khai kế hoạch quản lý môi trường trước khi triển khai dự án.
Chánh văn phòng tỉnh cho hay, trong buổi làm việc, nhà đầu tư thừa nhận đã đổ đất, đá ra vịnh Nha Trang. "Họ lý giải đó là phương án làm bờ kè chắn sóng tạm và đường cho xe vào thi công, khi công trình hoàn thành sẽ lấy toàn bộ đất đá này lên, trả nguyên hiện trạng", ông Bông nói.Ngoài ra, tỉnh cũng yêu cầu Sở Xây dựng giám sát dự án và buộc công ty này dừng ngay phần thi công đã vi phạm ở ngoài ranh giới, không có trong giấy phép xây dựng. Nhà đầu tư phải hoàn thành giải pháp thi công, báo cáo UBND tỉnh trước ngày 10/1/2016.
Dự án được UBND tỉnh Khánh Hòa cấp giấy chứng nhận đầu tư, khởi công tháng 10/2014, có tổng diện tích hơn 100.000 m2 xây dựng khu vui chơi giải trí, thể thao, quảng trường, khách sạn, nhà hàng, bến tàu... nằm giữa Hòn Chồng và Hòn Đỏ của tích danh thắng quốc gia với mức đầu tư gần 670 tỷ đồng.
Phê duyệt phương án cánh đồng lớn đến 66.000ha
Ngày 24-12, ông Lê Văn Nghĩa, phó chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, đã trao quyết định của UBND tỉnh về việc phê duyệt cánh đồng lớn giai đoạn 2015-2020 cho Công ty Lương thực Tiền Giang.
Theo đó, UBND tỉnh đồng ý cho Công ty Lương thực Tiền Giang thực hiện cánh đồng lớn trên diện tích 66.000ha, sản lượng dự kiến gần 400.000 tấn gạo hàng hóa tại các huyện Cái Bè, Cai Lậy, thị xã Cai Lậy, Tân Phước và ba huyện phía đông của tỉnh.
Toàn bộ diện tích này sẽ được sản xuất theo mô hình VietGap với hai dòng sản phẩm chính là gạo trắng thông dụng và gạo thơm, gạo đặc sản chất lượng cao phục vụ xuất khẩu.
Theo ông Nguyễn Quốc Trực - giám đốc Công ty Lương thực Tiền Giang, việc thực hiện phương án cánh đồng lớn này dựa trên kết quả thực nghiệm mấy năm qua của công ty và đã cho kết quả tốt.
Công ty sẽ có ba phương thức hợp đồng sản xuất với nông dân gồm hợp đồng đầu tư đồng bộ đầu vào (lúa giống, vật tư nông nghiệp) cùng với quy trình sản xuất nghiêm ngặt để sản phẩm đầu ra có chất lượng cao, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; hợp đồng sản xuất đầu tư một phần đầu vào để sản phẩm đầu ra có chất lượng tương đối, đảm bảo độ thuần hạt gạo và hợp đồng sản xuất tiêu thụ lúa.
Đà Nẵng ‘tuyên chiến’ với nhà hàng, khách sạn trốn thuế
UBND TP Đà Nẵng cũng yêu cầu từ tháng 1-2016, Cục Thuế phối hợp Sở VH-TT&DL; Công an; Sở Tài chính; Sở Công Thương… thành lập các đoàn kiểm tra định kỳ và đột xuất các cơ sở kinh doanh; có phương án đề xuất UBND TP lắp đặt camera tại một số địa điểm kinh doanh phục vụ công tác phòng, chống tội phạm, quản lý trật tự an toàn giao thông và hỗ trợ thu thập bằng chứng phục vụ giám sát chống thất thu thuế…
Trước đó, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Trần Văn Miên (Cục trưởng Cục Thuế TP Đà Nẵng) cho biết việc chống thất thu thuế đối với nhà hàng, khách sạn, cơ sở lưu trú và các cơ sở kinh doanh du lịch sẽ được giám sát một cách chặt chẽ. “Chúng tôi sẽ cho cán bộ đóng giả khách hàng để trực tiếp bắt tại trận và xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm” - ông Miên nhấn mạnh.
Chủ tịch tỉnh đề nghị giảm phí cho dân cầu Bến Thủy
Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An vừa có văn bản đề nghị điều chỉnh giảm mức phí đối với xe cộ của người dân sinh sống hai bên cầu Bến Thủy thuộc TP Vinh (Nghệ An) và huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh).
Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Xuân Đường vừa có văn bản gửi Bộ GTVT, Bộ Tài chính, Công ty Xây dựng công trình giao thông 4 (Cienco 4 - đơn vị thu phí ở hai trạm thu phí cầu Bến Thủy 1 và 2) đề nghị kiểm tra, xem xét điều chỉnh giảm mức phí đối với xe cộ của người dân sinh sống hai bên cầu Bến Thủy thuộc TP Vinh (Nghệ An) và huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh).
Trạm thu phí cầu Bến Thủy 1 và cầu Bến Thủy 2 để hoàn vốn cho các dự án đầu tư xây dựng: tuyến tránh TP Vinh (Nghệ An); nâng cấp, mở rộng quốc lộ 1 đoạn Nam Bến Thủy đến tuyến tránh TP Hà Tĩnh.
Ngày 21-11, chi nhánh BOT tuyến tránh TP Vinh (thuộc Cienco 4) thông báo tăng giá vé tại các trạm thu phí này từ ngày 1-1-2016.
Theo ông Đường, việc tăng giá vé này đã gây bức xúc trong người dân, nhất là dân sống hai bên trạm thu phí. Người dân mua vé tháng vì cho rằng mức thu phí như thông báo là quá cao, không phù hợp với đời sống thu nhập của công chức và người lao động trong thời điểm hiện nay.
Theo thông tư số 51 của Bộ Tài chính, từ ngày 1-1-2016, mức phí tính theo vé lượt tại hai trạm thu phí cầu Bến Thủy sẽ tăng từ 15.000 đến 40.000 đồng tùy theo nhóm xe.
2 tấn bánh kẹo, ô mai Trung Quốc không giấy tờ đổ về thủ đô
Công an thành phố phối hợp với Đội Quản lý thị trường số 15 (Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội) kiểm tra xe tải biển Hải Phòng trên tuyến quốc lộ 5 đoạn qua thị trấn Trâu Quỳ (Gia Lâm, Hà Nội) phát hiện khoảng 2 tấn bánh kẹo, ô mai mang nhãn mác Trung Quốc. Số bánh kẹo được chia nhỏ trong các túi 3-5 kg rồi đóng trong những thùng carton.
Lái xe Đào Việt Cường (42 tuổi trú tại Dư Hàng, Lê Chân, Hải Phòng) đã không xuất trình được hóa đơn chứng từ liên quan đến lô hàng. Cường khai được thuê vận chuyển số bánh kẹo và ô mai trên từ Hải Phòng về Hà Nội cho một số chủ hàng.Lực lượng chức năng đã thu giữ số bánh kẹo nhập lậu trên để xử lý theo quy định.
Đây là vụ bắt giữ bánh kẹo nhập lậu thứ hai trong tuần qua. Trước đó chiều 22/12, lực lượng chức năng phát hiện tại điểm đỗ xe trên đường Pháp Vân, quận Hoàng Mai, khoảng một tấn bánh kẹo và ô mai do Trung Quốc sản xuất nhưng không có giấy tờ hợp lệ.