Đài Loan sắp xây xong hải đăng trái phép trên đảo Ba Bình
Bệnh viện Phụ sản Hà Nội phải hoãn mổ vì không có nước
Thanh tra một loạt dự án giao thông, môi trường
Ông Phạm Duy Cường tái đắc cử Bí thư Yên Bái
Ông Hoàng Dân Mạc tiếp tục làm Bí thư Phú Thọ
Tin trong nước đọc nhanh chiều 25-12-2015
- Cập nhật : 25/12/2015
Ngăn chặn tàu Trung Quốc tràn vào biển Việt Nam
“Các lực lượng gồm bộ đội biên phòng, cảnh sát biển, Cục Kiểm ngư đang tăng cường, phối hợp chặt chẽ và dùng nhiều biện pháp để bảo vệ quyền lợi chính đáng của ngư dân trên vùng biển chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam. Cụ thể, các lực lượng sẽ phối hợp ngăn chặn tàu cá Trung Quốc tràn sang và có biện pháp bảo vệ ngư dân, kiên quyết bảo vệ chủ quyền. Chúng tôi đề nghị ngư dân các nước phải tôn trọng, thừa nhận chủ quyền trên biển của Việt Nam”. Chiều 23-12, ông Lưu Văn Huy, Cục trưởng Cục Kiểm ngư Việt Nam, Bộ NN&PTNT nhấn mạnh như trên khi trao đổi với Pháp Luật TP.HCM.
Trước đó, tại một hội nghị tổng kết, có sự tham gia của đại diện Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và Cảnh sát biển Việt Nam mới đây, Cục Kiểm ngư Việt Nam cho biết thời gian qua, hàng ngàn tàu cá Trung Quốc đã vào biển Việt Nam trái phép.
Hơn 3.720 tàu cá Trung Quốc vi phạm
Theo Cục Kiểm ngư Việt Nam, thời gian qua tình hình trên biển Đông tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp. Trung Quốc vừa tăng cường nhiều đợt diễn tập quân sự trên biển vừa duy trì lệnh cấm đánh bắt cá trên vùng biển Việt Nam. Điều này gây ra áp lực đối với ngư dân Việt Nam hoạt động khai thác hải sản trên các vùng biển chủ quyền của Việt Nam.
“Trong năm 2015, số tàu cá và ngư dân Việt Nam hoạt động hợp pháp trên ngư trường truyền thống thuộc quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam bị Trung Quốc kiểm soát, xua đuổi, đập phá, tịch thu tài sản và đâm chìm vẫn tăng” - đại diện Cục Kiểm ngư Việt Nam thông tin.
Cụ thể, theo thống kê, trong năm 2015 số lượng tàu cá Trung Quốc vi phạm vùng biển Việt Nam tăng so với năm trước. Tính từ đến tháng 11-2015 có gần 3.720 lượt/chiếc tàu cá Trung Quốc vi phạm vùng biển chủ quyền của Việt Nam, tăng hơn năm 2014 gần 1.770 lượt/chiếc. Ngoài ra, tính đến tháng 12-2015 có 93 vụ tai nạn tàu cá trên biển, trong đó 34 hư máy thả trôi, sáu vụ đâm va, 19 vụ mắc cạn phá nước, bốn vụ bị tàu Trung Quốc rượt đuổi…
Đại diện Cục Kiểm ngư Việt Nam cho biết thời gian qua đơn vị và các lực lượng khác phải thường xuyên bám sát ngư trường để tuần tra, kiểm soát và xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh về hoạt động khai thác hải sản trên biển để ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển tham gia đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Cứng rắn với hành vi vô nhân đạo, bảo vệ ngư dân
Chiều 23-12, trao đổi với báo Pháp Luật TP.HCM về việc tàu cá Trung Quốc gia tăng vi phạm, ông Võ Văn Trác - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nghề cá Việt Nam cho biết Hội Nghề cá Việt Nam cực lực lên án, phản đối hành động vi phạm của tàu cá Trung Quốc. “Đây là sự việc rất nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống ngư dân Việt Nam. Đặc biệt, các tàu cá của Trung Quốc còn vi phạm chủ quyền biển, đảo của Việt Nam” - ông Trác nhấn mạnh.
Ông Trác cũng đề nghị thời gian tới, các đơn vị chức năng liên quan phải có những biện pháp mạnh mẽ hơn nữa, hỗ trợ ngư dân yên tâm vươn khơi; đồng thời không để Trung Quốc tái phạm ngày càng nghiêm trọng. Về phía ngư dân cũng cần nắm vững quy định trên biển để thực hiện cho đúng.
“Phía Trung Quốc vi phạm chủ quyền của Việt Nam. Ngoài ra, tàu cá Trung Quốc không cứu ngư dân gặp nạn trên biển mà còn có các hành động làm cho ngư dân gặp nạn là hành vi vô nhân đạo. Thời gian tới cơ quan chức năng cần có sự phối hợp cụ thể hơn để bảo vệ ngư dân trước sự tấn công của tàu cá nước ngoài. Chúng ta không trả đũa việc tàu cá Trung Quốc đập phá tàu của ngư dân ta nhưng phải có các hành động cụ thể, theo luật pháp quốc tế để cương quyết xử lý nhằm bảo vệ cho ngư dân Việt Nam” - ông Trác đề nghị.
Đồng tình, ông Lưu Văn Huy nói: “Nước ta có hơn 1 triệu lao động cùng hơn 120.000 tàu thuyền đánh bắt ngoài biển. Chúng ta có đầy đủ bằng chứng để khẳng định về chủ quyền vùng biển, quyền tài phán của Việt Nam trên biển Đông. Lực lượng kiểm ngư sẽ làm hết mình để đảm bảo an toàn cho người và tàu thuyền trên vùng biển”.(PLO)
Đà Nẵng tính chi nghìn tỷ xây hầm vượt sông Hàn
UBND TP Đà Nẵng vừa giao Sở Giao thông Vận tải lên phương án xây cầu hoặc hầm vượt sông Hàn, nằm giữa hai cầu Thuận Phước và cầu quay sông Hàn. Đơn vị tư vấn đã trình 2 phương án xây cầu và xây hầm xuyên qua sông Hàn.
Phương án xây cầu qua sông có 2 tuyến. Tuyến 1 bắt đầu từ đường Đống Đa (quận Hải Châu) sang đường Vân Đồn (quận Sơn Trà). Tuyến 2 bắt đầu từ đường Đống Đa nhưng thẳng sang đường Nguyễn Thị Định. Nếu xây cầu vượt sông theo tuyến 1 thì chi phí khoảng 2.515 tỷ đồng và giải phóng mặt bằng hết 239 tỷ đồng, còn tuyến 2 là 2.053 tỷ đồng và phí giải tỏa là 665 tỷ đồng.
Phương án xây hầm vượt sông cũng có 2 tuyến tương tự như xây cầu. Kinh phí làm hầm theo tuyến 1 khoảng 3.094 tỷ đồng và 143 tỷ đồng giải phóng mặt bằng. Tuyến 2 khoảng 2.683 tỷ đồng nhưng chi phí giải phóng mặt bằng lên đến 463 tỷ đồng. Phía đơn vị tư vấn cho rằng nên xây hầm vượt sông và chọn tuyến 1 để giảm chi phí giải phóng mặt bằng.
Giám đốc Sở Giao thông Đà Nẵng Lê Văn Trung cho rằng việc xây cầu hoặc hầm qua sông Hàn ở thời điểm hiện tại là cần thiết, vì lưu lượng xe qua cầu quay sông Hàn đã quá tải. Tuy nhiên, để xây dựng một công trình vĩnh cửu qua sông Hàn cần tính toán kỹ để không ảnh hưởng đến cảnh quan hai bờ của thành phố du lịch.Sở Xây dựng và Viện quy hoạch Đà Nẵng cho rằng khu vực dự kiến xây cầu hoặc hầm trong tương lai sẽ có nhiều bến du thuyền. Do đó Viện nghiêng về phương án xây hầm nhằm thuận lợi cho du thuyền ra vào bến, người dân đi lại mùa mưa bão đỡ vất vả.
Đà Nẵng sẽ xây cầu hoặc hầm chui qua sông Hàn ở đoạn giữa cầu quay sông Hàn và cầu Thuận Phước. Ảnh: Nguyễn Đông
"Xây hầm vượt sông là phương án rất táo bạo", ông Đặng Việt Dũng, Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng bày tỏ sự ủng hộ. Ông Dũng nhận định nếu xây hầm thì ngoài kinh phí ban đầu lớn hơn xây cầu, về lâu dài sẽ phải tốn chi phí duy tu, bảo dưỡng định kỳ.
Từng làm giám đốc Sở Giao thông, ông Đặng Việt Dũng cho rằng xây cầu hay hầm cũng phải tạo cho được sự thông thoáng của tuyến. Nếu xây dựng theo tuyến 1 thì trục giao thông sẽ quanh co. Trong khi đó tuyến 2 sẽ đi trên một trục đường thẳng nhưng do khu vực này dân cư đông đúc nên phải tốn kém chi phí giải tỏa.
"Nên chấp nhận giải tỏa đền bù để có tuyến đường đẹp thay vì sợ tốn kém mà giao thông không được thông suốt", ông Dũng nêu ý kiến.
Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ ủng hộ phương án xây hầm vượt sông Hàn. Đây là việc cần làm ngay vì nếu chần chừ thì vài năm nữa lưu lượng xe qua các cầu sẽ tăng. Ông Thơ đề nghị Sở Giao thông gấp rút hoàn thiện các phương án trình Thường vụ Thành ủy và HĐND lấy ý kiến để triển khai.
Vấn đề xây thêm cầu hoặc hầm chui qua sông Hàn từng được các đại biểu thảo luận tại kỳ họp 15 HĐND TP Đà Nẵng khóa 8 (diễn ra từ ngày 8 đến 10/12). Nhiều ý kiến ủng hộ nhưng cũng không ít đại biểu cho rằng, cuộc sống của người dân Đà Nẵng chưa ổn định, doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn vì khủng hoảng kinh tế, đến năm 2017 thành phố phải trả nợ 1.700 tỷ nên cần tiết kiệm, chưa nên xây thêm cầu.
Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ khẳng định tại kỳ họp, thành phố sẽ không phát hành trái phiếu để lấy tiền xây cầu, không gia tăng nợ công. "Trước mắt việc xây cầu hay làm hầm chui qua sông Hàn sẽ công khai đấu thầu bằng hình thức BT", ông Thơ nói.
Lạm phát năm 2015 thấp nhất trong 15 năm
Theo tin từ Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12 tăng 0,02% so với tháng trước và tăng 0,6% so với cùng kỳ. Tính bình quân, CPI cả nước năm 2015 tăng 0,63% so với năm ngoái, thấp hơn nhiều so với mục tiêu 5% của Quốc hội đặt ra.
Đây cũng là mức tăng thấp nhất của chỉ số giá tiêu dùng kể từ năm 2001 trở lại đây. Bình quân mỗi tháng trong năm 2015, CPI chỉ tăng 0,05%. “CPI giữ ở mức thấp và ổn định tạo điều kiện cho các chính sách tiền tệ tích cực, kích thích sản xuất kinh doanh phát triển và tạo điều kiện cho giá một số mặt hàng do Nhà nước quản lý được tính đầy đủ vào chi phí theo giá thị trường”, Tổng cục Thống kê nhận xét.
Bà Vũ Thị Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Thống kê giá cho hay nguyên nhân chính khiến CPI năm nay thấp là chi phí đẩy giảm. Cụ thể, nguồn cung về lương thực, thực phẩm trong nước dồi dào, cùng với sự cạnh tranh với các nước đã khiến chỉ số giá nhóm lương thực năm 2015 giảm 1,24% so với cuối năm trước. Giá nhiên liệu trên thị trường thế giới gần đây giảm mạnh, đặc biệt là giá dầu cũng khiến nhóm hàng "nhà ở và vật liệu xây dựng” và “giao thông” năm 2015 lần lượt giảm 1,62% và 11,92%, so với năm trước, trong đó riêng giá xăng dầu giảm gần 25% góp phần giảm CPI chung 0,9%.
Giá gas sinh hoạt trong nước cũng được điều chỉnh theo giá gas thế giới, bình quân năm nay giảm 18,6% so với năm trước, cùng với đó là việc điều chỉnh giá của nhóm hàng do Nhà nước quản lý như dịch vụ giáo dục, dịch vụ y tế thấp hơn so với năm trước.
Ngoài các nguyên nhân như đã đề cập, bà Thủy cho rằng người dân hiện đã tính toán chi tiêu kỹ hơn. Do đó, người cung cấp hàng hóa, dịch vụ cũng không tăng giá cao vào dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán hay các ngày lễ hội như những năm trước đây.
"Theo đuổi mục tiêu lạm phát thấp để tăng trưởng bền vững là rất quan trọng. Những năm gần đây, chu kỳ lạm phát thấp rất ít, do đó chúng tôi khuyến nghị phải kiểm soát lạm phát chủ động, chứ không phải lạm phát rồi mới kiểm soát. Như vậy nền kinh tế mới phát triển bền vững", đại diện Vụ Thống kê giá nhận định.
ĐBSCL có thêm một trung tâm thương mại đẳng cấp quốc tế
Ngày 24-12, Tập đoàn Vingroup đã tổ chức Lễ khai trương Trung tâm thương mại Vincom Plaza Long Xuyên tại TP Long Xuyên, tỉnh An Giang. Vincom Plaza Long Xuyên được thiết kế theo mô hình “Một điểm đến, mọi nhu cầu” của chuỗi trung tâm thương mại mang thương hiệu Vincom trên cả nước với đầy đủ các tiện ích mua sắm, giải trí, ẩm thực, luyện tập sức khỏe...
Trung tâm thương mại này tọa lạc trên diện tích rộng 15 ha tại khu vực trung tâm TP Long Xuyên với mặt tiền tiếp giáp quốc lộ 91 và 1 mặt nằm bên bờ sông Long Xuyên lộng gió.
Trung tâm thương mại Vincom Plaza Long Xuyên có 1 mặt khá đẹp vì nằm bên bờ sông Long Xuyên lộng gió.
Lãnh đạo UBND tỉnh An Giang và Tập đoàn Vingroup cắt băng khai trương Trung tâm thương mại Vincom Plaza Long Xuyên.
Ông Nguyễn Hữu Phán, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Vincom An Giang, cho biết đây là trung tâm mua sắm lớn thứ 2 ở ĐBSCL và chỉ sau TP Cần Thơ. Với lợi thế là thành phố trẻ, năng động với ngành thương mại, dịch vụ phát triển lên tới 75% cơ cấu kinh tế nên Long Xuyên có tiềm năng phát triển vượt bậc trong nhiều lĩnh vực. Chính vì vậy mà Tập đoàn Vingroup đã chọn Long Xuyên là một trong các địa danh quan trọng trong chiến lược phát triển, mở rộng của mình.
Vincom Plaza Long Xuyên đã lấp đầy 100% diện tích cho thuê trước ngày khai trương bởi nhiều thương hiệu uy tín của các công ty- tập đoàn lớn trong nước và quốc tế.
Ông Vương Bình Thạnh, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, khẳng định: “Trung tâm thương mại Vincom Plaza Long Xuyên, An Giang là một khu phức hợp hiện đại của thương hiệu Vincom bao gồm trung tâm mua sắm, tung tâm vui chơi giải trí, khu ẩm thực và tiện ích đi kèm; sự góp mặt của của Vincom Plaza Long Xuyên sẽ trở thành một trong những điểm nhấn cho sự phát triển của đô thị thành phố, đồng thời Vincom Plaza Long Xuyên, sẽ góp phần mang lại xu hướng tiêu dùng mới, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng An Giang với những mặt hàng có chất lượng cao”.
Cả năm 2015, chỉ số giá TP.HCM tăng 0,25%
Cục Thống kê TP.HCM vừa công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tại TP.HCM tháng 12, giảm 0,11% so với tháng 11.
Trong đó, tăng cao nhất là nhóm hàng hóa và dịch vụ khác ở mức 0,41% do tác động mạnh từ hàng hóa tết bắt đầu rục rịch tăng. Kế đến là nhóm dược phẩm tăng 0,18%, nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,14%, nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 0,06%, nhóm giáo dục tăng 0,04%.
Giảm mạnh nhất là nhóm thiết bị đồ dùng gia đình giảm 1,23%, nhóm đi lại bưu điện giảm 0,83%, nhóm văn hóa giải trí giảm 0,58%, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,17%. Như vậy, kể từ đầu năm đến nay CPI của TP.HCM tăng nhẹ 0,25%.
Riêng Hà Nội, CPI tháng 12 cũng giảm 0,03%, tính chung cả năm 2015 CPI Hà Nội tăng 0,7%.