“Bao nhiêu doanh nghiệp tư nhân đã tạo được thanh thế trên thị trường thực sự là tư nhân?”
Gia nhập AEC: Lo Việt Nam bị "chảy máu" chất xám mạnh hơn!
- Cập nhật : 03/01/2016
(Kinh te)
Năng suất lao động Việt Nam thấp và thua kém so với nhiều nước trong khu vực. Chuyện những chuyên gia đầu ngành của nước ta bị câu kéo ra nước ngoài làm việc không chỉ là nguy cơ mà đang là thực tế hiện hữu từng ngày.
Nhân sự kiện Việt Nam gia nhập Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) vào ngày 31/12/2015, PV Dân Trí có cuộc trao đổi với chuyên gia Kinh tế Phạm Chi Lan về hiện trạng năng suất lao động Việt Nam, nguy cơ chảy máu chất xám khi Việt Nam gia nhập AEC.
Gần đây người ta nói nhiều đến việc năng suất lao động Việt Nam đang kém đi, tăng chậm lại và chất lượng thấp đi so với các nước trong khu vực,… bà nghĩ sao về vấn đề này?
Đúng là có chuyện Việt Nam đang có đứng trước nguy cơ khủng hoảng năng suất lao động so với chính mình và so với các nước trong khu vực. Biểu hiện số tiền trung bình lao động Việt Nam làm ra chỉ bằng 1/3 lao động Malaysia, 1/6 lao động Thái Lan. Nếu so với các quốc gia như Hàn Quốc, Nhật Bản thì chúng ta càng thua kém hơn.
Từ năm 1995 đến những năm 2005, chúng ta chứng kiến những sự bức tốc của năng suất lao động Việt Nam. Từ nước nghèo, chậm phát triển, chúng ta đã trở thành nước thu nhập trung bình thấp. Sự tăng năng suất lao động này chúng tôi gọi đó là tăng cơ học lần thứ nhất, đó là khi có rất đông lao động nông thôn gia nhập nhóm lao động công nghiệp, khiến đồng lương tăng và sản phẩm công nghiệp tăng rõ rệt. Và những năm 2010, chúng ta thừa hưởng được hệ quả của các cuộc di cư, luân chuyển lao động từ nông thôn ra thành thị.
Tuy nhiên, từ vài năm trở lại đây, năng suất lao động chững lại, không tăng nữa? Vì đâu? Câu trả lời là chỉ dựa vào di chuyển lao động nông nghiệp – công nghiệp, dịch vụ đơn thuần chúng ta chỉ có hệ số tăng năng suất lao động trong ngắn hạn. Vì vậy, càng phát triển, càng hội nhập, chúng ta càng thấy rõ bản chất vấn đề đáng báo động như thế nào.
Giải pháp cho vấn đề tăng năng suất lao động đã được nhiều chuyên gia trong và ngoài nước nói như: cải cách thủ tục hành chính, môi trường kinh doanh; chú trọng đào tạo lao động có kỹ năng chuyên môn và kỹ năng mềm (ngôn ngữ, giao tiếp), tập trung cho khoa học công nghệ, nghiên cứu và phát minh… Tuy nhiên, trong thời gian dài chúng ta không làm được.
Lại nói về giáo dục, gần đây dư luận đang xôn xao chuyện các du học sinh đi du học không trở về, dưới góc nhìn của nhà kinh tế, bà có bình luận về sự việc này?
Theo tôi đây là chuyện bình thường của cơ chế thị trường khi du học sinh đi học ở nước ngoài, họ thấy được môi trường làm việc ở nước ngoài tốt hơn, họ sẽ ở lại làm việc. Đây hoàn toàn không nên xét họ ở góc độ cống hiến hay yêu nước, bởi mỗi cá nhân hãy làm tốt vai trò và chỗ đứng của mình, tự khắc đất nước đi lên và phát triển.
Tôi và rất nhiều người vui mừng khi Việt Nam có một cộng đồng rất đông những chuyên gia rất nổi tiếng tại Úc. Họ được xem là những chuyên gia đầu ngành của nước này và được người bản xứ đánh giá rất cao năng lực của họ. Họ cũng đã và đang đóng góp làm cầu nối cho khoa học nước nhà phát triển thông qua nhiều hình thức hợp tác về khoa học kỹ thuật và giáo dục.
Về góc độ kinh tế, Nhà nước luôn coi họ là 1 bộ phận không tách rời của đất nước. Ngoài các khía cạnh lớn về tinh thần như (hình thành những cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, được thế giới biết đến khi người Việt Nam thông minh và hội nhập…. Họ vẫn thường xuyên gửi ngoại tệ về cho Việt Nam.
Để có hàng nghìn du học sinh, có thông tin mỗi năm Việt Nam bỏ ra số tiền 3 tỷ USD. Đây có phải con số lớn và là sự mất mát ngoại tệ không, thưa bà?
Tôi sẽ mừng hơn khi Việt Nam bỏ nhiều tiền đi du học, bởi đầu tư cho giáo dục là khoản đầu tư sinh lời lớn nhất. Trong các phương trình toán học, kinh tế học đều khẳng định, tăng trưởng kinh tế dựa vào lao động giá rẻ, khai thác tài nguyên thiên nhiên chỉ có tăng trưởng ngắn hạn. Còn khi tăng trưởng ấy dựa vào nguồn lực con người, đầu tư cho các công trình mới, nghiên cứu mới sẽ có tăng trưởng dài hạn, bền vững.
Số tiền 3 tỷ USD, không hề to so với số tiền mà mỗi năm người Việt Nam bỏ ra mua thuốc lá, uống bia, rượu. Càng không thể so sánh với việc nhập siêu từ Trung Quốc mấy chục tỷ đô hay nhập hàng hóa nước ngoài về dùng được. Chúng ta xuất khẩu du học một đồng, sẽ thu về nhiều đồng. Đây là bài học mà Hàn Quốc, Nhật Bản những năm thuộc thập kỷ 70 và 80 đã làm và rất thành công.
Nhiều chuyên gia đề cập đến chảy máu chất xám trong hội nhập ASEAN gia tăng khi cơ chế di chuyển lao động tự do giữa các nước có hiệu lực. Chúng ta sẽ mất dần lao động có kỹ năng, tay nghề, bà nghĩ sao về vấn đề này?
Mục đích của chu chuyển tự do trong lao động là xây dựng một thị trường sản xuất chung, xóa nhòa khoảng cách phát triển. Nếu Việt Nam có nhiều lao động phổ thông, các nước như Singapore, Thái Lan, Malaysia sẽ cho các lao động này sang làm việc. Ngược lại, Việt Nam thiếu lao động kỹ năng, trình độ cao, có thể mở cửa cho những chuyên gia, kỹ sư từ Thái, Singapore sang làm việc.
Về mặt lý thuyết là vậy, song trên thực tế môi trường kinh doanh tại Việt Nam chưa được cải cách sâu rộng, trình độ quản lý kinh tế của Việt Nam còn lạc hậu, thậm chí nhiều thủ tục vẫn nằm đáy, khác biệt sâu so với các nước ASEAN 6. Chính vì vậy sẽ không nhiều DN Việt có thể mời được đội ngũ kỹ sư, chuyên gia giỏi, bậc cao từ ASEAN về đâu.
Trong khi đó, tại Việt Nam những sinh viên xuất sắc mới ra trường, những chuyên gia bậc trung và 1 số người quản lý bậc cao thuộc “Top” đầu luôn bị săn đón bởi các tập đoàn nước ngoài. Không ít trong số đó được mời sang nhiều nước để làm việc với cơ chế cực kỳ hậu hĩnh. Đây là sự chảy máu chất xám đã và đang diễn ra và với sân chơi AEC, nếu Việt Nam không thay đổi nhanh thì chắc chắn những vấn đề cố hữu về năng suất lao động và chảy máu chất xám còn tệ hơn nữa.
Xin trân trọng cảm ơn bà!