tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

6 tuyến đường hơn nửa tỷ đô ở Hà Nội có vi phạm

  • Cập nhật : 20/07/2017

Thanh tra Chính phủ vừa chỉ ra nhiều vi phạm liên quan đến 6 tuyến đường có tổng mức đầu tư 13.000 tỷ đồng ở Hà Nội.

Đường 1.500 tỷ đồng cạnh sân vận động Mỹ Đình nhìn từ trên cao.

 

Thanh tra Chính phủ vừa chỉ ra nhiều vi phạm, khuyết điểm trong việc thực hiện một số dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BT, BOT thuộc lĩnh vực giao thông, môi trường ở Hà Nội. Trong đó có 6 dự án giao thông với tổng mức đầu tư trên 13.000 tỷ đồng, phần lớn lựa chọn nhà đầu tư "có năng lực tài chính hạn chế, không đảm bảo".

 

Cụ thể như, tuyến đường Lê Đức Thọ - Xuân Phương do tính toán áp dụng đơn giá không chính xác đã làm tăng giá trị hợp đồng BT hơn 19,5 tỷ đồng. Tuyến đường này do Công ty CP Tasco đầu tư, dài 3,5 km, tổng mức đầu tư hơn 1.500 tỷ đồng theo hình thức hợp đồng xây dựng chuyển giao (BT) ở Hà Nội, và đã thông xe ngày 28/4.

 

Dự án thứ hai bị nêu tên là nút giao thông trung tâm quận Long Biên, xây dựng theo hình thức hợp đồng BT, tổng mức đầu tư 2.847 tỷ đồng.

 

Theo Thanh tra Chính phủ, dự án nút giao thông trung tâm quận Long Biên do phê duyệt, thẩm định tổng mức đầu tư không chính xác..., dẫn tới tăng giá trị hơn 60 tỷ đồng. Thanh tra Chính phủ đề nghị UBND TP Hà Nội chỉ đạo Ban quản lý dự án hạ tầng tả ngạn và nhà đầu tư giảm trừ tổng mức đầu tư khoảng 34 tỷ đồng.

 

Dự án thứ ba là đường bao quanh đài tưởng niệm danh nhân Chu Văn An ở huyện Thanh Trì và quận Thanh Xuân. Dự án này do Công ty Bitexco làm chủ đầu tư và bị cho là năng lực tài chính hạn chế, chậm tiến độ... làm tăng số tiền gần 28 tỷ đồng.

 

Dự án đường bao quanh đài tưởng niệm danh nhân Chu Văn An dài hơn 3,5 km, có tổng mức đầu tư hơn 1.500 tỷ đồng.

 

Dự án thứ tư là đường Lê Văn Lương kéo dài. Thanh tra Chính phủ chỉ ra nhiều vi phạm, như việc thi công một số hạng mục cầu vượt sông Nhuệ... phát sinh gần 8 tỷ đồng do tăng mật độ cọc.

Tuyến đường Lê Văn Lương kéo dài khánh thành năm 2010, dài 2,67 km bắt đầu từ đường Khuất Duy Tiến đến đường 70.

 

Dự án thứ năm là tuyến đường trục phía Nam tỉnh Hà Tây cũ do Tổng công ty xây dựng công trình giao thông Cienco 5 làm chủ đầu tư. Theo Thanh tra Chính phủ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã thẩm định, phê duyệt và tính chi phí lãi vay 920 tỷ đồng trong tổng vốn đầu tư dự án là chưa có cơ sở, dẫn đến việc xác định giá trị tổng vốn đầu tư để ký hợp đồng sai.

xác định giá trị tổng vốn đầu tư để ký hợp đồng sai tăng 920 tỷ đồng, gây ảnh hưởng lớn đến việc xác định giá trị để giao đất của các dự án đối ứng.

Tổng mức đầu tư của dự án trên 5.000 tỷ đồng, được khởi công từ năm 2008 với thời gian hoàn thành dự kiến năm 2014, tuy nhiên việc triển khai dự án bị chậm so với kế hoạch đề ra.

 

Dự án thứ sáu là tuyến đường trục nối Hà Nội với Hưng Yên. Thanh tra Chính phủ chỉ rõ dự án này tính sai khối lượng một số hạng mục, áp dụng đơn giá và định mức không đúng, làm tăng tổng mức đầu tư lên hơn 14 tỷ đồng.

Tuyến đường này khánh thành năm 2014, đi qua Khu đô thị Ecopark và các huyện Văn Giang, Yên Mỹ, Khoái Châu (tỉnh Hưng Yên).

Nút giao có tổng mức đầu tư lớn nhất Thủ đô nhìn từ trên cao.

 

Bá Đô (tổng hợp)
Theo Vnexpress

Trở về

Bài cùng chuyên mục