Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội cho rằng, nguyên nhân thị phần bán lẻ Việt Nam rơi vào tay nước ngoài có nhiều lý do. Tuy nhiên, sức ép từ doanh nghiệp Thái Lan, Úc, Mỹ chỉ 30% còn người Việt hại nhau đến 70%.
Kiến nghị dừng hẳn dự án lấn sông Đồng Nai và trả lại nguyên trạng
- Cập nhật : 05/08/2017
Tổ chức Mạng lưới sông ngòi Việt Nam (VRN) vừa gửi kiến nghị đến Chính phủ, các Bộ, ngành và UBND tỉnh Đồng Nai đề nghị dừng hẳn dự án Cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai (dự án lấn sông Đồng Nai) và phá dỡ toàn bộ hạng mục đã san lấp.
Đây là dự án được UBND tỉnh Đồng Nai giao Công ty Cổ phần Đầu tư – Kiến trúc – Xây dựng Toàn Thịnh Phát thực hiện. Theo VRN, dự án sông Đồng Nai là một dự án từng bị công luận và các nhà khoa học đánh giá sẽ gây nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường, phát triển kinh tế - xã hội tại lưu vực sông Đồng Nai, dẫn tới việc Chính phủ ra quyết định dừng dự án này vào năm 2015.
Tuy nhiên, giữa tháng 7/2017 vừa qua, Chính phủ đã có ý kiến giao chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai xem xét xử lý theo thẩm quyền và chịu trách nhiệm về dự án. VRN e ngại rằng điều này sẽ tạo tiền lệ cho việc gia tăng vi phạm và lấn chiếm hành lang thoát lũ, dòng chảy của các con sông của Việt Nam.
Theo VRN, việc xây dựng Dự án sông Đồng Nai cần dựa trên quan điểm tiếp cận hệ thống, tổng thể về phát triển bền vững. Sông Đồng Nai là con sông lớn thứ 3 tại Việt Nam và đây là con sông liên tỉnh chảy qua 10 tỉnh và TP HCM.
Sông Đồng Nai là nguồn sống quan trọng của một trong những vùng kinh tế trọng điểm với dân số lớn nhất trong cả nước. Tuy vậy, tài nguyên nước sông Đồng Nai được đánh giá là rất hạn chế. Tài nguyên nước bình quân đầu người thấp nhất Việt Nam và là 1 trong 4 lưu vực sông của Việt Nam có mức độ căng thẳng về nước lớn nhất trong mùa khô.
Sông Đồng Nai hiện đang chịu nhiều áp lực do phát triển, trong đó có việc xây dựng hàng loạt các thủy điện trên dòng chính, dòng nhánh, ô nhiễm nguồn nước do công nghiệp và đô thị ven sông. Về phương diện quản lý lưu vực sông và quản trị tài nguyên nước, bất cứ hoạt động nào can thiệp liên quan đến dòng chính đều tác động toàn diện đến toàn bộ lưu vực.
Việc lấn sông Đồng Nai cũng đã vi phạm các Điều thuộc Luật Tài nguyên nước (2012), Luật Bảo vệ môi trường (2014), Luật Phòng chống thiên tai (2013) và Luật Giao thông Đường thủy Nội địa (2014).
Cụ thể, Luật Tài nguyên Nước nêu tại Điều 9, “Các hành vi bị nghiêm cấm: Mục 5.Khai thác trái phép cát, sỏi trên sông, suối, kênh, rạch, hồ chứa; khai thác khoáng sản, khoan, đào, xây dựng nhà cửa, vật kiến trúc, công trình và các hoạt động khác trong hành lang bảo vệ nguồn nước gây sạt, lở bờ sông, suối, kênh, rạch, hồ chứa hoặc gây ảnh hưởng nghiêm trọng, uy hiếp đến sự ổn định, an toàn của sông, suối, kênh, rạch, hồ chứa”.
Luật Bảo vệ Môi trường Số 55/2014/QH13 , Điều 56: Bảo vệ môi trường nguồn nước hồ, ao, kênh, mương, rạch: Mục 3 nêu “Tổ chức, cá nhân không được lấn chiếm, xây dựng trái phép công trình, nhà ở trên mặt nước hoặc trên bờ tiếp giáp mặt nước hồ, ao, kênh, mương, rạch; hạn chế tối đa việc san lấp hồ, ao trong đô thị, khu dân cư.”
Luật Giao thông Đường thủy Nội địa (2014) điều 8 nêu rõ “Đổ đất, đá, cát, sỏi hoặc chất thải khác, khai thác trái phép khoáng sản trong phạm vi luồng và hành lang bảo vệ luồng…”. Theo VRN, đây cũng là lỗ hổng lớn nhất về pháp lý mà hồ sơ ĐTM của chủ đầu tư về dự án sông Đồng Nai chưa đáp ứng được.
Bên cạnh đó, VRN cho rằng tác động của dự án sông Đồng Nai tới đời sống của những người dân, đặc biệt là những người mưu sinh nhờ dòng sông chưa được đánh giá đầy đủ.
Thông tin từ dự án lấn sông Đồng Nai cho thấy thực chất đây không chỉ là một dự án chỉnh trị sông ngòi, cải tạo cảnh quan của con sông mà là dự án lấn chiếm sông, kiếm lợi từ nguồn tài nguyên và không gian chung của cộng đồng dân cư sinh sống tại khu vực này.
Diện tích 7,2 ha trong tổng số 8,4 ha của dự án là do lấn lòng sông Đồng Nai để xây dựng 2 chung cư 25 tầng, 34 biệt thự liền kề và một khu thương mại. Việc chỉnh trang đô thị, chống xói lở và tạo không gian công cộng và thân thiện cho người dân sinh sống tại đó nhằm thu hút khách du lịch, nhà đầu tư là điều mà các mô hình đô thị thông minh trên thế giới hiện nay đang theo đuổi. Tuy nhiên, khai thác theo cách để có lợi cho một nhóm nhỏ và một nhóm lớn phải hy sinh không thể là một lựa chọn tốt.
“Hiện nay còn nhiều câu hỏi chưa được giải đáp trong đánh giá tác động môi trường(ĐTM). Nước là tài nguyên thiết yếu cho cuộc sống. Sông suối cần được xem là mạch máu. Dòng chảy sông cần được duy trì một cách tự nhiên như vốn có được quy định bởi tiến trình lịch sử mạng thoát nước tự nhiên, cũng như hệ sinh thái đặc thù riêng.
Sông suối và nguồn nước bị tác động theo chiều hướng xấu chắc chắn sẽ để lại hậu quả lớn cho phát triển kinh tế, xã hội và môi trường. Nhưng các báo cáo ĐTM của dự án chưa làm rõ một số vấn đề quan trọng nhất về đặc trưng dòng chảy sông Đồng Nai. Trong khi đó, nằm ở khu vực phía Nam, sông Đồng Nai sẽ phải đối mặt với những diễn biến khí hậu bất thường xảy ra trong tương lai”, kiến nghị của Tổ chức Mạng lưới sông ngòi Việt Nam cho biết.
Duy Khánh
Theo NDH.VN