Lên xuống hàng ngày nhưng cũng cần sự ổn định, không thể lên 10% xong lại xuống 10% trong 3 – 4 ngày nên cần tính đến việc điều chỉnh hàng ngày nhưng phải trong biên độ nhất định.
Kinh tế Việt Nam 2016: Biến áp lực thành cơ hội
- Cập nhật : 07/01/2016
(Kinh te)
Năm 2016, tăng trưởng sẽ tốt lên vì khu vực trong nước không còn yếu như những năm 2011-2013. Khu vực đầu tư nước ngoài có nhiều động thái mạnh nhưng cần kiểm soát được chất lượng của dòng vốn vào. Vấn đề quan trọng là chúng ta chuẩn bị năng lực cho hội nhập để xoay chuyển cơ cấu, cấu trúc kinh tế, nâng cấp hiện đại nền kinh tế.
TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhấn mạnh nội dung này trong cuộc trao đổi với phóng viên về bức tranh kinh tế Việt Nam trong năm 2016.
Năm 2015, dưới sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân, sự chỉ đạo điều hành quyết liệt của Chính phủ, kinh tế nước ta đạt được nhiều thành tựu.
Năm 2016, năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII và kế hoạch 5 năm 2016-2020, mục tiêu của Chính phủ là ngoài ổn định kinh tế vĩ mô, mức tăng trưởng kinh tế phấn đấu đạt 6,7%.
Thưa TS. Trần Đình Thiên, đánh giá chặng đường phát triển kinh tế năm 2015 của nước ta, ông sẽ nói điều gì?
TS. Trần Đình Thiên: Kinh tế Việt Nam năm 2015 tốt hơn cả mức mong đợi, phục hồi tăng trưởng rõ rệt hơn ta dự kiến khi đạt 6,68%. Đây là kết quả tích cực vì những năm trước đây, chúng ta rất vất vả trong việc kìm giữ suy giảm tốc độ tăng trưởng.
Thể hiện rõ nhất là ổn định chỉ số tiền tệ, ổn định về vàng, bao trùm lên là chỉ số CPI ở mức thấp, cho thấy nền kinh tế ổn định. Thêm nữa, đầu tư-thương mại gắn với mở cửa hội nhập nên ngoại thương năm 2015 cơ bản tốt; xuất nhập khẩu đều tăng, nhập siêu kiểm soát được.
Về đầu tư, thu hút nguồn lực bên ngoài cho thấy dấu hiệu dòng vốn phục hồi và có đà tăng tốt lên. Ngoài ra vấn đề đáng kể là chúng ta kết thúc đàm phán một loạt các hiệp định thương mại tự do (FTA) ở trình độ cao, từ đó tạo thành động lực, tạo ra niềm tin dù nền kinh tế chưa thoát khỏi khó khăn.
Do đó, xét về chỉ báo chung tích cực, nói một cách công bằng, nếu đi sâu hơn thì vẫn có thể thấy sự phục hồi còn chưa bền vững. Đáng lưu ý, đóng góp tăng trưởng chủ yếu là khu vực đầu tư nước ngoài, khu vực trong nước chưa đóng góp được đáng kể.
Lạm phát thấp một phần quan trọng là do những yếu tố khách quan như giá dầu tác động. Biến số cuối cùng là Quốc hội, Chính phủ đã thảo luận và chỉ ra điểm yếu là trong hoạt động ngân sách, thâm hụt nhiều, nợ công lớn, rủi ro không còn là tiềm tàng mà hiện hữu cao. Điểm cuối cùng là nhiệm vụ mang tính chiến lược trong năm 2015 – nhiệm vụ tái cơ cấu - chúng ta khởi động tốt nhưng càng đến cuối năm thì tốc độ, chất lượng lại chậm.
Ngoài những điều như ông vừa nêu thì nền kinh tế Việt Nam gặp phải những vấn đề như mặt trái của những FTA là sự phụ thuộc vào một số thị trường nhất định; một số chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế chưa đạt kế hoạch đề ra; cải cách TTHC còn chậm. Xin ông cho biết ý kiến về những thực tế này?
TS. Trần Đình Thiên: Thực tế tổng quát là kết thúc đàm phán nhiều hiệp định đẳng cấp cao thể hiện quyết tâm chính trị và nỗ lực chuyển sang một trình độ phát triển mới. Mặc dù đang khó khăn nhưng với cam kết vào hiệp định như vậy, chứng tỏ chúng ta rất mạnh. Vì ẩn đằng sau cam kết đó là quyết tâm lớn của cả nước, cả dân tộc, đặc biệt là sự thống nhất của những người lãnh đạo.
Bài học gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cho chúng ta một kinh nghiệm cực kỳ quan trọng là phải làm thật, chuẩn bị những năng lực thật cho hội nhập. Tức là chúng ta cần phải chuẩn bị những điều kiện, năng lực thực tế cho cuộc chơi mới, sân chơi mới.
Đây là bài học lớn nhất mà lần này gay gắt, quyết liệt hơn nên phải rất để ý điều đó, phải làm thật sự, hành động thật sự.
Đứng ở khía cạnh hội nhập, chúng ta còn bị “lệch”, nghĩa là chúng ta nhập khẩu đầu vào nhiều, đặc biệt nhập khẩu đó lại tập trung vào một số quốc gia.
Theo tôi, một trong những bài toán lớn mà năm 2015 đặt ra cho những năm kế tiếp là phải thoát khỏi nguy cơ phụ thuộc này.
Năm qua, chúng ta đã thực hiện những giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế vĩ mô, trong đó có việc tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường đồng bộ, đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế các ngành, các lĩnh vực. Ông đánh giá điều này như thế nào?
TS. Trần Đình Thiên: Chúng ta xác định được tính cấp bách, tầm quan trọng sống còn của việc cải cách thể chế.
Cụ thể là mình xác định mình bước vào một giai đoạn khác hẳn và với những cam kết, quy tắc của cuộc chơi mới khác hẳn. Có nghĩa là phải tư duy ở tầm khác, muốn vào tầm đấy thì bản thân cơ cấu của mình cũng phải ở tầm đấy, mà cái quan trọng là phải thay đổi được cấu trúc để mỗi bước đi tốc độ khác nhau.
Thêm nữa là giải phóng cho các doanh nghiệp để doanh nghiệp vươn lên. Muốn có điều đó, Nhà nước phải tạo không gian, tạo môi trường thể chế để họ vươn lên. Về doanh nghiệp, quốc gia cần có chương trình phát triển doanh nghiệp mới mà linh hồn của nó là chương trình khởi nghiệp. Khởi nghiệp để có một thế hệ, một đời doanh nhân, doanh nghiệp mới, xứng tầm với giai đoạn phát triển mới.
Thưa ông, chặng đường phía trước vừa nhiều cơ hội nhưng đan xen không ít những thách thức như ông vừa phân tích. Vậy những ưu tiên nào có thể tính đến như là bước đột phá cho nền kinh tế đất nước tiếp tục phát triển trong 2016?
TS. Trần Đình Thiên: Tôi hoàn toàn đồng ý với cách tiếp cận của Chính phủ và Quốc hội cuối năm vừa rồi.
Cách tiếp cận của Chính phủ không quá nôn nóng về tốc độ tăng trưởng. Cách làm như vậy chú trọng hơn vào ổn định vĩ mô và chiều sâu hơn nữa là công cuộc tái cơ cấu.
Về ngân sách, ví dụ hệ thống tiền lương, mấu chốt là phải thay đổi hệ thống tiền lương đó. Quan trọng là cách tiếp cận về cải cách là phải thay đổi. Chúng ta không thể tháo gỡ từng vấn đề cụ thể một vì nó sẽ làm méo mó, sẽ gây ra những bất ổn mà phải đi vào những vấn đề cốt lõi, căn cơ.
Điều này nghĩa là phải tập trung toàn lực cho công cuộc tái cơ cấu, đặc biệt là xử lý vấn đề thể chế, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đi vào vấn đề cơ cấu chứ không phải chỉ là những vấn đề chính sách cụ thể.
Tất nhiên chính sách phải sửa đổi nhưng sửa đổi trên quan điểm là cấu trúc lại, hệ thống lại. Chẳng hạn, những vấn đề về tái cơ cấu, về doanh nghiệp thì không phải là số lượng doanh nghiệp nhiều hay ít mà là số vốn được cổ phần hóa như thế nào…
Tôi nghĩ năm 2016 tăng trưởng sẽ tốt lên vì khu vực trong nước không còn yếu như những năm 2011-2013. Khu vực đầu tư nước ngoài có nhiều động thái mạnh, nhưng cần kiểm soát được chất lượng của dòng vốn vào. Vấn đề quan trọng là chúng ta chuẩn bị năng lực cho hội nhập để xoay chuyển cơ cấu, cấu trúc kinh tế, nâng cấp hiện đại nền kinh tế, biến áp lực thành cơ hội phát triển.
Xin cảm ơn ông!