5 năm tới không phải là thời điểm phục hồi mà là thời điểm Việt Nam phát huy động lực và tăng trưởng xuất khẩu...
Chiếc đũa thần BOT: Sau hồ hởi là thất vọng
- Cập nhật : 16/08/2017
Trong suốt nhiều năm qua mô hình hợp tác công tư (PPP), trong đó có BOT, được nhắc đến rất nhiều và đã có những kỳ vọng về khả năng tạo đột phá cho việc huy động nguồn vốn đầu tư hạ tầng.
Tuy nhiên, nhìn trên bình diện quốc tế, mô hình PPP có vai trò rất khiêm tốn trong việc phát triển cơ sở hạ tầng ở các quốc gia.
Chẳng hạn, trong giai đoạn 2001-2011, các nước Châu Á - Thái Bình Dương chỉ huy động được chưa đến 200 tỷ USD vốn theo mô hình PPP, chỉ chiếm khoảng 10% tổng vốn đầu tư cho hạ tầng giao thông của các nước này (Hình).
Hơn thế, mô hình PPP, nếu không được thiết kế chặt chẽ với môi trường thể chế tốt rất dễ gây ra những trục trặc và sự thất vọng cho công chúng.
Đầu tư giao thông theo hình thức PPP ở các nước châu Á TBD
Hợp tác công tư đặc biệt phổ biến ở Anh dưới thời thủ tướng Margaret Thatcher ở thập niên 1980 và ở châu Mỹ la tinh trong thập niên 1990.
Sau hồ hởi là thất vọng
Tuy nhiên, sau giai đoạn hồ hởi với kỳ vọng cao ban đầu là sự thất vọng tràn trề.
Chất lượng các dịch vụ trong rất nhiều trường hợp không những không được cải thiện mà còn gây ra vô số những rắc rối và lãng phí.
Kết quả nhiều nơi đã phải thực hiện một tiến trình ngược lại, nhà nước phải quốc hữu hóa hoặc thu hồi các dự án/hợp đồng.
Trào lưu này đặc biệt mạnh ở một số nước châu Mỹ la tinh trong những năm qua mà nó đẩy đến những thái cực không có lợi cho quá trình phát triển.
Ví dụ, trong giai đoạn 1987-1995, Mexico đã triển khai 52 dự án đường bộ theo phương thức PPP và mỗi dự án này đều có một con đường không thu phí chạy song song.
Tổng số vốn tư nhân cam kết lên đến 9,9 tỉ USD .
Kết quả của quá trình thực hiện là vốn đầu tư đã tăng trung bình 25% so với dự toán, trong khi nguồn thu phí thấp hơn dự báo 30% (Chỉ có 5 dự án có nguồn thu bằng hoặc cao hơn dự báo).
Hậu quả của nó là phí đã tăng từ 2 cent/km lên 17 cent/km.
Chính phủ Mexico đã phải thu hồi 23 dự án và phải trả các ngân hàng Mexico gần 5 tỉ USD và các công ty xây dựng khoảng 2,6 tỉ USD.
Những trục trặc đối với mô hình PPP cũng đã xảy ra với nhiều nước châu Mỹ La Tinh cũng như nhiều nơi trên thế giới.
Chẳng hạn như: dự án tư nhân hóa hệ thống nước ở Argentina, hệ thống nước Cochabamba ở Bolivia, đường M1/M15 ở Hungary, đường Muang ở Thái Lan, đường A1 ở Ba Lan, đường Trakia ở Bulgaria và sự yếu kém trong chương trình PPP ở Bồ Đào Nha.
Ràng buộc và phân định trách nhiệm
Vấn đề cần đặc biệt lưu ý là việc định giá cũng như ràng buộc trách nhiệm khi nhượng quyền khai thác các công trình có tính chất công cộng.
Thứ nhất, nếu cách làm không minh bạch thì khả năng xảy ra thất thoát là rất lớn. Đây là một thách thức rất lớn vì chúng là những công trình hay dịch vụ đặc trưng với các chi phí và nguồn thu rất khó xác định.
Thứ hai, các công trình này thường là duy nhất và chứa đựng khả năng độc quyền. Nếu không có những ràng buộc và phân định trách nhiệm rõ ràng thì khả năng đơn vị được quyền khai thác lạm dụng vị trí độc quyền và vô hình trung lại chuyển sang một thất bại thị trường hay hình thức kém hiệu quả khác.
Trong rất nhiều trường hợp, các dự án PPP lại trở thành các công trình chỉ định thầu với điều kiện ưu đãi cho nhà thầu vì họ còn được quyền thiết kế và thi công.
Hậu quả là vốn đầu tư bị đội lên rất nhiều và nhà nước phải giải quyết hậu quả và cả nền kinh tế gánh chịu tổn thất. Một trong những ví dụ hết sức điển hình của vấn đề này là quá trình nhượng quyền khai thác hệ thống cấp thoát nước ở Cancun, Mexico.
Một vấn đề quan trọng khác nữa là việc đặt ra các trạm thu phí ở các tuyến đường cao tốc mới xây đang tạo ra nhiều tổn thất cho xã hội.
Do phải trả tiền nên một tỉ phần rất lớn các phương tiện đã chọn đi những tuyến đường không thu phí nhưng đã xuống cấp, không thể đạt được tốc độ cao.
Hậu quả là chi phí thời gian và nhiên liệu cao hơn.
Trong trường hợp này, các trạm thu phí nên được đặt ở những nơi hoặc là độc đạo hoặc nên đặt ở tất cả các tuyến đường thay vì chỉ là đường cao tốc như hiện nay.
Thực tế cũng có những nước triển khai các dự án PPP hiệu quả, như trường hợp của Chile chẳng hạn.
Trong giai đoạn 1993-2001, Chile đã triển khai 21 dự án PPP đường theo phương thức đấu thầu cạnh tranh với trị giá lên đến 5 tỉ USD.
Tiến trình được triển khai với các dự án nhỏ để thử nghiệm thị trường và giảm thiểu rủi ro cho các bên.
Quá trình triển khai các dự án này đã thu hút được sự tham gia của 27 tổ hợp và hơn 40 công ty của Chile và công ty nước ngoài từ hơn 10 quốc gia.
Quá trình triển khai các dự án này ở Chile được đánh giá là minh bạch và cạnh tranh thực sự.
Chỉ có một dự án được yêu cầu đảm bảo nguồn thu tối thiểu và kết quả điều tra người sử dụng đã đánh giá các dự án này được 6 trên thang đo 7 điểm. Đây là một mức rất cao.
9 yếu tố tạo ra sự thành công của PPP
Nghiên cứu của Vickram Cuttaree (2008) đã chỉ ra chín điều kiện hay yếu tố tạo ra sự thành công của các dự án PPP gồm:
1. lập kế hoạch kỹ càng
2. ước tính chặt chẽ các chi phí và nguồn thu
3. người sử dụng sẵn sàng chi trả và kế hoạch truyền thông tốt
4. nghiên cứu khả thi được triển khai kỹ càng thông qua việc sử dụng các chuyên gia về PPP
5. tuân thủ các điều khoản đã ký kết trong hợp đồng
6. khung pháp lý và thể chế phù hợp
7. các thể chế mạnh với đầy đủ các nguồn lực
8 quá trình đấu thầu cạnh tranh và minh bạch
9. giảm thiểu và linh hoạt trong việc quản trị các rủi ro vĩ mô (môi trường vĩ mô ổn định).
Để có thể hội đủ cả chín yếu tố này là điều không đơn giản đối với Việt Nam trong bối cảnh hiện nay.
Do vậy, Việt Nam cần hết sức lưu ý trong việc nhân rộng và triển khai đại trà mô hình hợp tác công tư.
HUỲNH THẾ DU
Theo Tuoitre.vn