Diamond Island sẵn sàng cho năm 2016, khi bất động sản cao cấp được dự đoán tăng đến 20% so với năm 2015.
Những dự án tỷ USD ở xóm núi
- Cập nhật : 23/02/2016
(Bat dong san)
Là các xã nghèo nhất huyện, là những huyện thiếu thốn ngân sách “đứng đầu” cả tỉnh, nhưng câu chuyện bứt phá với việc hai xã nghèo ở hai huyện Phú Bình và Phổ Yên đóng góp cho ngân sách tỉnh Thái Nguyên hàng nghìn tỷ đồng đang làm các nhà hoạch định chính sách và giới doanh nhân “đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác”. Xã nghèo cất cánh, vì sao?
Tỷ USD “mọc” trên đất đồi
Vài năm trước, cả diện tích đất hàng trăm ha ở xã Điềm Thụy (huyện Phú Bình), xã Hồng Tiến (huyện Phổ Yên) chỉ là đất đồi thoải bạc màu, ruộng một lúa năng suất thấp, đất cằn cỗi bỏ hoang… thì nay, khi KCNĐiềm Thụy (Dự án do BQL các KCN tỉnh Thái Nguyên làm chủ đầu tư) đi vào hoạt động, mọi thứ đã khác.
Nếu trước đây, người dân của ba xã chỉ quen với luống cày, chai tay vì những nhát cuốc trên đất cằn sỏi đá, hoa màu héo úa, quanh năm gọi tên “cây lúa, cây keo”, thì giời đây họ bắt đầu quen dần với nhiều cái tên rất “Tây” như Aseadaeryan, YS Vina, Toyota, Canon… tên của những doanh nghiệp có nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Những doanh nhân nói tiếng Anh, vốn không thuộc đường bản địa, chưa một lần giao tiếng bằng tiếng địa phương lại bỗng dưng “đổ dồn” về xóm núi làm ăn, “canh tác” trên chính phần đất bạc màu để tạo ra giá trị thặng dư theo tốc độ chóng mặt.
Và các doanh nhân đó đã biến khu KCN Điềm Thụy như một khu đô thị với những căn nhà liền kề thấp tầng, có lề lối, được quy hoạch chặt chẽ mang sức sống hiện đại giữa đại ngàn.
Điều lạ lùng, dù ở giữa núi rừng, nhưng KCN Điềm Thụy lại được mệnh danh là một trong những khu công nghiệp có quy hoạch bài bản, khoa học. Bởi lẽ phần lớn các nhà đầu tư đều có nguồn vốn FDI, đến từ các quốc gia có nền công nghệ đỉnh cao như Hàn Quốc, Nhật Bản. Những doanh nghiệp này, họ sản xuất linh kiện điện tử, sản phẩm công nghiệp phụ trợ cho các tập đoàn hàng đầu thế giới như Canon, Nokia, Toyota…
Từ nền đất cằn cỗi, nhưng ở Điềm Thụy, giờ nhìn đâu cũng thấy tiền, khi ở Điềm Thụy, dù, “còn lại một vài lô đang giải phóng mặt bằng – ông Phan Mạnh Cường, trưởng BQL các KCN tỉnh Thái Nguyên nói - nhưng nhà đầu tư nước ngoài đã đăng ký hết, không còn một tấc đất nào”.
Chỉ tay vào tấm bản đồ quy hoạch KCN Điềm Thụy, ông Cương nói rằng “lô C5 đã có 4 nhà đầu tư với số vốn đăng ký 70 triệu USD”. Và bên kia con đường của KCN, ở lô C6, dự án của Hyundai đã hoàn thiện giai đoạn 1 với tổng mức đầu tư lên đến 100 triệu USD, trong khi, mặt bằng giai đoạn 2 của doanh nghiệp này cũng đang được tiếp tục san lấp và khởi công vào những ngày tới với số vốn “khủng” 150 triệu USD.
Máy xúc, xe tải chở đất, công nhân, ngày đầu năm mới nhưng vẫn hoạt động không ngừng nghỉ. Từ xa, nhiều chiếc máy xúc với những chiếc răng sắt trông như bộ nanh của hùm thiêng nơi đại ngàn đang cào bới những quả đồi trơ trọi cỏ cây, làm nhẵn mặt bằng để lấy hạ tầng cho dự án. Làm cuốn chiếu, những nơi có mặt bằng thì nhà máy đã hoạt động, và ở nơi đang san gạt đất đá, nhà đầu tư cũng đã “chiếm chỗ” với những tham vọng cho các sản phẩm xuất khẩu cả tỷ USD sau ngày hoàn công.
Ngay tại lô C2, C4, cả hai khu đất này, dù chưa giải phóng mặt bằng xong hoàn toàn nhưng nó đã “chứa” 30 nhà đầu tư đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc với số vốn đăng ký lên đến 350 triệu USD!. Theo đó, lô C2 đã có 20 doanh nghiệp đăng ký, Ban quản lý các KCN tỉnh Thái Nguyên đã cấp chứng nhận đầu tư với tổng số tiền lên đến 250 triệu USD. Rồi lô C4 cũng vừa được cấp chứng nhận đầu tư cho 10 công ty của Nhật với số vốn 100 triệu USD…
Làm xong không có ai vào là có tội
Thời điểm được phê duyệt quyết định đầu tư KCN Điềm Thụy (năm 2011), tỉnh Thái Nguyên lúc đó vẫn là “điểm mù” trên bản đồ về đầu tư hạ tầng KCN nếu so sánh với như Bắc Ninh, Bắc Giang, Phú Thọ, Vĩnh Phúc...
Xuất phát điểm thấp, khó khăn chồng chất, dù cả dự án có tổng mức đầu tư 1.416 tỷ đồng, nhưng KCN Điềm Thụy chỉ được tỉnh Thái Nguyên giao vỏn vẹn 2,4 tỷ đồng làm “vốn lận lưng”. Sang năm 2013, trong điều kiện ngân sách tỉnh khó khăn không có nguồn vốn để phân bổ, Ban quản lý KCN Thái Nguyên đã chủ động nhận định tình hình, nắm thời cơ và mạnh dạn tham mưu cho UBND tỉnh trình Tỉnh ủy “phương án táo bạo” khi xin chấp thuận chủ trương “lấy mỡ nó rán nó”.
Khi tiến hành vận động và sử dụng toàn bộ tiền ứng trước tiền thuê đất có hạ tầng nộp một lần của các nhà đầu tư thứ cấp vào KCN nhằm bồi thường giải phóng mặt bằng, xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ... Thuyết trình của lãnh đạo Ban quản lý KCN, sau đó được tỉnh Thái Nguyên chấp thuận.
Ngay sau khi Tỉnh ủy, UBND tỉnh ”bật đèn xanh”, Ban quản lý các KCN tỉnh đã chủ động tìm tòi, vận động, thuyết phục các nhà đầu tư ứng tiền thuê đất để bồi thường giải phóng mặt bằng, xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ ... "Hồi đó nhân sự của ban quả lý còn mỏng, tôi làm đủ thứ việc, đa phần là doanh nghiệp FDI nên tôi phải tự nói chuyện trực tiếp với họ. Mình hiểu được ngôn ngữ, xem họ là bạn, hiều được văn hóa, và quan trọng họ thấy được tiềm năng và bài toán lợi nhuận qua phần thuyết trình của mình nên sau mấy buổi làm việc, các doanh nghiệp Nhật, Hàn Quốc đưa nhau đến đầu tư”, ông Cường nhớ lại giai đoạn đầu gian nan.
Ông Phan Mạnh Cường, Trưởng Ban quản lý các KCN tỉnh Thái Nguyên: Giải phóng mặt bằng đến đâu là các DN đăng ký đến đó
Và kết quả của những lần thuyết trình đó, khó khăn về tài chính đã được giải quyết. Nhà đầu tư chấp thuận giải ngân ứng trước 556 tỷ đồng đầu tư hạ tầng trong tổng mức đầu tư 1.416 tỷ đồng của KCN Điềm Thụy. “Khi hạ tầng hoàn thiện đến đâu thì doanh nghiệp họ xây dựng đến đó, đến nay không còn thừa một tấc đất”, ông Cường phấn chấn.
Từ những xã nghèo nhất tỉnh, nhiều người đang ví von Điềm Thụy, Hồng Tiến khi nhường đất cho KCN Điềm Thụy đã giúp đóng góp ngân sách cả nghìn tỷ đồng. Bởi, theo tính toán của Ban quản lý các KCN tỉnh Thái Nguyên, nguồn thu nộp vào ngân sách tỉnh từ dự án hạ tầng KCN Điềm Thụy (chưa bao gồm thu tái định cư và dịch vụ) sẽ đạt con số 1.990tỷ đồng. “Huyện Phú Bình từ huyện nghèo thì giờ đã có thứ hạng rồi”, ông Cường cho biết.
“Khi thuyết trình với lãnh đạo tỉnh cũng rất lo, nếu mình làm xong hạ tầng mà không có nhà đầu tư nào ngó ngàng thì là có tội, tội rất to”. Nhưng Trưởng ban quản lý dự án các KCN Thái Nguyên, ông Phan Mạnh Cường, giờ đây có thể thở phào, khi những lo lắng của ông được đền đáp bằng thành quả cụ thể. Chính thức triển khai vào tháng 10/2013, đến nay, chưa ngót 3 năm, nhưng Điềm Thụy đã “níu chân” 48 nhà đầu tư với số vốn lên đến 800 triệu USD, tạo công ăn việc làm cho gần 4000 lao động địa phương, doanh thu xuất khẩu 1.875 tỷ đồng, nộp ngân sách 100 tỷ đồng.
Trong quý II/2016 sẽ thu hút đầu tư lấp đầy KCN. Và khi KCN lấp đầy, các dự án đi vào hoạt động ổn định sẽ tạo kim ngạch xuất khẩu 1 tỷ USD, tạo việc làm ổn định cho 2 vạn lao động, nộp ngân sách hàng năm đạt 500 tỷ đồng.