Sáng nay (11/12 - giờ Việt Nam) giá dầu thế giới giảm xuống gần mức đáy kể từ năm 2009 do sản lượng dầu tại Trung Đông tiếp tục tăng trong khi nhu cầu thế giới yếu. Hiện dầu WTI giao tháng 1/2016 đã rơi xuống 36,65 USD/bbl; dầu Brent cũng giảm về 39,54 USD/bbl.
Giá dầu nhảy múa
- Cập nhật : 02/12/2015
(Thi truong)
Tháng 10-1973, cuộc chiến Yom Kippur bùng nổ ở Trung Đông khi Syria, Ai Cập và các nước Ả Rập khác cùng tấn công Israel. Cuộc chiến 20 ngày này đã dẫn tới một loạt thay đổi mang tính lâu dài và căn bản của quan hệ quốc tế, trong đó có việc Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) tiến hành một số điều chỉnh đối với thị trường thế giới.
Một thiết bị bơm dầu trên cánh đồng gần Calgary, Canada. Giá dầu thế giới giảm mạnh khiến các nhà sản xuất phải tìm cách cắt giảm chi phí khai thác để giảm thất thu. Reuters
Khi đó, để phản đối Mỹ hỗ trợ vũ khí cho Israel, OPEC chỉ trong một ngày đã tăng giá dầu 70% lên 5,11 USD/thùng. Cùng với một loạt biện pháp cắt giảm sản lượng sau đó, giá dầu trong giai đoạn cấm vận cho đến tháng 4-1974 đã tăng từ 3 USD/thùng lên tới gần 12 USD/thùng.
Sức mạnh của kiểm soát dầu mỏ có tác động ghê gớm tới quan hệ quốc tế: chính sách Chiến tranh lạnh của Washington bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nước Mỹ rơi vào khủng hoảng nhiên liệu, dầu mỏ phải phân phối, tốc độ trên đường cao tốc phải giới hạn, các nước Tây Âu chuyển từ chính sách ủng hộ Israel sang ủng hộ các nước Ả Rập...
Đó là thời kỳ mà 12 nước thành viên OPEC, nắm giữ khoảng 81% trữ lượng dầu mỏ trên thế giới, thấy được khả năng chi phối ghê gớm của loại nhiên liệu này đến đời sống chính trị và kinh tế quốc tế.
Hơn 40 năm qua đi, ảnh hưởng chi phối của các nước OPEC đã giảm đi đáng kể. Sau hơn một thập kỷ với mức giá liên tục tăng từ 30 USD/thùng cho đến khi đạt kỷ lục 147 USD/thùng năm 2008 và luôn duy trì ở mức giá cao (do dự trữ dầu Mỹ giảm, Trung Quốc phát triển tăng tốc), giá dầu bắt đầu giảm kể từ 15 tháng trước.
Cuộc đấu giá
Khi đó, các chuyên gia đều nghĩ giảm giá chỉ là tạm thời và ngắn hạn giống như thời gian trước đó. Nhưng những diễn biến sau đó thì ít ai ngờ tới: giá dầu đã rớt hơn 60% và giờ quanh quẩn ở mốc 40 USD/thùng - tương đương 1/3 giá dầu của suốt một thập kỷ trước.
Lý do đã được nhiều nhà phân tích chỉ ra: cung thị trường đã vượt xa cầu và trong bối cảnh thừa dầu sản xuất ra, không nhà sản xuất nào muốn xuống thang, dù đó là OPEC, Mỹ, hay các nước đang khó khăn như Nga, Iraq. Mọi người dường như chỉ muốn tiếp tục bơm dầu càng nhiều càng tốt.
Hiện các thành viên OPEC đang sản xuất khoảng 32,469 triệu thùng/ngày và dự kiến con số này có thể tăng lên 33 triệu thùng/ngày khi Iran được cởi bỏ cấm vận. Tuy vậy, thị trường của các nước không nằm trong OPEC đang chiếm ngày càng lớn các thị phần với khoảng 57 triệu thùng/ngày (tổng sản lượng toàn cầu khoảng 93,32 triệu thùng/ngày). OPEC hiện chiếm khoảng 40% sản lượng toàn cầu, trong khi Mỹ, Nga, Brazil, Mexico và Trung Quốc sản xuất khoảng 40 triệu thùng/ngày.
Bên trong OPEC, thành viên nắm quyền chi phối chính là Saudi Arabia, quốc gia hiện có sản lượng khoảng 10,4-10,6 triệu thùng/ngày (xấp xỉ 1/3 sản lượng toàn khối). Trong cuộc đấu giá này, giới phân tích cho rằng Saudi Arabia là nguyên nhân chính: nước này không muốn giảm sản lượng mà muốn đẩy giá dầu xuống để hạ gục những nhà sản xuất dầu đá phiến của Mỹ.
Lập luận của Saudi Arabia ở trong OPEC là họ từng mất thị phần khi cắt giảm sản lượng những năm 1990 và họ không muốn làm điều này lần nữa.
Saudi Arabia đã rất lo lắng về việc mất vai trò chi phối của mình khi thấy các tập đoàn Mỹ nâng gần gấp đôi sản lượng của họ trong suốt bảy năm qua, chủ yếu nhờ mở rộng khai thác dầu đá phiến. Cách duy nhất mà Saudi Arabia có thể duy trì vai trò này là phải đẩy các nhà khai thác dầu đá phiến Mỹ phá sản.
Chi phí sản xuất là bí mật trong ngành dầu mỏ, nhưng người Saudi Arabia tính toán rằng việc bơm thủy lực, hóa chất vào đá phải tốn kém hơn nhiều so với khai thác dầu truyền thống. Cuộc chiến thị phần này được coi là nguyên nhân chính khiến OPEC đã không giảm sản lượng, dù thị trường đang thừa cung vào lúc này.
Theo Yahoo Finance, trong thực tế OPEC đã nhìn thấy chuyện vỡ thị trường dầu hiện tại và muốn đẩy sâu hơn nữa bằng việc bơm thêm dầu để duy trì khách hàng và tăng doanh thu. Một biện pháp khác OPEC có thể sử dụng là tăng các hoạt động chế biến, hóa dầu để bù lỗ cho phần khai thác thăm dò (bị lỗ).
Việc duy trì giá dầu thấp trong thời gian dài sẽ loại bỏ các nhà sản xuất với chi phí cao và cho phép các tập đoàn sống sót chiếm các thị phần được bỏ lại đó. Và trên thị trường, chi phí sản xuất dầu của OPEC là thấp nhất thế giới. Các nước như Iran có vị trí chiến lược thuận lợi nhất cho việc xuất khẩu dầu.
Nhưng trái với dự đoán là giá dầu thấp trong thời gian dài sẽ khiến các tập đoàn dầu đá phiến của Mỹ đóng cửa, các tập đoàn Mỹ vẫn duy trì sản lượng hầu như không đổi, kể cả khi giá dầu lao dốc từ trên 100 USD xuống 40 USD/thùng như hiện nay. Saudi Arabia thậm chí tăng sản lượng, động thái được cho là để chặn Iraq không lấy mất khách hàng châu Á của nước này.
Hai sai lầm của Saudi Arabia
Theo Gwynne Dyer của Bloomberg, Saudi Arabia đã mắc hai sai lầm trong tính toán lần này. Thứ nhất là tính quá cao chi phí để sản xuất dầu đá phiến khi cho rằng mức giá dưới 80 USD/thùng sẽ không thể có lãi.
Theo tính toán, với một số tập đoàn điều này là đúng, nhưng có những khu vực địa chất cho phép chi phí khai thác chỉ khoảng 20 USD/thùng và hầu hết các tập đoàn đều có thể kiếm lời ở mức 60 USD/thùng. Đối phó với chiến dịch hạ giá của Saudi Arabia, các tập đoàn Mỹ đang đẩy nhanh quá trình sáp nhập và tối ưu hóa dây chuyền sản xuất để giảm giá thành sản xuất.
Sai lầm thứ hai là Saudi Arabia tin rằng họ có thể chiến thắng. Với các giàn khoan truyền thống, khi ngưng sản xuất thì giàn khoan sẽ bị mất áp lực và giảm hiệu suất khai thác, các công ty sẽ chịu khoản lỗ lớn nếu ngưng khai thác giếng. Với các mỏ đá phiến, các tập đoàn hoàn toàn không chịu ảnh hưởng này nếu ngưng khai thác.
Cho dù Saudi Arabia thành công trong việc buộc các công ty khai thác dầu đá phiến ngưng hoạt động, thì ngay khi giá dầu tăng trở lại, các tập đoàn Mỹ hoàn toàn có thể nhanh chóng sản xuất trở lại.
Giới phân tích đều cho rằng Saudi Arabia sẽ còn tiếp tục đẩy giá dầu xuống với tính toán nếu 50 USD/thùng không đủ hạ người Mỹ, thì 40 USD/thùng hoặc thậm chí là thấp hơn có thể sẽ thành công.
Theo Financial Times, điều này giải thích vì sao Saudi Arabia lần đầu tiên trong tám năm qua đã tiến hành phát hành trái phiếu để vay 27 tỉ USD trong tháng này (dù vẫn còn gần 700 tỉ USD tiền dự trữ).
Chính phủ Saudi Arabia đang chịu áp lực cực kỳ ghê gớm. Chính quyền Riyadh đang cân nhắc cắt giảm chi tiêu tới 10% để tránh thâm hụt ngân sách bị nới rộng thêm. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) hiện dự đoán thâm hụt của nước này có thể lên tới 20% GDP so với 3% của năm 2014.
Với giá dầu chỉ ở mức 40 USD/thùng, Saudi Arabia có thể sẽ “đốt” dự trữ nhanh hơn dự tính. Theo tính toán của Big Cruch, nếu như giá dầu không tăng lại, quốc gia này sẽ tiêu hết dự trữ 655 tỉ USD của mình vào cuối năm 2018.
Ngân hàng Barclays cũng ra tính toán gần tương tự: “Nếu không có điều chỉnh về tài khóa và không phát hành thêm trái phiếu, ngân khố của Saudi Arabia và dự trữ ngoại tệ nước này sẽ hết vào năm 2019”.
Áp lực và chia rẽ lúc này nằm ngay trong nội bộ khối OPEC. Bộ trưởng dầu mỏ Algeria đã viết thư cho ban thư ký OPEC yêu cầu phải hành động. Đầu hè này, Venezuela - quốc gia được coi là bị ảnh hưởng nặng nề nhất của giá dầu giảm - đã gây sức ép rất quyết liệt để buộc khối phải giảm sản lượng. Tuy nhiên, đề nghị này không được chấp nhận.
Gần đây nhất, bộ trưởng dầu mỏ Iran đã kêu gọi OPEC nên tiến hành họp khẩn trước cuộc họp thượng đỉnh vào tháng 12 này để thảo luận tình hình giá dầu.
Jeremy Warner của tờ Sydney Morning Herald, người từng dự đoán đúng việc giá dầu rớt xuống dưới 80 USD/thùng năm 2014, thậm chí dự đoán giá dầu năm nay sẽ rớt xuống mức 20 USD/thùng trước khi tăng giá trở lại. Và đây không phải là dự đoán xấu nhất khi gần đây nhà phân tích Abigail Doolittle nói với CNBC rằng giá dầu thậm chí có thể rớt xuống 14 USD/thùng!
Mức giá 14 USD/thùng không chỉ là đòn giáng mạnh vào ngành công nghiệp dầu mỏ. Hàng trăm tỉ USD cổ phiếu phái sinh được đầu tư khi giá dầu còn ở mức cao vẫn đang nằm đó âm ỉ như trái bom nổ chậm cho một cuộc khủng hoảng tài chính mới.
Nói như Michael Snyder, Trung tâm nghiên cứu về toàn cầu hóa của Canada, thì: “Bất cứ ai đứng đằng sau cuộc chiến giá dầu này đang đùa với lửa và tới cuối năm tới thì toàn hành tinh này sẽ phải gánh lấy hậu quả”.
Giá dầu thế giới cuối tuần trước đã có đợt tăng mạnh lên tới 10%, với mức giá cuối tuần xấp xỉ 50 USD/thùng dầu biển Brent khi có thông tin tăng trưởng kinh tế quý 2 của Mỹ tốt hơn so với tính toán trước đó. Thông tin mới đã giúp các nhà đầu tư lạc quan hơn về triển vọng kinh tế thế giới, bất chấp những lo ngại kinh tế Trung Quốc đang phát triển chậm lại. Mức tăng giá 10% trong một tuần cũng là mức tăng ấn tượng nhất kể từ tháng 12-2008, sau một giai đoạn dài giá dầu liên tục rớt vì nguồn cung tăng vượt cầu.