"Giữ nước chính là giữ dân vậy. Muốn giữ dân, một chính quyền phải thực sự vì dân".
Đường dài đầy cạm bẫy và mô hình đảo thông minh cho Phú Quốc
- Cập nhật : 21/08/2015
(Viet Nam)
Ai từng đến Phú Quốc đều cảm nhận được những tiềm năng to lớn của hòn đảo này. Phú Quốc có thể trở thành một đô thị lớn với hệ sinh thái biển đặc sắc.
Nằm ở vị trí chiến lược trên vịnh Thái Lan, sát cạnh với TP.HCM và Singapore (trên dưới một giờ bay), Phú Quốc có thế mạnh tiềm tàng để trở thành một trọng điểm trong chuỗi dịch vụ - sản xuất - thương mại của khu vực.
Đường dài và đầy cạm bẫy
Trong 10 năm qua, Phú Quốc đã đi một bước dài trong hiện thực hóa tiềm năng của mình. Phú Quốc rõ ràng đang nhanh chóng thoát nghèo và nhiều người sẽ trở nên giàu có ở nơi đây. Thế nhưng, chặng đường để hòn đảo ngọc này trở nên phú cường còn rất dài và đầy cạm bẫy.
Bỗng chốc có khoản tiền lớn từ đất của ông cha được bồi thường dễ làm lứa trẻ sa vào tình trạng ăn chơi ỷ lại; dễ kiếm việc làm trong các dịch vụ giản đơn mọc lên như nấm thường làm người dân nhụt đi ý chí học tập vươn lên.
Điều kiện tự nhiên thuận lợi và những thành tích tăng trưởng ấn tượng bước đầu có thể làm chính quyền địa phương thiếu vắng một tầm nhìn xa với một ý chí phát triển quả cảm và ý thức trách nhiệm với thế hệ tương lai.
Kinh nghiệm thế giới cho thấy nếu những tình huống trên xảy ra, Phú Quốc có thể không đi được xa trong công cuộc phát triển của mình. Phú Quốc sẽ là một nơi nghỉ dưỡng hấp dẫn về tự nhiên nhưng không ấn tượng về đẳng cấp phát triển.
Người dân có cuộc sống vật chất dư dật hơn trước, nhưng cộng đồng mất đi sự bình yên vốn có bởi sự gia tăng nhanh chóng của tệ nạn xã hội và những vụ việc tội ác.
Đặc biệt, sự thiên lệch về thu hút hoạt động sòng bạc quá sớm khi mà chất lượng quản lý nhà nước còn yếu và ý thức người dân còn thấp có thể sẽ gây những tác hại khôn lường cho phát triển lâu dài của vùng đất này.
Mô hình hòn đảo thông minh
Hơn bao giờ hết, Phú Quốc rất cần một tầm nhìn xa. Hòn đảo này phải có tầm vóc phát triển như một “Singapore của Việt Nam” theo
(1) Phát triển dựa trên mô hình thâm dụng tri thức: nguồn lực con người được đặc biệt coi trọng thông qua giáo dục, đào tạo và thu hút nhân tài hào kiệt trong cả nước và quốc tế; công nghệ thông tin được áp dụng rộng khắp trong mọi lĩnh vực ngành nghề; thu hút mạnh mẽ đầu tư vào lĩnh vực giáo dục và nâng cao năng lực học hỏi - nắm bắt công nghệ.
(2) Hợp tác quốc tế: Phú Quốc có thể trở thành một biểu tượng của Việt Nam trong khả năng hợp tác quốc tế. Tại nơi đây, người Việt Nam có thể chứng minh với thế giới rằng dân tộc này không chỉ làm nên những điều phi thường trong chiến tranh giành độc lập mà có thể làm được các điều kỳ vĩ trong nỗ lực hợp tác gắn kết thế giới trong nỗ lực giữ gìn hòa bình và kiến tạo phồn vinh.
(3) Phát triển bền vững: gìn giữ môi trường, tiết kiệm năng lượng và tính nhân văn cần được coi là yếu tố nền tảng trong mọi nỗ lực đầu tư phát triển.
Với một tầm nhìn xa phác thảo ở trên, Phú Quốc cần nhanh chóng xây dựng một chiến lược phát triển cho ba thập kỷ tới, 2015 - 2045.
Chiến lược này không chỉ giúp Phú Quốc, đúng với cái tên đầy ý nghĩa của mình, sẽ không chỉ nhanh chóng trở nên phú cường mà còn là một động lực mạnh mẽ giúp đất nước đi đến phồn vinh.
Với một chiến lược đặc sắc, Phú Quốc sẽ trở thành ngọn hải đăng cho công cuộc phát triển của đất nước.
Mảnh đất này sẽ không chỉ trở thành một hòn đảo thông minh mà còn là nơi cho phép Chính phủ mạnh dạn thử nghiệm những chính sách cải cách táo bạo và là nguồn cổ vũ mạnh mẽ cho khí phách dân tộc.
Ba thập kỷ này không chỉ là khoảng thời gian cần có để tạo nên một kỳ tích phát triển như kinh nghiệm của các nước Đông Á mà còn là một chặng đường thiêng liêng mà mỗi người Việt Nam đều thấy thôi thúc phải đóng góp để dân tộc mình được vẻ vang ngẩng đầu khi tiến tới kỷ niệm 100 năm độc lập vào 2-9-2045.