Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên đề nghị các tỉnh Tây Nguyên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần sớm tiến hành quy hoạch, ổn định diện tích cây hồ tiêu ở Tây Nguyên.
Đề xuất duyệt 1 triệu tỷ đồng xây dựng nông thôn mới
- Cập nhật : 22/10/2015
(Tai chinh)
Chính phủ kiến nghị Quốc hội thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020 tổng mức vốn đầu tư dự kiến khoảng 1.000.000 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Trung ương hỗ trợ trực tiếp cho chương trình là 120.000 tỷ đồng; lồng ghép với các chương trình, dự án khác 80.000 tỷ đồng; ngân sách địa phương là 130.000 tỷ đồng, huy động các nguồn lực khác 670.000 tỷ đồng.
Bộ trưởng KH-ĐT Bùi Quang Vinh báo cáo về việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia tại Quốc hội (ảnh: Việt Hưng).
Chiều nay 20/10, thay mặt Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch-Đầu tư Bùi Quang Bình đã trình bày trước Quốc hội Tờ trình báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020.
Theo đó, mục tiêu của chương trình là đến năm 2020 phấn đấu 50% số xã trên cả nước đạt chuẩn nông thôn mới; mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có ít nhất 1 huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Cơ bản hoàn thành các công trình thiết yếu đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất và đời sống của cư dân nông thôn: giao thông, điện, nước sinh hoạt, trường học, trạm y tế xã.
“Nâng cao chất lượng cuộc sống của cư dân nông thôn: thu nhập tăng 1,8 lần so với năm 2015, 80% dân số tham gia bảo hiểm y tế”- ông Vinh nói.
Theo ông Vinh, tổng mức vốn đầu tư của chương trình dự kiến khoảng 1.000.000 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Trung ương hỗ trợ trực tiếp cho chương trình là 120.000 tỷ đồng; lồng ghép với các chương trình, dự án khác 80.000 tỷ đồng; ngân sách địa phương là 130.000 tỷ đồng, huy động các nguồn lực khác 670.000 tỷ đồng.
Do nguồn lực có hạn, ngân sách Trung ương bố trí cho chương trình 40.000 tỷ đồng, trong quá trình điều hành, Chính phủ sẽ tìm mọi cách để huy động các nguồn lực, trong đó có ngân sách Trung ương để hỗ trợ tối đa thực hiện chương trình.
Ngoài nguồn vốn trên, ông Vinh cho biết trong giai đoạn 2016 - 2020 còn nhiều chương trình, dự án khác có liên quan đến việc xây dựng nông thôn mới như các Chương trình mục tiêu: Phát triển kinh tế - xã hội các vùng; Phát triển kinh tế thủy sản bền vững; Phát triển lâm nghiệp bền vững; Tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp và phòng chống giảm nhẹ thiên tai, ổn định đời sống dân cư; Giáo dục vùng núi, vùng dân tộc thiểu số; Y tế - Dân số; Ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh; Cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo; Quốc phòng an ninh trên địa bàn trọng điểm;...
Ngoài ra, Chính phủ còn huy động vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài; các địa phương sử dụng nguồn kinh phí hỗ trợ của ngân sách trung ương cho quản lý và sử dụng đất lúa (khoảng 17.000 tỷ đồng); một phần nguồn thu từ xổ số kiến thiết để đầu tư cho Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
“Trên cơ sở xem xét toàn diện các vấn đề theo quy định, Chính phủ kiến nghị Quốc hội khóa XIII Kỳ họp thứ 10 thông qua chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020. Do các dự án đầu tư thuộc chương trình có quy mô nhỏ, đầu tư phân tán và có sự tham gia đóng góp của người dân, đề nghị cho phép các dự án của Chương trình được thực hiện theo cơ chế đặc thù do Thủ tướng Chính phủ qui định”- thay mặt Chính phủ, ông Vinh đề xuất.
Làm rõ phương án huy động đối với từng nguồn lực
Trình bày báo cáo thẩm tra tổng kết tình hình thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011-2015 và định hướng giai đoạn 2016-2020, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng huy động vốn cho thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia thấp và chưa hợp lý khi ngân sách trung ương vẫn chiếm tỷ trọng lớn, các nguồn vốn khác đạt tỷ lệ thấp so với mức vốn đã được phê duyệt.
“Việc phân bổ và giao vốn chương trình mục tiêu quốc gia còn chậm, giao không hết kinh phí; phân bổ còn phân tán, dàn trải, hiệu quả đầu tư chưa cao. Một số chương trình phân bổ vốn vượt định mức so với nguyên tắc, tiêu chí đề ra; không đúng đối tượng thụ hưởng; hỗ trợ đầu tư cho một số trường hợp không đúng mục tiêu; chưa tuân thủ quy định về quản lý, thanh toán vốn. Có 16 chương trình mục tiêu quốc gia nhưng một số địa phương chủ yếu tập trung cho chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới”- ông Hiển nêu bất cập.
Theo ông Hiển, công tác lập đề án xây dựng nông thôn mới còn nặng về đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, chưa thật sự quan tâm đến phát triển sản xuất, nâng cao đời sống và thu nhập cho người dân,...
Chất lượng và hiệu quả thực hiện một số chương trình mục tiêu quốc gia chưa cao; tính bền vững của nhiều chương trình còn hạn chế, trong khi công tác quản lý, duy tu, bảo dưỡng, vận hành sau đầu tư chưa được chú trọng đúng mức, chưa phát huy được hiệu quả sau đầu tư. Công tác xóa đói, giảm nghèo chưa bền vững. Chỉ tiêu đạt được của một số chương trình còn thấp so với kế hoạch, thể hiện hiệu quả đầu tư chưa cao, dàn trải, thiếu tập trung.
“Ủy ban Tài chính-Ngân sách cơ bản thống nhất với đề xuất của Chính phủ về danh mục chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020. Theo đó, tán thành việc tổ chức lại chương trình mục tiêu quốc gia theo hướng thu gọn đầu mối, chỉ để lại 2 chương trình là Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và cho rằng, việc tiếp tục đầu tư cho 2 chương trình này là cần thiết, phù hợp với Nghị quyết của Đảng và định hướng phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, thống nhất với dự kiến về các mục tiêu cụ thể của 2 chương trình này thể hiện trong báo cáo của Chính phủ”- ông Hiển cho biết.
Tuy nhiên, Ủy ban Tài chính- Ngân sách đề nghị Chính phủ rà soát phạm vi đầu tư đối với 2 chương trình trên, tránh trùng lặp với các nội dung đầu tư thuộc lĩnh vực đã được đưa vào danh mục chương trình mục tiêu theo tinh thần Nghị quyết số 1023/2015 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội.
“Qua thực tiễn, đánh giá và phân tích, Ủy ban Tài chính- Ngân sách nhận thấy tính khả thi trong huy động nguồn lực để thực hiện chương trình không cao do Chính phủ chưa làm rõ nguồn lực thực hiện đối với từng hợp phần của chương trình, đặc biệt là khi nguồn vốn ngân sách nhà nước chỉ chiếm khoảng 33% (240.000 tỷ đồng), trong khi ngân sách trung ương trước mắt chỉ bố trí được 40.000 tỷ đồng là quá thấp; các nguồn vốn khác chiếm tỷ trọng tương đối lớn (khoảng 67%) song lại chưa rõ phương án huy động, tỷ trọng huy động đối với từng nguồn vốn”-ông Hiển băn khoăn.
Trong khi chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững có tổng mức đầu tư là 48.261 tỷ đồng thì tỷ trọng vốn ngân sách trung ương chiếm tới trên 85%, các nguồn vốn khác chiếm tỷ trọng nhỏ.
Ủy ban Tài chính- Ngân sách đề nghị Chính phủ tính toán lại nguồn vốn ngân sách nhà nước, đặc biệt là vốn ngân sách trung ương bố trí cần cao hơn mức dự kiến của Chính phủ (gồm cả phần bù chênh lệch lãi suất vốn tín dụng ưu đãi). Đồng thời phải có cơ chế minh bạch về chế độ ưu đãi đối với khu vực doanh nghiệp tham gia đóng góp vốn cho 2 chương trình này.
“Làm rõ phương án huy động đối với từng nguồn lực, phương án bố trí vốn đối với các dự án thành phần của từng chương trình. Thực hiện nguyên tắc ưu tiên bố trí, phân bổ vốn hỗ trợ từ cho chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới cho các địa phương miền núi, vùng sâu, vùng xa, các địa phương chưa tự cân đối ngân sách căn cứ vào số thu và tỷ lệ hỗ trợ từ ngân sách trung ương cho địa phương, bảo đảm phù hợp với tình hình thực tiễn và khả năng cân đối, bố trí vốn của từng địa phương”- ông Hiển chốt lại.