Hàng loạt đập thủy điện trên sông Mekong tại các quốc gia như Trung Quốc, Lào, Thái Lan và Campuchia đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống người dân ở hạ nguồn như Việt Nam.
Những lý do cho thấy GDP bình quân đầu người của Việt Nam năm 2020 sẽ gấp rưỡi hiện nay
- Cập nhật : 07/03/2016
(Kinh te)
Từ 2.109 USD, người Việt có thể tin thu nhập bình quân sẽ lên mức 3.200 - 3.500 USD vào năm 2020
Tăng trưởng kinh tế được duy trì ở mức hợp lý, khi từ năm 2013 nền kinh tế dần phục hồi, tăng trưởng năm sau cao hơn năm trước; chất lượng tăng trưởng được nâng lên theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Dẫn chứng là tốc độ tăng GDP bình quân 5 năm 2011 – 2015 đạt trên 5,9%/năm (riêng năm 2014 đạt 5,98%, năm 2015 đạt 6,68%, vượt mục tiêu đề ra). Quy mô và tiềm lực nền kinh tế được tăng lên. GDP năm 2015 đạt 193,4 tỷ USD, bình quân đầu người khoảng 2.109 USD.
Những cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được đảm bảo, lạm phát được kiểm soát. Tốc độ tăng giá tiêu dùng giảm mạnh, từ 18,13% năm 2011 xuống còn 0,6% vào năm 2015.
Mặt bằng lãi suất cũng giảm khi năm 2015 chỉ bằng 40% so với năm 2011. Tỷ giá, thị trường ngoại tệ ổn định. Dự trữ ngoại hối tăng, đạt mức cao nhất từ trước đến nay.
Việc bước vào một thời kỳ ổn định và tăng trưởng của nền kinh tế sau giai đoạn khủng hoảng là cơ sở để Bộ Kế hoạch và Đầu tư đặt ra nhiều mục tiêu về tăng GDP và thu nhập bình quân đầu người có thể tăng gấp rưỡi trong vòng 5 năm tới.
Cụ thể, trong báo cáo gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội liên quan đến tình hình kinh tế năm 2015, giai đoạn 2011 – 2015 và dự báo cho giai đoạn 2016 – 2020, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra mục tiêu tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm đạt 6,5-7%/năm.
Theo đó, đến năm 2020, GDP bình quân đầu người khoảng 3.200 - 3.500 USD. Tỷ trọng công nghiệp - xây dựng và dịch vụ trong GDP khoảng 85%. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội bình quân 5 năm bằng khoảng 32-34% GDP.
Bội chi ngân sách nhà nước đến năm 2020 cũng sẽ giảm xuống, còn khoảng 4% GDP so với mức 5% trong nhiều năm trở lại đây. Năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đóng góp vào tăng trưởng khoảng 30-35%. Năng suất lao động xã hội bình quân tăng khoảng 5%/năm.
Để thực hiện các mục tiêu trên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng cần phải tiếp tục thực hiện ba đột phá lớn đã được xác định trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011-2020.
Bao gồm: tập trung hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; đẩy mạnh thực hiện chiến lược về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ.
Bốn cân đối lớn của nền kinh tế cũng được chú trọng, bao gồm: cân đối tích lũy và tiêu dùng; cân đối vốn đầu tư phát triển ; cân đối ngân sách nhà nước ; cân đối nguồn điện .
Theo đó, các nhiệm vụ và giải pháp cụ thể được Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ ra: Trước hết là phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, ổn định kinh tế vĩ mô, tạo môi trường và động lực cho phát triển kinh tế - xã hội.
Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh. Phát triển các vùng và khu kinh tế. Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng và đô thị.
Tăng cường huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để phát triển nền kinh tế. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và tăng cường tiềm lực khoa học, công nghệ.
Phát triển văn hoá, xã hội, nâng cao đời sống nhân dân. Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.
Hoạt động phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được đẩy mạnh. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và bảo đảm quyền tự do, dân chủ của người dân trong phát triển kinh tế - xã hội đi đôi với tuân thủ pháp luật...