tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Thái Lan muốn chuyển nước Mekong: Mở đường cho Trung Quốc

  • Cập nhật : 01/09/2015

(Tin kinh te)

"Nếu dự án chuyển nước của Thái Lan được thực hiện thì trong mấy tháng mùa khô, sông Mekong ở hạ du sẽ là dòng sông chết".

GS.TSKH Phạm Hồng Giang, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện là Chủ tịch Hội đập lớn và phát triển nguồn nước Việt Nam, Phó chủ tịch Hội đập lớn thế giới (ICOLD) bày tỏ quan điểm với Đất Việt trước việc Thái Lan có kế hoạch chuyển nước từ sông Mekong.

Đơn phương chuyển nước sông Mekong là phi pháp!

PV:- Chính phủ Thái Lan đang xem xét kế hoạch chuyển nước từ các dòng Mekong, Moei và Salween để tưới tiêu cho các vùng đất nông nghiệp, trong bối cảnh khô hạn đang tiếp tục gây thiệt hại 48 huyện trên 9 tỉnh của nước này. Trước đó, năm 2008, Thái Lan cũng đã từng đề xuất một dự án chuyển nước từ sông Mekong nhưng đã dừng lại do bị phản đối.

 Nếu họ chính thức thực hiện thì sẽ ảnh hưởng tới dòng sông Mekong như thế nào, trong khi, hiện nay nó đang được đánh giá có mực nước thấp nhất trong vòng 30 năm qua?

GS.TSKH Phạm Hồng Giang: - Dự án chuyển nước sông Mekong vào sâu trong lãnh thổ và vào các lưu vực sông khác tại Thái Lan đã được nêu lên từ khá lâu, gây nhiều tranh cãi. Khoảng 9 triệu ha canh tác ở đông bắc Thái Lan rất thiếu nước về mùa khô.

Năm nay, vùng này đã trải qua nạn hạn hán nghiêm trọng nhất trong hơn 70 năm trở lại đây. Sông Chao Phraya là sông có lưu vực lớn nhất ở Thái Lan với vùng hạ du, trong đó có thủ đô Bangkok, cần rất nhiều nước cho phát triển. Nước ngày càng khan hiếm gay gắt về mùa khô là tình trạng chung ở nhiều quốc gia hiện nay.

Tuy nhiên giải pháp đơn phương chuyển nước của dòng sông quốc tế như sông Mekong sang các lưu vực sông khác là việc phi pháp, vi phạm các thỏa thuận quốc tế và tạo ra tiền lệ xấu trong khu vực và trên thế giới, gây nhiều thiệt hại cho các nước ven sông ở hạ du.

Nếu dự án chuyển nước như đã nêu ở trên vẫn được thực hiện thì trong mấy tháng mùa khô, sông Mekong ở hạ du sẽ là dòng sông ‘chết’, chỗ cao hơn thì cạn kiệt, chỗ thấp hơn như tại đồng bằng sông Cửu Long ở Nam Bộ thì ngập mặn.

PV:- Không chỉ có Thái Lan đưa ra các dự án chuyển nước sông Mekong, mà Trung Quốc cũng đang thực hiện dự án đồ sộ chuyển nước Nam - Bắc trên lãnh thổ Trung Quốc với ba tuyến chuyển Đông, Trung và Tây. Trong đó, tuyến phía Tây có chuyển nước từ sông Mekong và sông Salween. Bên cạnh đó, Lào cũng đang muốn phát triển thủy điện vì ngoài dòng chính, các phụ lưu của sông Mekong trên lãnh thổ Lào có nguồn thủy năng đáng kể. Campuchia cũng trù tính lấy nước Mekong tưới cho 3 triệu ha đất hiện đang chỉ trồng được 1 vụ.

Nếu Thái Lan làm được thì có lo ngại tạo tiền lệ xấu cho những quốc gia khác sẽ ồ ạt thực hiện những dự án của họ hay không? Và khi đó, hệ quả chúng ta phải gánh là gì, thưa ông?

GS.TSKH Phạm Hồng Giang: - Như đã nêu ở trên, việc chuyển nước sông Mê Kông sang các lưu vực sông khác trong lãnh thổ Thái Lan chắc chắn sẽ tạo ra tiền lệ rất xấu để các nước ở thượng nguồn những sông quốc tế cũng hành xử như vậy.Cao nguyên Tây Tạng ở Trung Quốc và dãy núi Himalaya, còn được gọi là ‘nóc nhà thế giới’, là nơi phát tích của nhiều sông lớn tại châu Á trong đó có các sông Mekong, sông Salween và sông Yangtse (Dương Tử hay Trường Giang) chảy giữa các tuyến phân thủy rất gần nhau. Sông Mekong từ Trung Quốc qua 4 quốc gia Myanmar, Lào, Thái Lan, Campuchia rồi đến Việt Nam và ra biển Đông.

dap thuy dien tren dong song mekong

Đập thủy điện trên dòng sông Mekong

Sông Salween từ Trung Quốc xuống Myanmar, có đoạn ngắn trên biên giới Myanmar – Thái Lan rồi ra biển Andaman. Sông Yangtse là sông rất lớn, chảy vể phía đông trong lãnh thổ Trung Quốc.

Việc chuyển nước từ các sông Mekong và Salween sang sông Yangtse có thể được thực hiện không có gì khó khăn với kỹ thuật hiện nay và cũng đã được trù tính. Nước sông Yangtse đang theo các kênh đào lớn – mang danh "Vạn Lý Trường Thành" về nước’, để chuyển lên phía bắc Trung Quốc cho vùng Bắc Kinh, Thiên Tân…ngày càng rất thiếu nước.

Nếu phần nước sông Yangtse vẫn chưa đủ đáp ứng nhu cầu ấy thì chắc Trung Quốc sẽ phải hỏi đến các sông Mekong và Salween, tuy "hại người" nhưng cốt lấy lợi mình đã.

Đồng bằng sông Cửu Long phải đối mặt với những nguy cơ về nhiều mặt từ các công trình thủy điện chắn ngang dòng chính, các kế hoạch mở rộng sử dụng nước của các quốc qia ven sông phía trên, nhất là việc chuyển nước sang các lưu vực khác. Ngoài những thiệt hại về môi trường và các nguồn lợi khác như phù sa, thủy sản.. thì về dòng chảy, lũ và hạn, ngập mặn trở nên gay gắt và nguy hiểm hơn rất nhiều.

(Theo báo Đất Việt)

Trở về

Bài cùng chuyên mục