tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Kinh tế Việt Nam 2016: Thách thức mới

  • Cập nhật : 04/01/2016

(Kinh te)

Năm 2016, Việt Nam hội nhập sâu rộng mở ra nhiều cơ hội cùng những thách thức mới, song nền kinh tế cũng được kỳ vọng sẽ gặt hái được những thành quả mới nếu chúng ta nắm bắt được cơ hội, nỗ lực vượt khó vươn lên.

ong cao si kiem.

Ông Cao Sĩ Kiêm.

 Chúng tôi ghi nhận ý kiến của các đại biểu Quốc hội nhìn nhận, đánh giá và những kỳ vọng với nền kinh tế trong năm 2016.

Đại biểu Quốc hội Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước: “Cơ hội đang là lý thuyết, thách thức đã hiện hữu”

Năm 2016, nền kinh tế Việt Nam sẽ có nhiều thuận lợi khi các hiệp định mới đã hình thành, đang ký kết nói chung sẽ mở ra cơ hội lớn trong việc huy động vốn, mở ra khả năng xuất khẩu, giải quyết thị trường lao động... Từ đó sẽ tạo ra những điều kiện rất tốt để chúng ta hội nhập sâu hơn, toàn diện hơn, sức cạnh tranh của chúng ta được cải thiện tốt hơn, góp phần tăng thêm thu nhập cho người lao động. Đây cũng là dịp để chúng ta nâng vị trí của mình thêm một bước trên trường quốc tế.

Một thuận lợi khác là qua nhiều năm bị khủng hoảng tài chính tiền tệ, kinh tế, doanh nghiệp đi xuống, rời thị trường nhiều, nhưng trong năm 2015 nền kinh tế đã phục hồi. Kết quả chỉ tiêu của năm 2015 tương đối toàn diện, doanh nghiệp đã bắt đầu hồi sức, trở lại thị trường nhanh hơn, tốt hơn. Bên cạnh đó chúng ta đã một bước hoàn thành hệ thống thể chế, giải quyết được những vấn đề tồn tại, giải phóng sức lao động, tạo sự vươn lên của doanh nghiệp. Quá trình sắp xếp lại doanh nghiệp, ngân hàng, đã có những kết quả ban đầu, cách điều hành tập trung hơn, những khó khăn của doanh nghiệp đã dần được tháo gỡ.

Ngoài ra, năm 2016 chúng ta còn tiến hành Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, sẽ chọn lựa được đội ngũ lãnh đạo mới, góp phần tạo ra động lực phấn đấu hơn. Đó là những thuận lợi cơ bản để chúng ta vững tin bước vào năm 2016.

nganh det may co nhieu co hoi khi viet nam gia nhap tpp. anh: hong vinh.

Ngành dệt may có nhiều cơ hội khi Việt Nam gia nhập TPP. Ảnh: Hồng Vĩnh.

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi nền kinh tế Việt Nam cũng đang đứng trước những thách thức rất lớn, thậm chí còn lớn hơn cả năm 2015. Tình hình biến đổi khí hậu đã và đang hoành hành, biểu hiện rất rõ, ảnh hưởng rất lớn đến nền nông nghiệp. Rồi khó khăn từ vòng xoáy của giá nông sản, thực phẩm đang giảm trên phạm vi toàn thế giới. Mặt khác chúng ta cũng bị ảnh hưởng do tác động của nền kinh tế thế giới phục hồi không đều.

Trong bối cảnh đó, việc Mỹ tăng lãi suất cho vay, dòng vốn thế giới sẽ hút về những nước phát triển như Mỹ, làm đồng tiền đô la mạnh lên, các đồng tiền khác thay đổi. Chúng ta cũng phải thay đổi thông qua tỷ giá, làm đảo lộn tình hình sản xuất kinh doanh. Hay thị trường chứng khoán, bảo hiểm cũng đang khó khăn, tuy phục hồi nhưng chưa thực sự vững chắc.

Ngay cả khi đã kiện toàn Đại hội ở cấp trung ương và địa phương, các cán bộ được lựa chọn vẫn chưa quen và mới đang bắt đầu thâm nhập làm quen dần. Khi hội nhập thị trường theo những diễn biến của thế giới, kéo theo những tiêu cực về thủ tục hành chính, tham nhũng, gây ra những tác động không tích cực, tạo thách thức lớn.

Năm 2016, thời cơ rất lớn nhưng khó khăn cũng rất nhiều, trong đó khó khăn đã hiện hữu rồi nhưng thời cơ thì vẫn còn đang ở dạng lý thuyết. Tôi ví dụ, tham gia TPP sẽ mở ra cơ hội tốt cho xuất khẩu, nhưng liệu hàng hóa của ta có phù hợp với thế giới không?

Mặc dù vậy với khả năng thích ứng và những bài học rút ra của chúng ta từ cải cách thể chế, thủ tục hành chính, cơ cấu lại nền kinh tế đã tạo nên động lực mới, sức mạnh mới, mô hình mới trong tương lai. Khó khăn lớn nhưng với những điều kiện, thời cơ ấy chúng ta có thể khắc phục được những khó khăn và có thể khai thác nhanh những yếu tố thuận lợi.

Để hiện thực hóa điều này, đòi hỏi phải có vai trò chỉ đạo và linh hoạt trong chỉ đạo điều hành, có phân cấp, phân quyền để tạo cho người dân và doanh nghiệp làm chủ thực sự. Con người đóng vai trò quyết định, nếu chúng ta dũng cảm nhìn thẳng vào những sai lầm để sửa chữa, có quyết tâm lớn cộng với sự ý thức của người dân chắc chắn chúng ta sẽ tận dụng được cơ hội, vượt qua thách thức để vươn lên trong năm 2016.

Đại biểu Quốc hội Bùi Thị An: “Nội lực đóng vai trò quyết định”

ba bui thi an.

Bà Bùi Thị An.

Việc càng ngày càng hội nhập sâu sẽ là cơ hội rất lớn để nước ta giao lưu, xúc tiến thương mại. Chúng ta vẫn thường nói với nhau rằng, “đi một ngày đàng, học một sàng khôn”. Chính sự hội nhập, giao lưu sẽ mang lại nhiều cơ hội cho đất nước.

Nhưng ngược lại chúng ta cũng phải đối mặt với một thách thức lớn khi phải cạnh tranh một cách bình đẳng khi hội nhập. Trong bối cảnh đó chúng ta cần phải làm thế nào để đối phó với tình hình mới? Tôi cho rằng, trước tiên chúng ta phải hoàn chỉnh thể chế để vượt lên thách thức, nội lực phải được nâng lên, bởi vấn đề bây giờ thuộc về yếu tố chủ quan của chúng ta. Mục tiêu GDP đề ra lớn, quá trình tái cơ cấu lại không hề đơn giản, nếu không có nội lực, không tự nâng tầm mình lên sẽ rất khó. Song tôi vẫn tin mình sẽ làm được nếu có giải pháp và có quyết tâm.

Theo tôi, muốn nội lực nâng lên trước tiên chúng ta phải áp dụng khoa học công nghệ cao vào sản xuất kinh doanh, nhất là trong nông nghiệp. Nếu chất lượng cuộc sống của hơn 60% dân số được nâng lên thì mọi chuyện sẽ ổn hơn. Bên cạnh đó cũng cần phải tập trung cho doanh nghiệp bằng cải cách và đổi mới, hoàn chỉnh thể chế để doanh nghiệp bứt phá lên. Đặc biệt chúng ta phải thúc đẩy mạnh mẽ tái cơ cấu, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, chỉ như vậy mới phát triển được. Do vậy cần phải cổ phần hóa, tái cơ cấu và tăng cường quản trị doanh nghiệp Nhà nước.

Một vấn đề khác, vừa qua chúng ta nhập siêu quá nhiều nên phải tổ chức lại sản xuất để chiến thắng ngay trên sân nhà. Hướng tới xuất khẩu là rất tốt, song chúng ta cần phải tận dụng tối đa thị trường lớn với hơn 90 triệu dân hiện nay. Muốn không bị thua ngay trên sân nhà thì chất lượng sản phẩm phải được nâng lên và giá thành sản phẩm phải hạ xuống, có như vậy mới khai thác và tận dụng tối đa được thị trường trong nước.

Phải biến con kiến thành con thỏ

“Tôi nghĩ năm 2016 vẫn sẽ tiếp tục duy trì được tăng trưởng. Nhưng cái quan trọng bây giờ chúng ta đã hội nhập sâu nên đòi hỏi cách điều hành phải thay đổi mạnh, chứ không phải cứ thấy doanh nghiệp yếu là “bơm” thuốc bổ để họ mạnh lên. Chúng ta nên tập trung mạnh vào tái cơ cấu nền kinh tế, tái cơ cấu doanh nghiệp để thay đổi căn bản về chất lượng cạnh tranh. Tôi ví dụ, như nền kinh tế của chúng ta hiện nay như là con kiến bé tí. Nếu mình chỉ cố gắng giúp để cho con kiến chạy nhanh, chạy nhiều bước thì chẳng giải quyết được gì khi xung quanh nó toàn ngựa và thỏ chạy rất nhanh. Do đó, chúng ta phải thay đổi cấu trúc để biến con kiến thành con thỏ”, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên.

Văn Kiên (ghi)

(Theo CafeF)

 

Trở về

Bài cùng chuyên mục