Sáng 28/10, báo cáo Quốc hội công tác phòng chống tham nhũng năm 2015, Tổng thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh nhìn nhận, nhiều cán bộ, công chức, viên chức có ý thức sẵn sàng tố cáo hành vi tham nhũng. Ý thức của nhân dân trong việc tố cáo tham nhũng được nâng lên so với trước.
Đại sứ New Zealand: 'Tôi thành công khi kể câu chuyện về Việt Nam'
- Cập nhật : 13/11/2015
(Doanh nhan)
Vai trò ngày càng quan trọng của Việt Nam trong khu vực khiến New Zealand tìm thấy nhiều điểm tương đồng để thúc đẩy hợp tác kinh tế và an ninh.
Đại sứ New Zealand tại Việt Nam Haike Manning trao đổi với VnExpress về hợp tác song phương và những triển vọng trước chuyến thăm của Thủ tướng John Key từ ngày 14/11 đến 17/11.
- Đặc trưng của mối quan hệ Việt Nam - New Zealand 40 năm qua là gì?
- Hợp tác giữa hai bên đang phát triển mạnh mẽ, tôi cho rằng đặc trưng của mối hữu nghị trong suốt 40 năm qua là niềm tin hiện hữu, sự nồng ấm của New Zealand dành cho Việt Nam và ngược lại. Điều chúng ta cần làm trong những năm tới là cố gắng hiểu nhau hơn nữa, tập trung vào những lĩnh vực hợp tác mà hai bên đều có lợi, đó là nông nghiệp, an ninh lương thực và giáo dục.
Chúng ta cùng chờ đón chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng New Zealand John Key vào cuối tuần này. Sau chuyến thăm New Zealand của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng hồi tháng ba thì đây là lần đầu tiên hai nhà lãnh đạo thăm hỏi lẫn nhau trong một năm. Đó là một tín hiệu rất tốt cho mối quan hệ giữa hai nước.
Khu vực ASEAN nói chung đang ngày càng có vai trò quan trọng với New Zealand, không chỉ về phương diện phát triển kinh tế mà còn về an ninh. Trong đó Việt Nam đang thể hiện vị thế của mình bằng sự tăng trưởng kinh tế nhanh chóng. Vì vậy chúng tôi có cơ sở để tăng hợp tác với các bạn.
- Triển vọng của hợp tác trong nông nghiệp là gì ?
- Thật hào hứng khi nghĩ về những điều chúng ta có thể làm cùng nhau, không chỉ là hai bên xuất khẩu hàng hóa sang thị trường của nhau, mà chúng ta còn có thể bán ra thị trường thế giới những sản phẩm chung. New Zealand đã hợp tác với Việt Nam trong sản xuất quả thanh long đủ tiêu chuẩn xuất khẩu. Việc này không chỉ đưa ra nhiều sự lựa chọn cho người tiêu dùng mà còn giúp nông dân Việt có thu nhập cao hơn. Có nhiều công nghệ và quy định về sở hữu trí tuệ của New Zealand đang thực hiện với quả kiwi và táo có thể áp dụng với nhiều loại quả nhiệt đới, giúp Việt Nam giới thiệu nhiều loại quả tuyệt vời ra các nước. Với hải sản, kỹ thuật đánh bắt của New Zealand cũng giúp ngư dân có được thu nhập cao hơn.
- Sau khi hoàn tất đàm phán TPP, hai bên có gặp khó khăn gì để thực hiện hiệp định?
- New Zealand và Việt Nam thực sự không có khó khăn gì lớn trong đàm phán, một trong những lý do đó là chúng ta đã có Hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và với các nước ASEAN, đã vượt qua những trở ngại về thủ tục, thuế. Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) đang đàm phán cũng sẽ là một nền tảng quan trọng cho hợp tác kinh tế của hai nước với các đối tác. Với TPP, hiện các nước tự đang xem xét để chính thức đưa hiệp định này thành hiện thực. Ở Việt Nam chúng ta đã cảm thấy một số tác động, các công ty lớn trên thế giới đến Việt Nam để đầu tư, ngành nông nghiệp Việt Nam sẽ có cải cách. Dù chiếc đồng hồ chưa chạy nhưng mọi người đã sẵn sàng.
- Vì sao New Zealand coi giáo dục là một trụ cột trong hợp tác với Việt Nam?
- Đó là một cách tốt để xây dựng mối liên kết lâu dài giữa hai nước. Các sinh viên Việt Nam khi tới New Zealand học tập có nhiều trải nghiệm và được hưởng thụ nền giáo dục tốt. Khi trở về họ có thể trở thành những đại sứ của chúng tôi. New Zealand cũng xây dựng sự kết nối giữa các trường đại học hai bên, một số chương trình hợp tác chung giữa các tổ chức để các sinh viên học tại Việt Nam có thể có tấm bằng được công nhận ở hai nước. Các cơ hội học bổng cho sinh viên Việt Nam cũng tăng lên, cả ở bậc tiến sĩ. Chính phủ New Zealand dành cho sinh viên Việt Nam 50 suất học bổng mỗi năm.
Bên cạnh giáo dục, chúng tôi cũng muốn tăng giao lưu nhân dân thông qua việc mở ra nhiều cơ hội cho người Việt Nam đến New Zealand du lịch. Các bạn trẻ có visa đặc biệt nếu tham gia chương trình kết hợp học tập, làm việc và du lịch lên đến một năm với khoảng 100 địa điểm.
- Hai nước hợp tác quốc phòng - an ninh thế nào thưa ông?
- Trong hai năm qua chúng ta có một số chuyến thăm lẫn nhau của quan chức quốc phòng cấp cao. New Zealand hỗ trợ đào tạo tiếng Anh cho các sĩ quan Việt Nam, về nghiệp vụ gìn giữ hòa bình khi Việt Nam đang tham gia lực lượng gìn giữ của Liên Hợp Quốc.
New Zealand cũng tham gia rất nhiều cơ chế trong khu vực như như Diễn đàn khu vực (ARF), Cấp cao Đông Á (EAS), Hội nghị Bộ trưởng quốc phòng ASEAN cộng (ADMM+). Chúng tôi hợp tác chặt chẽ với các nước ASEAN ở cấp bộ trưởng và nhóm làm việc về an ninh trên biển, gìn giữ hòa bình và hỗ trợ nhân đạo. Chúng tôi hợp tác trên thực tế với các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam để xây dựng hợp tác và xây dựng lòng tin trong khu vực. Lý do là khu vực này có vai trò quyết định tới hòa bình, thịnh vượng trong tương lai của New Zealand, chúng tôi muốn bảo đảm sự ổn định ở đây.
- Ông tâm huyết điều gì với vai trò Đại sứ tại Việt Nam?
- Điều quan trọng nhất với tôi có thể là thực sự giúp chính phủ New Zealand và doanh nghiệp hiểu rằng Việt Nam đang thay đổi rất nhanh chóng, Việt Nam có vai trò ngày càng quan trọng ở khu vực và với tương lai của New Zealand. Phần lớn công việc của tôi là kể câu chuyện đó, đảm bảo doanh nghiệp của chúng tôi đón lấy các cơ hội ở đây và hiểu biết về những điều đang diễn ra. Trong khi đó, phản hồi từ chính phủ Việt Nam cũng rất tích cực, quan hệ hai bên đang được củng cố hơn và có chiều hướng đi lên. Tôi nghĩ mình đã thu được một số thành công nhất định. Thủ tướng New Zealand sắp thăm Việt Nam, nhiều doanh nghiệp cũng quan tâm tới đất nước này.