Hầu hết khoản nợ nước ngoài của các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước tập trung ở ngành nghề kinh doanh chính, nơi họ phải tìm kiếm nguồn vốn khổng lồ cho các dự án.
Doanh nghiệp châu Âu giảm mạnh niềm tin vào môi trường kinh doanh Việt Nam
- Cập nhật : 29/05/2017
Theo khảo sát của Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu (EuroCham) tại Việt Nam, Chỉ số môi trường kinh doanh (BCI) trong quý I/2017 đã giảm 7 điểm so với quý trước xuống còn 78 điểm.
Ảnh minh họa.
Theo khảo sát của Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu (EuroCham) tại Việt Nam, Chỉ số môi trường kinh doanh (BCI) trong quý I/2017 đã giảm 7 điểm so với quý trước xuống còn 78 điểm. Đây là mức thấp nhất kể từ quý II/2016, nhưng vẫn trên mức trung bình là 50 điểm.
Diễn biến chỉ số BCI theo quý.
Các câu hỏi khảo sát được gửi đến toàn bộ các thành viên của EuroCham (khoảng 900) và số lượng các thành viên phản hồi đáp ứng đủ số lượng mẫu cần thiết, đại diện truyền thông của EuroCham cho biết.
Theo kết quả khảo sát trên, khi được hỏi về tiến trình cải thiện môi trường pháp lý của Việt Nam đối với doanh nghiệp trong năm 2016, chỉ có 2% phản hồi “cải thiện đáng kể”, 21% “cải thiện đôi chút”, trong khi đó 18% đánh giá “có phần phức tạp hơn” và 14% cho rằng môi trường pháp lý của Việt Nam “phức tạp hơn nhiều”. 40% phản hồi rằng môi trường pháp lý “không thay đổi”.
Liên quan đến tác động của việc tăng số tiền lương được sử dụng làm cơ sở tính mức đóng bảo hiểm xã hội tới chi phí lao động, khoảng 50% số doanh nghiệp phản hồi rằng quy định này sẽ dẫn đến ảnh hưởng tiêu cực, trong khi 32% cho rằng "không ảnh hưởng". Chỉ 6% tin rằng đó là một bước đi tích cực.
Khảo sát cho thấy 67% số doanh nghiệp phản hồi tình hình kinh doanh hiện tại là "tốt" và "rất tốt", giảm khoảng 5 điểm % so với quý trước. Trong khi đó, số lượng phản hồi "không tốt" và "rất tệ" lần lượt là 9% và 3%, tăng so với mức 3,3% và 2,2% trong quý trước.
Niềm tin vào môi trường kinh doanh giảm còn thể hiện ở tỷ lệ doanh nghiệp phản hồi tích cực về triển vọng kinh doanh quý tiếp theo đã giảm nhẹ, với số doanh nghiệp đánh giá “rất tốt” và “tốt” ở mức 9% và 60%, so với 10% và 65,6% trong quý trước.
Trong khi đó, số lượng phản hồi dự đoán triển vọng "không tốt" đã tăng từ 0% lên 7% và "rất tệ" tăng từ 2% lên 4%.
Về triển vọng kinh tế vĩ mô trong quý tới, số lượng phản hồi từ thành viên của EuroCham thể hiện sự tin tưởng vào viễn cảnh kinh tế vĩ mô “ổn định và liên tục cải thiện” đã giảm khoảng 9 điểm % so với quý trước.
Ngược lại, lượng phản hồi dự đoán kinh tế vĩ mô có thể xấu đi đã tăng lên 18%, so với 11% trong quý IV/2016. Số lượng phản hồi “không thay đổi” trong quý tiếp theo vẫn xấp xỉ mức 40%.
Tuy đánh giá môi trường kinh doanh của Việt Nam có phần giảm sút, nhưng số lượng doanh nghiệp phản hồi dự định tăng đầu tư vẫn còn rất lớn, số lượng phản hồi “tăng mạnh” tăng 4 điểm % so với quý trước.
Số lượng doanh nghiệp phản hồi có ý định duy trì mức đầu tư hiện tại chiếm 42% trong tổng số câu trả lời, tăng 2 điểm % so với quý IV/2016. Trong khi đó, số lượng phản hồi “tăng nhẹ” giảm 6 điểm % so với quý trước.
Nhận xét về khảo sát này, Chủ tịch EuroCham Jens Ruebbert nói rằng: “Mức giảm 7 bậc của BCI trong tổng số điểm này không thể khẳng định rằng thành viên của chúng tôi đang mất lòng tin vào môi trường kinh doanh.
Ngược lại, điều này thể hiện mong muốn mạnh mẽ của các nhà đầu tư về tính cạnh tranh, minh bạch, bền vững và lực lượng lao động được đào tạo tốt hơn. Cơ hội kinh doanh tốt không còn đủ thu hút cộng đồng doanh nghiệp EuroCham”.
Kết quả khảo chỉ số môi trường kinh doanh cho Quý I/2017 tiếp tục cho thấy những kỳ vọng tích cực từ các thành viên của EuroCham đối với Việt Nam, nhưng không phải ở mức độ lạc quan như năm ngoái.
"Điều này không có nghĩa là các doanh nghiệp đang trong tình trạng báo động hoặc sẽ không tiếp tục đầu tư nền kinh tế có tiềm năng như Việt Nam, như thể hiện trong kết quả của cuộc khảo sát, vẫn còn 90% đang duy trì hoặc tăng đầu tư ở trong nước.
Do đó, trái lại, EuroCham tin rằng các tiêu chuẩn đánh giá đã tăng lên và các doanh nghiệp mới đến từ châu Âu sẽ tiếp tục xem trọng hơn nữa các vấn đề liên quan đến sự thuận lợi trong kinh doanh và cạnh tranh”, ông Jens Ruebbert nói thêm.
MINH TUẤN
Theo Bizlive.vn