Nếu làm không khéo, khi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương có hiệu lực, nguyên liệu nước ngoài tràn vào, nông dân sẽ “chết” trước
Muốn truy thu thuế 8 doanh nghiệp sữa, Tổng cục Hải quan PHẢI có đủ 12 văn bản sau
- Cập nhật : 07/12/2015
(Kinh te)
Các luật sư cho rằng đề nghị truy thu thuế của Tổng cục Hải quan chỉ mang tính hướng dẫn nội bộ ngành hải quan, để truy thu thuế của doanh nghiệp là chưa đầy đủ và đúng với quy định của pháp luật. Theo quy định, cần tới 12 văn bản để truy thu thuế…
Nội dung nổi bật:
- Để truy thu thuế, cơ quan Hải quan cần có 12 văn bản mà cao nhất là Hiến pháp và thấp nhất là văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND
- Động thái truy thu thuế tới 5 năm chỉ được thực hiện đối với các trường hợp doanh nghiệp gian lận thuế, trốn thuế. Trong khi cơ quan Hải quan đang thực hiện truy thu do chính sự nhầm lẫn về phân loại của cơ quan Hải quan
- Trong sự việc này cũng cần đặt ra câu hỏi về trách nhiệm quản lý, giám sát của Tổng cục Hải quan, Cục hải quan trong quá trình thực hiện công việc dẫn đến việc phân loại sai mã sản phẩm trong một thời gian quá dài như vậy
Mới đây, 8 doanh nghiệp ngành sữa gồm Vinamilk, Hanoimilk, Nutifood... đã kiến nghị khẩn cấp lên Thủ tướng và Bộ Tài chính liên quan đến việc cơ quan Hải quan sử dụng một thông báo có hiệu lực thi hành vào ngày 08/12/2014 để hồi tố truy thu các tờ khai nhập khẩu lịch sử từ năm 2010.
Với việc hồi tố truy thu, khoản tiền truy thu dự tính là 700 tỷ đồng.
Và đây là câu chuyện đằng sau việc truy thu thuế 5 năm của cơ quan Hải quan.
Đổi 1 mã hàng, hải quan thu gấp 3?
Theo doanh nghiệp, sản phẩm Anhydrous MilkFat hay Anhydrous Butterfat là như nhau, và trước đây có mã số 0405.90.10.
Anhydrous MilkFat là nguyên liệu dùng để sản xuất sữa của doanh nghiệp tại Việt Nam, hầu hết được nhập khẩu từ New Zealand.
Tuy nhiên, kể từ cuối năm 2014, Tổng cục Hải quan ra thông báo về kết quả phân loại đối với mặt hàng Anhydrous MilkFat thành sản phẩm mã số 0405.90.90 (loại khác).
Chỉ khác 2 chữ số, nhưng thuế nhập khẩu đối với mặt hàng các hãng sữa thường xuyên nhập về với số lượng lớn đã tăng lên gấp 2 - 3.
Đáng nói là kể từ năm 2016, theo Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN - Úc – New Zealand, mặt hàng này, với cách phân loại cũ, thuế nhập khẩu sẽ về 0 (căn cứ theo Thông tư số 168/2014/TT-BTC).
Thông tư số 168/2014/TT-BTC Ban hành biểu thuế ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện hiệp định nói trên được ban hành vào ngày 14/11/2014, tức trước thời điểm Tổng cục Hải quan ban hành cách phân loại mới gần 1 tháng.
Theo đó, với cách phân loại mới, mặt hàng trên thay vì hưởng thuế suất 0% sẽ bị áp thuế nhập khẩu 5%.
“Nếu áp mã mặt hàng Anhydrous Milkfat (nguyên liệu dùng để sản xuất sữa của doanh nghiệp tại Việt Nam) là 0405.09.90 thì số thuế mà doanh nghiệp phải chịu là rất lớn”, các luật sư của Công ty luật PLF bình luận.
Muốn truy thu thuế đúng quy định, Tổng cục Hải quan PHẢI có đủ 12 văn bản
Cũng theo Công ty Luật PLF: Theo quy định, để thực hiện việc truy thu thuế của doanh nghiệp, cơ quan nhà nước phải có đầy đủ các văn bản để chứng minh doanh nghiệp có một trong các hành vi làm thất thoát khoản thuế của nhà nước.
Do đó, PLF cho rằng “Thông báo” hiện tại của Tổng cục Hải quan chỉ mang tính hướng dẫn nội bộ ngành hải quan, để truy thu thuế của doanh nghiệp là chưa đầy đủ và đúng với quy định của pháp luật tại Điều 2 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2008 quy định các loại văn bản quy phạm pháp luật bao gồm:
1. Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội.
2. Pháp lệnh, nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội.
3. Lệnh, quyết định của Chủ tịch nước.
4. Nghị định của Chính phủ.
5. Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
6. Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao, Thông tư của Chánh án Toà án nhân dân tối cao.
7. Thông tư của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
8. Thông tư của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ.
9. Quyết định của Tổng Kiểm toán Nhà nước.
10. Nghị quyết liên tịch giữa Uỷ ban thường vụ Quốc hội hoặc giữa Chính phủ với cơ quan trung ương của tổ chức chính trị - xã hội.
11. Thông tư liên tịch giữa Chánh án Toà án nhân dân tối cao với Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; giữa Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ với Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; giữa các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ.
12. Văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân.
Liên quan đến việc truy thu thuế tới 5 năm, PLF cho rằng việc này được thực hiện đối với hành vi gian lận, trốn thuế.
Khoản 5 Điều 23 Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu 2005 quy định: Khi phát hiện có sự gian lận, trốn thuế, cơ quan hải quan có trách nhiệm truy thu tiền thuế, tiền phạt trong thời hạn năm năm trở về trước, kể từ ngày kiểm tra phát hiện có sự gian lận, trốn thuế.
Riêng đối trường hợp nhầm lẫn về thuế thì việc truy thu được thực hiện trong thời hạn nhầm lẫn về thuế 365 ngày trở về trước, kể từ ngày kiểm tra phát hiện có sự nhầm lẫn đó.
1 sản phẩm phân loại sai đến 5 năm, trách nhiệm của Hải quan đến đâu?
Nhận định về việc truy thu thuế của Tổng cục Hải quan trong việc đưa ra cách phân loại bất nhất, PLF cho rằng: Động thái nêu trên của Tổng cục Hải quan ảnh hưởng rất lớn đến tình hình hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp sữa, tạo ra tâm lý bất ổn cho các doanh nghiệp khác khi mà rất có thể họ sẽ là một trong các trường hợp tiếp theo bị truy thu thuế do việc thay đổi của mã HS, cũng như khiến cho các nhà đầu tư nước ngoài e dè khi dự định đầu tư vào Việt Nam, mà trước hết là ảnh hưởng trực tiếp đến người tiêu dùng tại Việt Nam.
Trong sự việc này cũng cần đặt ra câu hỏi về trách nhiệm quản lý, giám sát của Tổng cục Hải quan, Cục hải quan trong quá trình thực hiện công việc dẫn đến việc phân loại sai mã sản phẩm trong một thời gian quá dài như vậy.