Nhật sẽ giúp người Việt vay tiền dài hạn để mua nhà
Mới chỉ có 12 doanh nghiệp VN cung ứng trực tiếp cho Samsung
Hơn 600 xe tay ga Suzuki bị triệu hồi tại Việt Nam do lỏng đai ốc
Việt Nam - Campuchia nhất trí cách thức giải quyết các tranh chấp Biển Đông
Tin trong nước đọc nhanh 06-02-2016
- Cập nhật : 06/02/2016
Ông Phạm Minh Chính làm Trưởng Ban Tổ chức TƯ
Bộ Chính trị vừa phân công ông Phạm Minh Chính làm Trưởng Ban Tổ chức TƯ.
Ông Phạm Minh Chính sinh năm 1958 tại xã Hoa Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa.
Ông từng là lưu học sinh được cử đi học tại Rumani và tốt nghiệp Kỹ sư ngành Xây dựng. Ông có học hàm, học vị là phó giáo sư, tiến sĩ Luật.
Ông từng công tác tại Cục Nghiên cứu Khoa học, Kinh tế và Kỹ thuật,Bộ Nội vụ, có nhiệm kỳ làm Bí thư thứ nhất tại Đại sứ quán Việt Nam tại Rumani.
Công tác tại Bộ Công an kể từ 1996, ông từng giữ các vị trí Phó Cục trưởng, rồi Cục trưởng, sau đó được bổ nhiệm làm Tổng cục trưởng Tổng cục Hậu cần - Kỹ thuật. Ông được bổ nhiệm làm Thứ trưởng Bộ Công an (8/2010).
Ông được phong hàm Thiếu tướng Công an nhân dân (2007), Trung tướng (2010).
Ông là ủy viên BCH TƯ Đảng khóa 11, được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh (8/2011). Tháng 4/2015, ông được Bộ Chính trị điều động phân công giữ chức Phó trưởng Ban Tổ chức TƯ.
Ông là ủy viên BCH TƯ khóa 12, ủy viên Bộ Chính trị khóa 12.
Ông Đinh Thế Huynh làm Thường trực Ban Bí thư
Bộ Chính trị vừa phân công ông Đinh Thế Huynh làm Thường trực Ban Bí thư, Bí thư TƯ Đảng.
Ông Đinh Thế Huynh, Trưởng Ban Tuyên giáo TƯ, tái cử vào Bộ Chính trị khóa 12 tại hội nghị Ban chấp hành Trung ương khóa 12 lần thứ nhất vừa qua.
Ông Đinh Thế Huynh 63 tuổi, quê quán tại xã Xuân Kiên, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định. Ông có học vị tiến sĩ.
Tháng 8/1971, ông tham gia quân đội, sư đoàn 320. Năm 1972, ông tham gia chiến trường Quảng Trị.
Năm 1998, ông Đinh Thế Huynh được cử làm Phó tổng biên tập báo Nhân dân.
Tháng 4/2001, ông được bầu vào BCH TƯ Đảng khóa 9. Tháng 6 cùng năm, ông được chỉ định giữ chức Tổng biên tập báo Nhân dân.
Tới tháng 8/2005, tại Đại hội nhà báo Việt Nam lần thứ 8, ông được bầu làm Chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam.
Vào tháng 4/2006, ông tái đắc cử ủy viên BCH TƯ Đảng khóa 10. Ông tái đắc cử chức vụ Chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam vào tháng 8/2010.
Tại Đại hội Đảng lần thứ 11, ông được bầu lại vào BCH TƯ Đảng, được Trung ương bầu vào Bộ Chính trị. Tháng 2/2011, ông được Bộ Chính trị phân công tham gia Ban Bí thư Trung ương và được cử làm Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương kiêm Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương.
Ông là ủy viên Ban chấp hành TƯ khóa 9, 10, 11, 12; ủy viên Bộ Chính trị khóa 11, 12; đại biểu Quốc hội khoá 11, 12, 13.
Cắt 100% việc tổ chức lễ động thổ công trình cơ bản để tiết kiệm
Chính phủ cắt giảm 100% việc tổ chức lễ động thổ, lễ khởi công, khánh thành các công trình xây dựng cơ bản để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2016 (ảnh minh họa)
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Chương trình tổng thể của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2016.
Mục tiêu của thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (THTK, CLP) năm 2016 là tiếp tục đẩy mạnh công tác THTK, CLP trong mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế xã hội để sử dụng hiệu quả nguồn lực và góp phần tích cực bổ sung nguồn lực thực hiện các mục tiêu tăng trưởng, phát triển kinh tế, ổn định đời sống, tiêu dùng của nhân dân, bảo đảm an sinh, xã hội.
Năm 2016 là năm có ý nghĩa rất quan trọng, là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020. Việc xây dựng và thực hiện Chương trình THTK, CLP năm 2016 phải được coi là nhiệm vụ trọng tâm của các cấp, các ngành, các địa phương. Đây là yếu tố quan trọng góp phần thực hiện thắng lợi Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 và tạo cơ sở để phấn đấu hoàn thành các mục tiêu của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011 - 2020.
Tiết kiệm 10% chi thường xuyên
THTK, CLP được thực hiện trên tất cả các lĩnh vực theo quy định của Luật THTK, CLP. Trong năm 2016, tiếp tục đẩy mạnh việc quản lý chặt chẽ, tiết kiệm chi tiêu ngân sách nhà nước để giảm chi thường xuyên, góp phần cơ cấu lại chi ngân sách nhà nước. Dự toán năm 2016 bố trí cho các Bộ, cơ quan, đơn vị triệt để tiết kiệm.
Trong đó, tiết kiệm 10% chi thường xuyên (không kể tiền lương và các khoản có tính chất lương) để tạo nguồn cải cách tiền lương, trong đó, phấn đấu tiết kiệm tối thiểu 12% các khoản kinh phí chi hội nghị, hội thảo, tọa đàm, họp, chi tiếp khách, khánh tiết, tổ chức lễ hội, lễ kỷ niệm, sử dụng xăng xe, điện, nước, văn phòng phẩm, sách, báo, tạp chí; tiết kiệm tối thiểu 15% chi đoàn ra, đoàn vào, không bố trí đoàn ra trong chi thường xuyên các Chương trình mục tiêu quốc gia.
Bên cạnh đó, tiết kiệm triệt để trong quản lý, sử dụng kinh phí của đề tài nghiên cứu khoa học, không đề xuất, phê duyệt các đề tài nghiên cứu khoa học có nội dung trùng lặp, thiếu tính khả thi; rà soát các chương trình, dự án đã được cấp có thẩm quyền quyết định để ưu tiên bố trí nguồn lực đối với các chương trình, dự án cần thiết, hiệu quả, cắt giảm các chương trình, dự án có nội dung trùng lặp, kém hiệu quả.
Tiếp tục thực hiện đổi mới cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng tăng cường phân cấp và tăng cường tự chủ về tổ chức thực hiện nhiệm vụ, nhân lực tài chính trên cơ sở có tính đến đặc điểm của từng loại hình dịch vụ, khả năng và nhu cầu thị trường, trình độ quản lý. Triển khai tích cực, hiệu quả Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 2 năm 2015 quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập (gồm cả việc hoàn thiện các văn bản quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập trong các lĩnh vực cụ thể). Đẩy nhanh lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ công, từ đó chuyển từ hỗ trợ ngân sách nhà nước cho các đơn vị sự nghiệp công lập sang hỗ trợ trực tiếp cho các đối tượng chính sách khi tham gia các dịch vụ công.
Không tổ chức lễ động thổ, khởi công, khánh thành các công trình xây dựng cơ bản
Trong quản lý, sử dụng vốn đầu tư xây dựng cơ bản từ ngân sách nhà nước, trong năm 2016, các cấp, các ngành cần tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm các quy định của Luật Đầu tư công; trình Quốc hội thông qua Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016 - 2020; đẩy nhanh tiến độ ban hành và triển khai có hiệu quả các Nghị định và văn bản hướng dẫn Luật; triển khai có hiệu quả Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016 - 2020 và Kế hoạch đầu tư công năm 2016. THTK, CLP thông qua việc tăng cường các biện pháp nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát đối với tất cả các khâu trong quá trình đầu tư; bảo đảm công khai, minh bạch trong đấu thầu thông qua tăng cường đấu thầu rộng rãi, công khai, hạn chế tối đa việc chỉ định thầu các dự án đầu tư.
Tiếp tục triển khai đồng bộ chủ trương, định hướng tái cơ cấu đầu tư công, trọng tâm là đầu tư công theo đúng quy định của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 339/QĐ-TTg ngày 19/2/2013 về phê duyệt Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh giai đoạn 2013 - 2020.
Thực hiện tiết kiệm từ chủ trương đầu tư; tiến hành rà soát cắt giảm 100% các dự án không nằm trong quy hoạch, kế hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt; thu hồi đối với các dự án đã được cấp phép đầu tư nhưng quá thời hạn quy định không triển khai thực hiện theo cam kết hoặc theo giấy phép; cắt giảm, tạm dừng các hạng mục công trình chưa thực sự cần thiết hoặc hiệu quả đầu tư thấp; không để phát sinh thêm và xử lý dứt điểm nợ đọng xây dựng cơ bản.
THTK, CLP thông qua đổi mới cơ bản cơ chế phân bổ và quản lý sử dụng vốn đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư công. Phấn đấu đảm bảo 100% việc phân bổ vốn đầu tư công tuân thủ nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn đầu tư công do cấp có thẩm quyền quyết định. Trong đó, tập trung bố trí vốn đầu tư công để hoàn thành và đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình, dự án quan trọng quốc gia, chương trình, dự án trọng điểm có ý nghĩa lớn đối với phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, của các cấp, các ngành; hoàn trả các khoản vốn ngân sách nhà nước ứng trước kế hoạch; các khoản vốn vay ngân sách địa phương đúng nguồn và đúng mục tiêu.
Chống lãng phí, nâng cao chất lượng công tác khảo sát, thiết kế, giải pháp thi công, thẩm định dự án để phấn đấu tiết kiệm từ 10% đến 15% tổng mức đầu tư; cắt giảm 100% việc tổ chức lễ động thổ, lễ khởi công, khánh thành các công trình xây dựng cơ bản, trừ các công trình quan trọng quốc gia; công trình có giá trị lớn, có ý nghĩa quan trọng về kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội của địa phương.
Truy tố 9 bị can trong vụ án vỡ đường ống dẫn nước Sông Đà
Ngày 3/2, Viện KSND Tối cao đã ra cáo trạng truy tố 9 bị can liên quan tới việc đường ống dẫn nước Sông Đà liên tục bị vỡ về tội “vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Tổng Công ty xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam (vinaconex).
Trong số 9 bị can bị truy tố có các ông Hoàng Thế Trung, nguyên Giám đốc và Nguyễn Văn Khải, nguyên Phó giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước Sông Đà - Hà Nội (Ban QLDA); Trần Cao Bằng, nguyên Giám đốc và Vũ Thanh Hải, nguyên Phó giám đốc Công ty cổ phần ống sợi thủy tinh Vinaconex; Đỗ Đình Trì, nguyên Trưởng đoàn tư vấn giám sát của Công ty cổ phần nước và môi trường Việt Nam - Bộ Xây dựng.
Theo cáo trạng, dự án nước sạch Sông Đà - Hà Nội do Tổng Công ty Vinaconex làm chủ đầu tư, với tổng mức đầu tư là 1.450 tỷ đồng. Năm 2009, dự án được nghiệm thu đưa vào sử dụng, trong quá trình vận hành khai thác tuyến ống liên tục xảy sự cố.
Từ tháng 2/2012 - 9/2015, tuyến ống dẫn nước đã bị vỡ 14 lần, phá hủy 18 cây ống composite cốt sợi thủy tinh, khiến doanh nghiệp khai thác phải chi hơn 13,4 tỷ đồng để sửa chữa, khắc phục sự cố. Kết quả giám định của Bộ Xây dựng cho thấy, nguyên nhân gây ra sự cố do chất lượng ống cốt sợi thủy tinh không đảm bảo yêu cầu thiết kế, độ bền không đạt 50 năm như yêu cầu của dự án.
Hà Nội: Thi công xuyên Tết các công trình giao thông trọng điểm
Ngày 4/2, giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội Vũ Văn Viện đã đi kiểm tra một số công trình giao thông trọng điểm đang thi công của thành phố gồm dự án cải tạo, mở rộng đường Lê Trọng Tấn kéo dài và dự án xây dựng cầu 361 trên đường Láng bắc qua sông Tô Lịch.
Đây là hai dự án quan trọng trong việc giảm thiểu ùn tắc giao thôngcho khu vực nội thành Thủ đô.
Dự án xây dựng, mở rộng đường Lê Trọng Tấn, đoạn từ đường Tôn Thất Tùng kéo dài đến sông Lừ được khởi công từ đầu tháng 1/2016, có chiều dài 1.511m, mặt cắt ngang tuyến đường 27-30m. Sau khi được hoàn thành, dự án mở rộng đường Lê Trọng Tấn sẽ giảm tải giao thông cho tuyến đường Ngã tư Lê Trọng Tấn-Trường Chinh-Tôn Thất Tùng và một số tuyến đường lân cận.
Dự án xây dựng cầu 361 tại đường Láng bắc qua sông Tô Lịch. Cầu được xây dựng bằng bêtông cốt thép với chiều dài 39m, gồm 1 nhịp 33m, mặt cắt ngang cầu 30m.
Công trình khởi công vào tháng 1/2016 và dự kiến hoàn thành sau 18 tháng thi công. Dự án xây dựng Cầu 361 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc kết nối giao thông tuyến đường Láng-Vũ Phạm Hàm.
Sau khi kiểm tra, giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội Vũ Văn Viện đã yêu cầu đơn vị thi công chủ động khắc phục khó khăn, đặc biệt là sự khắc nghiệt của thời tiết, thi công công trình bảo đảm tiến độ, chất lượng; nhắc nhở đơn vị quan tâm, có mức đãi ngộ tốt để người lao động yên tâm làm việc, nhất là các lao động không nghỉ Tết ở lại công trường thi công.
Bên cạnh đó, phải quan tâm chặt chẽ đến yếu tố an toàn trong quá trình thi công, vừa bảo vệ tính mạng tài sản cho người dân khi qua lại quanh khu vực công trình vừa đảm bảo an toàn cho người lao động. Hai công trình trên đều thuộc diện trọng điểm, cần gấp rút hoàn thành nhằm góp phần tích cực giải tỏa ùn tắc giao thông cho Thủ đô.