Việt Nam vẫn ghi nhận mức tăng trưởng vượt dự báo mặc dù có cán cân thương mại thâm hụt – điều mà thị trường không ngờ tới.
10 sự kiện kinh tế gây xôn xao năm 2015
- Cập nhật : 03/01/2016
(Kinh te)
Từ “chai nước có ruồi”, chất lượng bữa ăn, giá xăng giảm mạnh cho đến những hiệp định thương mại mang tính toàn cầu… tất cả đều đã vẽ lên một bức tranh đa sắc của nền kinh tế Việt Nam năm 2015. Dù có những gam màu trầm, nhưng về chủ đạo, kinh tế đã sáng hơn nhiều so với trước.
1.Tăng trưởng GDP cao nhất 8 năm, lạm phát thấp nhất 15 năm
Mặc dù lạm phát thấp nhưng tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2015 vẫn vượt kế hoạch đề ra (Ảnh: Hữu Nghị)
Thông tin từ Tổng cục Thống kê cho hay, Việt Nam kết thúc năm 2015 với mức tăng trưởng ấn tượng, đạt tốc độ tăng 6,68%.
Theo đánh giá của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh thì đây là năm có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất trong 8 năm qua, vượt mục tiêu đề ra, tạo đà cho sự phát triển 5 năm tới.
Trong khi đó, mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô mà Chính phủ đề ra cho năm 2015 dường như đã vượt mong đợi với chỉ số lạm phát thấp ngoài dự đoán. Theo đó, CPI cả năm 2015 chỉ tăng 0,6% (so với thời điểm cuối năm 2014), đây là mức tăng thấp nhất của chỉ số này kể từ năm 2001.
Tổng cục Thống kê cho biết, lạm phát năm 2015 thấp không phải do sức mua giảm sút mà do chi phí đẩy tăng thấp thông qua việc quản lý chặt các mặt hàng thiết yếu của cơ quan quản lý.
Cơ quan thống kê cho rằng, đây là một thành công của nền kinh tế cũng như việc điều hành của Chính phủ. Lạm phát năm nay thấp nhưng tăng trưởng GDP lại cao hơn năm ngoái cũng cho thấy, chất lượng tăng trưởng của 2015 đã được khẳng định.
2. TPP và một năm bội thu các hiệp định thương mại tự do
Theo nhận định của một tờ báo Nga, trong năm 2015, Việt Nam đã lập kỷ lục là nước đạt được nhiều thỏa thuận nhất về hiệp định thương mại tự do (FTA) với cả các đối tác phương Đông và phương Tây.
Cụ thể, năm nay, Việt Nam đã thực hiện ký kết 2 hiệp định thương mại tự do (FTA), kết thúc đàm phán 2 hiệp định và đang trong giai đoạn đàm phán 2 hiệp định khác:
Hai hiệp định đã ký kết là Hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh Á Âu (VCUFTA). Cả hai cùng được ký kết vào tháng 5/2015.
Hai hiệp định đã kết thúc đàm phán là Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) (02/12/2015) và Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương - TPP (05/10/2015).
Hai hiệp định vẫn đang trong tiến trình đàm phán gồm Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP - Asean+6) và Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Khối EFTA (gồm các nước Thụy Sĩ, Nauy, Ireland, Lichteinsten).
Tất cả các FTA kể trên khẳng định quyết tâm của các nhà lãnh đạo Việt Nam trong việc đưa đất nước hội nhập kinh tế thế giới với những bước đi cụ thể.
3. Nền kinh tế trước tình trạng lao dốc của giá dầu thô
Mặc dù ghi nhận tăng giá trong mấy ngày vừa qua, song giá dầu thô vẫn ở dưới ngưỡng 40 USD/thùng và thấp hơn rất nhiều so với mức 110 USD/thùng cách đây 18 tháng.
Giá dầu giảm đã mang lại nhiều tin vui cho người tiêu dùng khi giúp giá xăng giảm gần 25% và chỉ số giá giao thông nhờ đó cũng giảm gần 12% trong năm. Ngoài ra, người tiêu dùng cũng hưởng lợi gián tiếp khi giá nguyên liệu xuống thấp hạ chi phí đầu vào của doanh nghiệp, từ đó giá cả hàng hoá đến tay người tiêu dùng cũng trở nên rẻ hơn.
Tuy nhiên, do giá dầu thô giảm nên ngân sách nhà nước ước tính bị hụt thu 63.000 tỷ đồng (số liệu công bố tại Quốc hội hồi cuối tháng 10). Mới đây, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cho hay, năm 2015, Việt Nam mất hơn 3 tỷ USD vì giá dầu giảm, ảnh hưởng đến chỉ tiêu tăng trưởng hơn 10% của tổng kim ngạch xuất khẩu.
4. Ngân hàng Nhà nước mạnh tay chống đô la hoá và mua ngân hàng giá 0 đồng
2015 được xem là một năm biến động của tỷ giá USD trong bối cảnh đồng USD tăng giá do kỳ vọng Cục Dự Trữ liên bang Mỹ (Fed) điều chỉnh tăng lãi suất và Trung Quốc bất ngờ điều chỉnh mạnh tỷ giá đồng Nhân dân tệ kéo theo làn sóng giảm giá mạnh các đồng tiền của các đối tác thương mại chính của Việt Nam.
Với mục tiêu chống đô la hoá nền kinh tế, nên mặc dù đã thực hiện điều chỉnh tỷ giá hai lần, song cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước cũng giảm sâu lãi suất tiền gửi với USD xuống 0%, và mới đây, Thống đốc Nguyễn Văn Bình tuyên bố không loại trừ khả năng thu phí.
NHNN cũng ban hành Thông tư 15 quy định các TCTD chỉ được bán kỳ hạn cho các nhu cầu ngoại tệ trước ngày thanh toán từ 3 ngày trở lên nhằm xóa bỏ tình trạng cầu ảo do các doanh nghiệp mua ngoại tệ trước hạn.
Tổng cục Thống kê đã đánh giá, trong năm 2015, mặc dù rất nhiều áp lực đối với thị trường ngoại hối nhưng nhờ sự điều hành hiệu quả của NHNN Việt Nam nên tỷ giá USD bình quân năm 2015 chỉ tăng 3,16% so với năm 2014.
Cũng trong năm 2015, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã thực hiện chính sách chưa từng có tiền lệ đó là mua lại ngân hàng yếu kém với giá 0 đồng.
Theo khẳng định của Thống đốc Nguyễn Văn Bình, quá trình tái cơ cấu 3 ngân hàng được mua lại với giá 0 đồng sẽ không sử dụng tiền của ngân sách Nhà nước.
Các khoản cho vay đặc biệt đối với ngân hàng được mua lại đến nay được ưu tiên hoàn trả so với các khoản nợ khác của ngân hàng. Do đó, về thiệt hại kinh tế đối với Ngân hàng Nhà nước là hầu như không có.
Chủ trương của Bộ Chính trị và Chính phủ đã thống nhất là trong giai đoạn hiện nay, chưa áp dụng phá sản tổ chức tín dụng theo quy định của Luật Phá sản để đảm bảo giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. Do đó, việc NHNN mua lại bắt buộc đối với các ngân hàng thương mại yếu kém là giải pháp cuối cùng, khi không còn giải pháp xử lý khác khả thi hơn.
5. “Nóng” vấn đề tăng lương cho người lao động
Sau những tranh luận gay gắt nhằm thống nhất đề xuất mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2016, cuối cùng Hội đồng tiền lương Quốc gia cũng đã đưa ra được con số cuối cùng là 12,4%. Với mức tăng này, lương tối thiểu vùng đáp ứng được khoảng 89% đời sống tối thiểu của người lao động.
Trước đó, Tổng liên đoàn lao động Việt Nam đã đưa ra 3 phương án tăng lương tối thiểu vùng cho năm 2016 với mức tăng bình quân khoảng 16,8%. Còn phương án được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đưa ra là không quá 10%.
Ngoài ra, sau 3 năm liên tục không tăng lương cơ sở, tại kỳ họp 10, Quốc hội Khóa XIII cũng đã thông qua phương án tăng 5% lương cho cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang từ ngày 1/5/2016. Mặc dù không tăng như kỳ vọng (8%), song đây được đánh giá mà một nỗ lực lớn của Nhà nước với người lao động trong bối cảnh ngân sách nhà nước eo hẹp, khó khăn.
6. Bất động sản phục hồi, kết thúc gói 30.000 tỷ đồng
Cùng với sự phục hồi của nền kinh tế, thị trường bất động sản cũng đã bắt đầu cho thấy sự “ấm” lên tại hầu hết các phân khúc. Thậm chí, có những quan ngại “bong bong” bất động sản có thể quay trở lại.
Thông tin từ Bộ Xây dựng cho hay, tính đến tháng 12/2015, giá trị gói tín dụng hỗ trợ nhà ở 30.000 tỷ đồng đã cam kết cho vay được 80% sau gần 3 năm triển khai. Theo lộ trình, 31/12/2015 này, gói 30.000 tỷ đồng sẽ kết thúc và hàng loạt dự án đang chạy nước rút để hoàn thành việc giải ngân 20% còn lại.
Trao đổi trước Quốc hội, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho biết, việc hỗ trợ người dân vay mua nhà với lãi suất thấp là công việc lâu dài chứ không chỉ gói 30.000 tỷ đồng.
Khi kết thúc gói này thì chắc chắn theo luật, theo Nghị định của Chính phủ sẽ có các chương trình dài hạn hỗ trợ với lãi suất thấp, giúp người dân có thu nhập thấp cải thiện vấn đề nhà ở.
7. Nhập siêu quay trở lại sau 3 năm
Sau 3 năm liên tiếp xuất siêu, năm 2015, Việt Nam đã chính thức quay lại với tình trạng nhập siêu, ước tính 3,2 tỷ USD. Việt Nam nhập siêu từ Hàn Quốc ước tính 18,7 tỷ USD, tăng 28%; nhập siêu từ ASEAN ước tính 5,5 tỷ USD, tăng 44,7%. Thị trường Nhật Bản sau nhiều năm xuất siêu, năm 2015 đã nhập siêu hơn 300 triệu USD.
Nhập siêu năm 2015 hoàn toàn thuộc về khu vực kinh tế trong nước với mức nhập siêu của khu vực này là 20,3 tỷ USD, trong khi khu vực có vốn đầu tư nước ngoài xuất siêu 17,1 tỷ USD.
Đáng chú ý, nhập siêu từ Trung Quốc tăng 12,5% so với năm trước, ước tính lên tới 32,3 tỷ USD. Như vậy, mức nhập siêu từ Trung Quốc thậm chí gấp 10 lần so với mức nhập siêu chung của cả nước (bao gồm quan hệ thương mại với nhiều quốc gia khác).
Thống kê cho thấy, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam trong năm 2015 với kim ngạch ước tính đạt 49,3 tỷ USD, tăng 12,9 % so với năm trước và chiếm 28,8% tổng kim ngạch nhập khẩu.
8. Chạy nước rút cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước
Mục tiêu cổ phần hóa mà Chính phủ đặt ra cho 2 năm 2014-2015 là cổ phần hóa được 432 doanh nghiệp nhà nước, song tới 20/10/2015 vẫn còn 173 đơn vị chưa cổ phần hóa xong.
Trong khi đó, công tác thoái vốn khỏi 5 lĩnh vực nhạy cảm đang được đẩy mạnh. Năm 2014, thoái được 4.184 tỷ đồng, thu được 4.292 tỷ đồng. Lũy kế từ đầu năm đến 20/10/2015, đã thoái vốn được thêm 4.460 tỷ đồng, thu về 4.113 tỷ đồng.
Ngày 13/10, Chính phủ tuyên bố sẽ thoái toàn bộ vốn Nhà nước tại 10 doanh nghiệp lớn, trong đó có Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk), Công ty Cổ phần FPT, Công ty Cổ phần Viễn thông FPT, Công ty Cổ phần Nhựa Thiếu niên Tiền Phong, Bảo hiểm Bảo Minh…
Dự kiến, tổng số vốn Nhà nước có thể thu về qua thoái vốn tại 10 doanh nghiệp này khoảng 40.000 tỷ đồng. Mới đây, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, khả năng sẽ không phải sử dụng 10.000 tỷ đồng từ nguồn này để bổ sung vào ngân sách để bù hụt thu do giá dầu như kế hoạch đã đưa ra trước đó.
9. “Con ruồi 500 triệu” và vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm
Từ vụ chai nước có ruồi của Tân Hiệp Phát, các doanh nghiệp sẽ cần chú ý hơn đến chất lượng sản phẩm và thái độ cầu thị với người tiêu dùng
Vệ sinh an toàn thực phẩm luôn là vấn đề được người dân quan tâm, song, trong năm 2015 thì vấn đề này trở nên nổi cộm với hàng loạt thông tin về việc phát giác các cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, chất độc hại để bảo quản và “hô biến” thực phẩm ôi thiu thành tươi sống để bán cho người tiêu dùng.
Diễn đàn Quốc hội kỳ 10, khóa XIII cũng trở nên “nóng” lên khi các đại biểu Quốc hội trăn trở vấn đề làm sao để người Việt không chết dần vì ăn phải thực phẩm bẩn, độc hại. Có đại biểu đã tha thiết đề nghị nông dân, thương nhân vì sức khỏe cộng đồng đừng sử dụng chất diệt chuột, diệt cỏ để tẩm ướp vào rau quả đem ra thị trường, vì yêu quê hương đất nước đừng biến khoai Trung Quốc thành khoai Đà Lạt.
Ngoài ra, liên quan đến vấn đề này, sự kiện doanh nghiệp Tân Hiệp Phát và chai nước ngọt có ruồi cũng đã tạo nên luồng phản ứng , thậm chí tẩy chay trong dư luận khi cho rằng doanh nghiệp này không chỉ cung cấp sản phẩm kém chất lượng mà còn “bẫy” người tiêu dùng, khiến anh Võ Văn Minh bị kết án 7 năm tù với tội danh “cưỡng đoạt tài sản”. Trước đó, khi phát hiện chai nước có ruồi, anh này đã ra điều kiện với doanh nghiệp để đổi chai nước lấy 500 triệu đồng.
10. Xuất khẩu rau quả tăng trưởng ngoạn mục
Số liệu Hải quan cho thấy, trong năm 2015, kim ngạch xuất khẩu của ngành rau quả đã tăng ngoạn mục 47%, đạt 2,2 tỷ USD. Trong năm nay, nhiều loại trái cây, như nhãn, vải, xoài đã tiếp cận được với nhiều thị trường xuất khẩu khó tính, như Mỹ, Australia, EU, Nhật Bản. Sản phẩm thanh long cũng đã được thị trường Nhật Bản chấp nhận… Việt Nam đang đẩy mạnh nâng diện tích rau quả đạt tiêu chuẩn VietGAP để mở rộng thị trường.
Việc mở rộng thị trường xuất khẩu sẽ giúp Việt Nam giảm sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc tại những mặt hàng này. Tuy vậy, tình trạng ùn ứ nông sản - nhất là với mặt hàng dưa hấu tại cửa khẩu với Trung Quốc nhiều năm nay vẫn chưa được giải quyết và cần nhiều thêm sự vào cuộc của các cơ quan chức năng trong vấn đề quy hoạch nông sản cũng như khơi thông luồng hàng hoá.
Thắng lớn ở ngành hàng rau quả song bức tranh chung về xuất khẩu nông sản năm 2015 lại không thật tươi sáng. Theo Bộ NN&PTNT, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thuỷ sản năm 2015 đạt 30,14 tỷ USD, giảm 0,8% so với cùng kỳ năm 2014. Trong đó, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính (gạo, cao su, chè, hạt điều, tiêu, gỗ...) ước đạt 13,95 tỷ USD, giảm 2,6% so với cùng kỳ năm 2014.